Để nông dân an tâm tái sản xuất
Dịch COVID-19 bùng phát khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, trong đó có nông dân. Người trồng lúa bị giảm trên 50% lợi nhuận so với trước đó, còn trồng cây ăn trái thì thua lỗ; trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp tăng cao,... làm nông dân e ngại khi tái sản xuất. Để hỗ trợ nông dân, các cấp, các ngành cần có những chính sách, giải pháp khuyến khích nông dân tái sản xuất sau dịch bệnh.
Giá vật tư nông nghiệp “leo thang”
Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh chuẩn bị xuống giống vụ Đông Xuân 2021 - 2022. Khác với không khí phấn khởi như những vụ trước, nhiều nông dân đang lo lắng vì giá các loại vật tư nông nghiệp tăng gấp 2 lần (tùy loại), trong khi giá lúa vụ Hè Thu và Thu Đông xuống rất thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, nông dân trồng lúa chủ yếu “ăn trước, trả sau”, nghĩa là đầu vụ, nông dân canh tác lúa sẽ đến các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp để mua thiếu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống,... đến khi thu hoạch lúa mới mang tiền đến trả. Đương nhiên, các khoản mua thiếu này các cửa hàng sẽ tính lãi. Chính những nguyên nhân trên làm cho nông dân trồng lúa e ngại khi xuống giống vụ Đông Xuân.
Ông Trương Văn Trung (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh) than thở: “Nếu như bình thường, chi phí cho 1ha lúa khoảng 5 triệu đồng thì nay tăng lên 10 triệu đồng. Hiện 7ha nếp của gia đình trong giai đoạn bón phân nên gánh nặng về chi phí đầu vào rất lớn, giá phân bón tăng gấp 2 lần. Giá thuốc bảo vệ thực vật, xăng, dầu cũng tăng theo. Nếu giá lúa nếp chỉ 4.400 đồng/kg như vụ Thu Đông năm 2021, gia đình tôi sẽ bị thua lỗ nặng, còn nông dân nào thuê đất kể như mất trắng”.
Theo ngành Nông nghiệp, ure, kali và DAP là 3 sản phẩm phân bón phổ biến được nông dân thường dùng trong sản xuất. Thế nhưng, cả 3 loại phân này đều tăng từ 200.000 - 400.000 đồng/bao so với đầu vụ, còn so cùng kỳ năm 2020 thì tăng đến hơn 100%. Với mức giá này, không chỉ nông dân “than trời” mà các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp cũng lao đao khi chi phí nhập hàng tăng đáng kể, thậm chí có nhiều loại còn không có hàng để bán bởi các công ty chỉ cung ứng “nhỏ giọt”.
Chị Nguyễn Thị Trường Thịnh (chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Lê Nguyễn 2, xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh) bộc bạch: “Thời điểm này, cửa hàng phải tăng chi phí nhập hàng lên gấp 2 lần, nhưng lợi nhuận thì giảm. Chúng tôi không dám nhận tiền đặt cọc của nông dân vì sợ giá tăng. Cửa hàng cũng đặt mua nhiều loại phân bón nhưng các công ty cung cấp rất ít.
Nông dân phải mua phân bón với giá gấp đôi nhưng giá lúa thì chưa chắc tăng, cứ tình trạng này hoài không chỉ nông dân mà cửa hàng bán vật tư nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Hy vọng, các cấp, các ngành sớm có giải pháp để bình ổn giá vật tư nông nghiệp trong thời gian tới”.
Thiếu vốn tái sản xuất sau dịch
Đối với việc trồng lúa, phân bón chiếm chi phí khá cao. Khi giá phân bón tăng, chi phí sản xuất tăng trong khi giá lúa chưa chắc tăng, nông dân phải “gánh” thêm nhiều nỗi lo. Để vực lại nền kinh tế nông nghiệp sau đại dịch, nông dân cần Nhà nước hỗ trợ vốn để tái sản xuất.
Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh - Võ Văn Điền nhấn mạnh: “Đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành, đặc biệt là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu giãn thời gian trả nợ cho các đối tượng đã vay vốn các ngân hàng; đồng thời, cần có chính sách ưu tiên cho người dân khi vay thế chấp trong đợt dịch”.
Nông sản là nguồn thu nhập chính của nông dân. Để giúp nông dân tái sản xuất, cần kiến nghị Chính phủ có giải pháp chỉ đạo ngân hàng xem xét khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, không liệt vào nhóm nợ xấu, tiếp tục giải ngân thêm 50% chi phí sản xuất.
Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông cho biết: “Qua đợt giãn cách xã hội, đời sống người dân bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là sản xuất nông nghiệp. Năm nay, sản lượng lương thực của huyện đạt rất cao nhưng giá bán thì lại thấp, người dân khó tiếp cận vốn để tái sản xuất. Theo đó, kiến nghị các bộ, ngành cũng như các cấp có gói hỗ trợ để nông dân tái sản xuất”.
Nông dân đang rất cần những giải pháp căn cơ và cả sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc bình ổn giá vật tư nông nghiệp và hỗ trợ vốn tái sản xuất sau dịch. Có như thế, họ mới an tâm sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, góp phần phục hồi kinh tế.