Tái sản xuất khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát
Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số chỉ tiêu về kinh tế của tỉnh Trà Vinh đạt thấp; về hàng hóa, để đảm bảo đơn hàng và duy trì hoạt động, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã chủ động sắp xếp phương án sản xuất theo diễn biến dịch bệnh; có 44 DN đủ điều kiện thực hiện phương án sản xuất “03 tại chỗ”.
Trong đó, 19 DN ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN-KKT); 17 DN trong KCN và 08 DN trong KKT. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh (PCDB) COVID-19, các DN đã tạm dừng hoạt động từ ngày 16/8/2021. Do khó khăn chung, nên giá trị sản xuất công nghiệp 08 tháng đầu năm 2021 đạt 23.961,5 tỷ đồng, đạt 53,1% kế hoạch năm, giảm 5,7% so cùng kỳ.
Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên 08 tháng đầu năm 2021, thành lập DN mới không đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; nhiều DN giải thể hoặc ngừng hoạt động... Đến ngày 30/7/2021, tổng số lao động ngừng việc 13.030 người.
Với nhiệm vụ là cơ quan tham mưu UBND tỉnh, các sở, ngành đã tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn PCDB COVID-19 tại các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong các KKT, KCN; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chuyên gia, người lao động ngoài tỉnh đến hỗ trợ các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn.
Chủ động, linh hoạt trong khâu kiểm soát, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lưu thông và tiêu thụ hàng hóa, không làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân, DN. Chỉ đạo thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “01 cung đường 02 điểm đến” tại một số DN trong KKT, KCN để đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 phát triển mới 2.500 DN; Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đặt mục tiêu phát triển mới 500 DN. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động của DN gặp nhiều bất lợi, những ngày đầu của đợt dịch thứ 4, tỉnh chỉ đạo thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “01 cung đường 02 điểm đến” tại một số DN trong KCN, KKT để đảm bảo an toàn trong sản xuất, nhưng hầu hết các DN phải ngừng hoạt động.
Tình hình phát triển DN gặp rất nhiều khó khăn, từ đầu năm 2021 đến ngày 15/8/2021, phát triển mới 253 DN, đạt 50,6% kế hoạch, giải thể 59 DN, tạm ngừng hoạt động 62 DN (so với cùng kỳ, số DN phát triển mới thấp hơn 28 DN; số DN giải thể tăng 09 DN; số DN tạm ngừng hoạt động tăng 08 DN). Như vậy, trong 03 tháng còn lại của năm 2021, tỉnh cần phát triển mới 247 DN, bình quân phát triển 62 DN/tháng. Trong khi đó, trung bình 08 tháng đầu phát triển 32 DN/tháng. Vì vậy, muốn đạt chỉ tiêu này trong năm 2021 là hết sức khó khăn, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Châu Văn Hòa - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trà Vinh (KH&ĐT) cho biết: từ nay đến cuối năm 2021, Sở tập trung thực hiện 04 nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, vận động các hộ kinh doanh có tiềm năng, chuyển đổi thành DN. Hiện tỉnh Trà Vinh có trên 19.500 hộ kinh doanh, đây là tiềm năng rất lớn để chuyển đổi lên DN. Thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN như: Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV.
Thứ hai, cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện nghiêm và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh khi đăng ký DN, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đúng hoặc sớm hơn thời gian quy định.
Thứ ba, chỉ đạo bộ phận cán bộ thực hiện tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý miễn phí về đăng ký DN, hướng dẫn hồ sơ mẫu liên quan đến thành lập các loại hình DN công khai lên Trang thông tin điện tử của Sở KH&ĐT và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ DN, thực hiện tư vấn, hướng dẫn miễn phí hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, nâng cao trình độ, năng lực và ý thức trách nhiệm của cán bộ thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực này.
Thứ tư, xây dựng Đề án Hỗ trợ DNVVN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, nhằm hỗ trợ và khuyến khích phát triển DN trên địa bàn tỉnh. Sở KH&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển DN cao hơn 500 DN/năm cho những năm còn lại của nhiệm kỳ.
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên 08 tháng đầu năm 2021 giá trị sản xuất công nghiệp đạt thấp, để đảm bảo đơn hàng và duy trì hoạt động, các DN chủ động sắp xếp phương án sản xuất theo diễn biến dịch bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn PCDB COVID-19, các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng hoạt động kể từ ngày 16/8/2021... điều này ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động của các DN.
Ông Châu Văn Hòa cho biết thêm: trong 08 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh Trà Vinh thu hút 16 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 10.320,76 tỷ đồng. Nâng đến nay, toàn tỉnh có 383 dự án đang đầu tư, kinh doanh (gồm 41 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 3,1 tỷ USD và 342 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 122.038,14 tỷ đồng). Trong đó, có 289 dự án đang hoạt động, 44 dự án đang triển khai, 43 dự án đang thực hiện thủ tục pháp lý và 07 dự án đang thực hiện thủ tục chấm dứt dự án (ít hơn cùng kỳ 12 dự án). Đồng thời, điều chỉnh chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 05 dự án.
Mặc dù tạm ngừng hoạt động, nhưng phần lớn các DN đều xây dựng “kịch bản” sẵn sàng tái sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát. Để hỗ trợ DN tái sản xuất, Sở KH&ĐT phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai hiệu quả Kế hoạch số 76/KH-UBND, ngày 31/8/2021 của UBND tỉnh Trà Vinh về tổ chức trở lại hoạt động sản xuất của DN trên địa bàn tỉnh. Sở KH&ĐT đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ và phát triển DN trong bối cảnh dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, sẽ sớm trình UBND tỉnh ban hành để kịp thời triển khai hỗ trợ DN tái sản xuất, bù đắp những chỉ tiêu bị ảnh hưởng.
Theo đó, Sở KH&ĐT đã xây dựng kịch bản tăng trưởng những tháng cuối năm 2021, trong đó dự báo nhiều chỉ tiêu tăng trưởng GRDP không đạt Nghị quyết, kéo theo một số chỉ tiêu liên quan như GRDP bình quân đầu người, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ trong GRDP cũng có khả năng không đạt. Bên cạnh đó, tình hình hoạt động của DN bị đình trệ, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Để sớm khôi phục sản xuất, sau khi kiểm soát dịch bệnh, Sở KH&ĐT phối hợp với các sở, ngành tỉnh và địa phương thực hiện các nhiệm vụ:
Thứ nhất, tham mưu UBND tỉnh điều hành linh hoạt vốn đầu tư công năm 2021, tạo điều kiện thuận lợi, đôn đốc triển khai nhanh và giải ngân, đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để khơi thông nguồn lực, khắc phục điểm nghẽn về hạ tầng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, theo dõi, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện gió; UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá cố định đối với các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, ngày 10/9/2018 ít nhất đến hết tháng 4/2022. Dự kiến, trong quý IV/2021 có 05 dự án điện gió hoạt động, sẽ tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Thứ ba, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và Bộ KH&ĐT xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.