Động lực để người dân đưa tiền nhàn rỗi vào dòng chảy kinh tế thông qua tổ chức tín dụng
Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền chính là yếu tố sống còn, bảo đảm cho sự phát triển an toàn, bền vững của từng ngân hàng riêng lẻ hay toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
"Đồng tiền liền khúc ruột" - nhìn từ quốc gia có hệ thống bảo hiểm tiền gửi sớm nhất thế giới
Đầu năm 2023, hệ thống tài chính Mỹ rung chuyển, sự cố diễn ra rất nhanh do ngân hàng mất thanh khoản. Những cái tên được nhắc tới là Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng có 40 năm hoạt động tại Mỹ - bị buộc phải dừng hoạt động sau khi bị khách hàng ồ ạt rút tiền. Hai ngày sau vụ sụp đổ của SVB, nhà chức trách bang New York vội vã tiếp quản ngân hàng Signature Bank (SB) để ngăn chặn rủi ro hệ thống trong bối cảnh niềm tin giảm sút. Tiếp theo là First Republic Bank (FRB) - ngân hàng thương mại chuyên cung cấp dịch vụ cho các cá nhân có nhiều tài sản ròng... Đáng chú ý là những diễn biến quá chóng vánh, không thể lường trước đã gây sốc đối với các nhà điều hành ngân hàng và cho thấy sự “mong manh” của hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, các sự cố này không gây ra hậu quả lan truyền rộng trên thị trường tài chính vì sự vào cuộc của Chính phủ Mỹ và Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) liên bang Mỹ (FDIC). Đứng trước những khủng hoảng như của SVB và SB… để củng cố niềm tin của người dân đối với hoạt động ngân hàng, tránh việc đổ xô rút tiền hàng loạt, FDIC và cơ quan cấp phép đã tiến hành đóng cửa Ngân hàng, chỉ định FDIC là tổ chức tiếp nhận và chuyển giao toàn bộ hoạt động của ngân hàng đổ vỡ cho ngân hàng bắc cầu để tiếp tục duy trì việc cung ứng dịch vụ ngân hàng, tài khoản cho các khách hàng hiện hữu trước khi được chuyển nhượng cho tổ chức nhận chuyển nhượng. Đồng thời, pháp luật Mỹ cho phép FDIC chia sẻ các khoản lỗ với tổ chức nhận chuyển nhượng.
Để ngăn ngừa nguy cơ lan truyền rút tiền hàng loạt, FDIC đã tuyên bố bảo đảm cho tất cả các khoản tiền gửi tại SVB và SB… (bao gồm cả tiền gửi vượt hạn mức bảo hiểm và tiền gửi không được bảo hiểm). FED đã thiết lập chương trình cho vay hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, trong đó có việc mua lại các trái phiếu theo mệnh giá (không theo giá thị trường) để hỗ trợ thanh khoản, giảm lỗ cho các ngân hàng nắm giữ trái phiếu… Những động thái này nhằm lấy lại niềm tin công chúng, duy trì hoạt động liên tục và khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của khách hàng. Việc đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền đã hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực từ sự phá sản các ngân hàng.
Có thể thấy, các ngân hàng nói trên đều phá sản bởi nguyên nhân “kinh điển”: làn sóng khách hàng ồ ạt rút tiền, tháo chạy khỏi ngân hàng; đồng thời, các ngân hàng này có lượng tiền gửi ngoài phạm vi BHTG rất cao và người gửi tiền có thể rút tiền thông qua nghiệp vụ ngân hàng điện tử chỉ sau một thông báo ngắn gọn. Một nghiên cứu ở Mỹ mới đây cho thấy, gần 190 ngân hàng của nước này có nguy cơ phá sản ngay cả khi chỉ một nửa số người gửi tiền không được BHTG quyết định rút tiền. Những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ mất một phần khoản tiền gửi nếu ngân hàng sụp đổ, vì vậy họ dễ có động lực để rút tiền. Tiền gửi không được bảo hiểm là tiền gửi của khách hàng lớn hơn giới hạn BHTG 250.000USD của FDIC.
Theo báo cáo mới đây của FDIC, tiền gửi không được bảo hiểm trong hệ thống ngân hàng duy trì ở mức cao và đạt đỉnh vào năm 2021. Đặc biệt, tiền gửi không được bảo hiểm tập trung tại các ngân hàng lớn và thuộc về một số ít người gửi tiền. Vào năm 2022, chưa đến 1% số tài khoản tiền gửi có số dư vượt hạn mức BHTG, nhưng về giá trị, tổng số dư của các tài khoản này chiếm hơn 40% tổng giá trị tiền gửi trong hệ thống ngân hàng. Tại SVB, vào thời điểm ngân hàng này sụp đổ, 10 tài khoản tiền gửi lớn nhất tại đây đã có giá trị tới 13,3 tỷ USD.
Sự đổ vỡ của các ngân hàng Mỹ những tháng đầu năm 2023 cho thấy, bất kể ở đâu, dù là quốc gia có nền tài chính và hệ thống ngân hàng phát triển bậc nhất, cùng với hệ thống BHTG ra đời sớm nhất và tiên tiến nhất thế giới như Mỹ (BHTG Mỹ được thành lập năm 1933), thì người gửi tiền luôn là đối tượng nhạy cảm nhất và dễ tổn thương nhất trước những thông tin về hoạt động ngân hàng. Mặc dù người dân Mỹ vốn đã quá "quen" với các vụ đóng cửa ngân hàng (giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2009, ở Mỹ có tới 11.000 ngân hàng bị phá sản), nhưng "đồng tiền" luôn "liền khúc ruột". Khi xuất hiện dấu hiệu tiền gửi của mình có nguy cơ thiếu an toàn, những người gửi tiền "nhỏ bé" có thể nhanh chóng làm sụp đổ những ngân hàng đồ sộ với bề dày hoạt động hàng chục năm trên thương trường. Chính vì vậy, kịp thời bảo vệ, trấn an, ổn định tâm lý của người gửi tiền là yếu tố sống còn, bảo đảm cho sự phát triển an toàn, bền vững của từng ngân hàng riêng lẻ hay toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Nâng cấp độ bảo vệ người gửi tiền từ sớm, từ xa
Các vụ phá sản ngân hàng rúng động nước Mỹ được cho là không ảnh hưởng đến Việt Nam. Bởi hiện nay, hệ thống ngân hàng nước ta hoạt động với chuẩn mực cao hơn (nhiều ngân hàng đã áp dụng Basel II, Basel III) chính là nền tảng quan trọng để củng cố niềm tin thị trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển an toàn của hệ thống các TCTD.
Mặt khác, thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) luôn phản ứng mau lẹ, chủ động và sẵn sàng can thiệp để ổn định thị trường khi một TCTD nào đó có dấu hiệu nghi ngờ. Đơn cử, năm 2022, SCB có thời điểm gặp khó khăn, nhưng không gây đổ vỡ lan truyền nhờ các biện pháp can thiệp linh hoạt, kịp thời của NHNN, trong đó có tuyên bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm ở mức độ cao nhất; mặt khác, còn nhờ niềm tin thị trường đã được củng cố trong một thời gian khá dài.
Bài học từ các vụ đổ vỡ ngân hàng ở Mỹ và một số quốc gia khác trên thế giới những tháng đầu năm 2023 đã được NHNN - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi ở Việt Nam - nghiên cứu, “trông người ngẫm đến ta” để nhanh chóng bổ sung một loạt quy định “làm mới” quy trình can thiệp sớm đối với TCTD, đặc biệt là có sự tham gia của tổ chức BHTG để bảo vệ người gửi tiền từ sớm, từ xa. Và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.
Theo đó, dự thảo Luật bổ sung thẩm quyền của NHNN tại giai đoạn can thiệp sớm, nâng một số biện pháp đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm để xử lý sớm tình trạng yếu kém của TCTD chưa đến mức nghiêm trọng. Bổ sung các biện pháp hỗ trợ từ TCTD hỗ trợ, đồng thời có sự tham gia của BHTG Việt Nam. Bổ sung quy định về trường hợp TCTD được vay đặc biệt của NHNN, BHTG Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và các TCTD khác - kể cả khi TCTD đó chưa được đặt vào kiểm soát đặc biệt để giải quyết, xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại TCTD, qua đó gián tiếp bảo vệ người gửi tiền.
Lý giải về điều này khi Quốc hội thảo luận Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi tại kỳ họp đầu năm 2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, một ngân hàng đang hoạt động bình thường, vì lý do nào đó bị rút tiền hàng loạt, đều cần được đưa vào quy trình can thiệp sớm để hỗ trợ kịp thời. Nếu chờ đến khi bị kiểm soát đặc biệt mới thực hiện các giải pháp hỗ trợ thì khó có thể đảm bảo an toàn hệ thống.
Luật BHTG đang được NHNN đề xuất sửa đổi cũng hướng tới bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền, trong đó có nội dung rút ngắn thời hạn trả tiền bảo hiểm, tạo cơ chế nâng cao năng lực tài chính của tổ chức BHTG…
Truyền thông giống như giao thông - cần đi trước mở đường
Thị trường tài chính vốn rất nhạy cảm, hiệu ứng tâm lý đám đông mạnh. Vì vậy, minh bạch, kỷ luật thị trường cùng với thường xuyên nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền là rất quan trọng. Bảo vệ người gửi tiền không chỉ bằng các quy định pháp luật, các biện pháp kinh tế, mà còn bằng phổ biến, giải thích, truyền thông chính sách tài chính - dịch vụ tài chính - cơ chế bảo đảm an toàn cho hoạt động tài chính của người dân một cách bài bản, tạo thành hệ sinh thái thông tin thị trường tài chính. Từ đó, nâng cao hiểu biết của người dân, tác động tích cực đến đường đi từ nhận thức đến hành vi, ứng xử của họ khi tham gia các hoạt động tài chính, đồng thời rút ngắn “quãng đường” từ văn bản đến thực tiễn.
Để tăng cường truyền thông chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023, trong đó nêu rõ: Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác truyền thông chính sách cần được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong thực thi chính sách.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020. Trong đó, một nội hàm quan trọng là tăng cường hiểu biết tài chính cho người dân, nhằm mục tiêu thay đổi nhận thức, hành vi và tạo thói quen tài chính tốt trong cộng đồng.
Đối với BHTG - công cụ chính sách công của Chính phủ để bảo vệ người gửi tiền, Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG. Vì vậy, với chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, tổ chức BHTG cần khẩn trương hiện thực hóa mục tiêu này, từ đó gia tăng mức độ nhận thức của người gửi tiền về BHTG.
Đối với các TCTD, muốn phát triển bền vững cần quan tâm đến cả hai vế trong hoạt động, bao gồm cả tăng trưởng nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro và xây dựng cho mình những “khách hàng, người gửi tiền thông thái”. Các TCTD cần đẩy mạnh kết hợp, lồng ghép quảng bá sản phẩm ngân hàng mới với truyền thông chính sách về tài chính - ngân hàng, trong đó có BHTG. Một lãnh đạo NHNN từng lưu ý các TCTD phải thường xuyên cập nhật thông tin điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN trên website của TCTD “để đông đảo bà con, người gửi tiền được biết”.
Người gửi tiền trao vốn - cũng là trao niềm tin vào tay TCTD, nhưng chính người gửi tiền cũng có thể quay lưng làm sụp đổ TCTD một khi niềm tin sụt giảm. Thiếu sự chung tay của các TCTD trong hoạt động truyền thông chính sách có thể gây “đứt gãy” con đường thông tin chính sách đến người dân bởi hiếm có người dân nào không có quan hệ giao dịch với một TCTD nào đó.
Hiện nay Luật BHTG chỉ quy định TCTD phải niêm yết công khai Chứng nhận tham gia BHTG tại các điểm giao dịch có nhận tiền gửi của người gửi tiền. Trên thực tế, nhận thấy tầm quan trọng của BHTG, một số ngân hàng còn in trên sổ tiết kiệm nội dung: tiền gửi của khách hàng đã được bảo hiểm theo quy định. Hay ở “Những điều cần lưu ý” mặt sau mẫu sổ tiết kiệm trắng của quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) cũng thông tin công khai tiền gửi tiết kiệm của thành viên và khách hàng tại QTDND được bảo hiểm tiền gửi (QTDND hiện chỉ được sử dụng sổ tiết kiệm trắng theo mẫu do Ngân hàng Hợp tác xã ban hành, cung cấp để nhận tiền gửi tiết kiệm của khách hàng). Thời gian tới, khi sửa Luật BHTG, cơ quan lập pháp cần xem xét luật hóa trách nhiệm của TCTD trong phối hợp với tổ chức BHTG để thúc đẩy sự tham gia rộng rãi, bài bản hơn của các TCTD trong truyền thông chính sách bảo vệ người gửi tiền, gắn với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Quốc hội thông qua tháng 6/2023 vẫn “để ngỏ” một bộ phận quan trọng người tiêu dùng dịch vụ tài chính, đó là người gửi tiền. Lý do, đây là đối tượng đặc thù cần được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành. Chính vì vậy, sớm sửa Luật Các TCTD, Luật BHTG…với những quy định được nâng cấp, bổ sung để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền sẽ là động lực thúc đẩy người dân đưa tiền nhàn rỗi vào dòng chảy kinh tế thông qua các TCTD.