Động lực tăng trưởng cho thị trường chứng khoán 2014
(Tài chính) Theo “Báo cáo triển vọng 2014” của Công ty Chứng khoán Vietcombank vừa được công bố mới đây, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tốt và trong một kịch bản tích cực, thị trường có thể đạt mức tăng trưởng chung lên tới 15% trong năm 2014. Vậy cơ sở nào để các nhà đầu tư kỳ vọng vào sự tăng trưởng ấn tượng này?
Kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ tốt hơn
TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng kinh tế vĩ mô năm 2014 sẽ tiếp tục ổn định nhờ những kết quả đạt được từ năm 2013. Trong đó, một trong những biểu hiện rõ nét nhất là lạm phát đã được kiểm soát thành công và có kinh nghiệm để tiếp tục kiểm soát tốt trong năm nay. Chuyên gia này khẳng định, ổn định kinh tế vĩ mô là rất quan trọng, tạo tiền đề cho các yếu tố khác có cơ hội phát triển và ổn định theo, trong đó có TTCK.
Cũng có cái nhìn khá lạc quan về kinh tế vĩ mô, mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI) dự báo: lạm phát năm 2014 sẽ ở mức 7-8% và tăng trưởng GDP ở mức 5,7-5,8%. Nối tiếp xu thế phục hồi, trong năm 2014, nền kinh tế sẽ có mức tăng trưởng cao hơn năm 2013.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2014 được Chính phủ đề ra ở mức 5,8% và kiềm chế lạm phát ở mức 7% sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó tác động tích cực tới TTCK.
Môi trường đầu tư thuận lợi
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng, năm 2014 sẽ có nhiều thuận lợi cho TTCK nhờ những giải pháp và chương trình của Chính phủ triển khai trong thời gian qua đã bắt đầu phát huy tác dụng và đi đúng hướng.
Cụ thể, tiền VND đã giữ được ổn định cao trong suốt 2 năm vừa qua và dự đoán sẽ giữ ổn định trong năm 2014; giá chứng khoán trung bình Việt Nam (VN-index) vào khoảng 12,6 lần vào cuối năm 2013, thấp hơn tương đối so với các nước trong khu vực (Indonesia 19,5 lần, Thái Lan 14,5 lần, Malaysia 18 lần,…); sự kiện Việt Nam tham gia Hiệp định Hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Đây chính là những lợi thế so sánh tương đối về môi trường đầu tư với các nước trong khu vực.
Thêm vào đó, nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường được đã đạt những kết quả tích cực thời gian qua như: kéo dài thời gian giao dịch, triển khai các chỉ số mới, đề xuất các giải pháp gia tăng năng lực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài,… sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển mới của TTCK Việt Nam trong năm 2014.
Điểm đến của dòng vốn ngoại
Thời gian qua, sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại đến TTCK đang nóng dần. “Mỗi tháng, tôi tiếp không dưới 10 đoàn nhà đầu tư ngoại đến tìm hiểu thị trường chứng khoán Việt Nam”, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh Trần Đắc Sinh chia sẻ. Cùng với đó, tổng dòng vốn ngoại luân chuyển trên TTCK Việt Nam năm 2013 tăng trên 50% so với năm 2012, với giá trị danh mục đầu tư đã ở trên 11 tỷ USD. Những tín hiệu tích cực này đã tạo niềm tin rằng năm 2014 sẽ là năm thu hút một lượng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Đầu tư của Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Việt Nam nhận định, nguồn tiền đầu tư nước ngoài nhiều khả năng sẽ tăng cao trong nửa đầu năm 2014 và sẽ là một yếu tố quan trọng kích thích TTCK tăng trưởng.
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Thế Minh, Chuyên viên phân tích kỹ thuật của Công ty Chứng khoán Bản Việt cũng cho biết, giai đoạn cuối năm 2013 và tháng 1/2014, dòng tiền của khối ngoại chảy vào thị trường rất mạnh và tập trung ở nhóm cổ phiếu trong rổ tính chỉ số VN30. Vì vậy, chuyên gia này tin rằng dòng tiền của khối ngoại sẽ tiếp tục chảy vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới.
Sức hấp dẫn của nhóm cổ phiếu quy mô vừa
Theo ông Trần Thăng Long, Trưởng Phòng phân tích Công ty chứng khoán BSI, TTCK Việt Nam đã vào giai đoạn cuối của chu kỳ phục hồi đầu tiên trước khi bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ hơn tiếp theo, với độ rộng thị trường lớn hơn. Các nhóm ngành “theo sau” như bất động sản, xây dựng, thủy sản… đã tăng trưởng trở lại và các nhóm cổ phiếu có quy mô vừa (midcap) phục hồi mạnh mẽ nhưng vẫn ở mức định giá hấp dẫn. Vì vậy, năm 2014 sẽ là năm của cổ phiếu midcap với quy mô vốn hóa từ 300 đến 1.000 tỷ đồng.
Về các nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng năm 2014, ông Phạm Phú Khôi - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán ACB dự báo: với sự phục hồi của kinh tế thế giới, khối cổ phiếu dầu khí và công nghệ sẽ tiếp tục có triển vọng tốt. Khối nông nghiệp: cao su, mía đường... sẽ có cơ hội bứt phá đi lên, trong khi đó, các cổ phiếu ngành tiêu dùng sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn trước nhưng vẫn đảm bảo giá trị về lâu dài.