Đông Nam Á và phép thử thay thế Trung Quốc làm công xưởng sản xuất toàn cầu


Đông Nam Á bao gồm rất nhiều nước có trình độ sản xuất khác nhau nhưng lại ràng buộc bởi nhiều hiệp định thương mại nên có thể thống nhất được về hệ thống quy chuẩn.

Đông Nam Á bao gồm rất nhiều nước có trình độ sản xuất khác nhau nhưng lại ràng buộc bởi nhiều hiệp định thương mại nên có thể thống nhất được về hệ thống quy chuẩn.

Khi mà chi phí lao động tại Trung Quốc tăng lên ngưỡng gần gấp 3 so với tại Đông Nam Á, ngoài ra còn nhiều rắc rối địa chính trị khác nhau phát sinh, Đông Nam Á trở thành lựa chọn tốt.

Năm 1987, Panasonic đã đặt cược vào Trung Quốc. Ở thời điểm đó, đất nước khai sinh ra thương hiệu này, Nhật bản, vẫn là một cường quốc sản xuất của thế giới, kinh tế Trung Quốc khi đó cũng chỉ có quy mô tương đương với Canada. Chính vì vậy khi mà Panasonic vào Trung Quốc lập liên doanh để sản xuất linh kiện cho máy tính, rất nhiều người đã cảm thấy khó hiểu.

Panasonic đã đi trước rất nhiều các doanh nghiệp toàn cầu đến từ Nhật cũng như nhiều nước khác trong việc đổ xô vào Trung Quốc nhằm tận dụng lợi thế nguồn lao động giá rẻ. 3 thập kỷ rưỡi sau đó, Trung Quốc đã xây dựng nên đế chế kinh doanh hàng điện tử tiêu dùng quy mô nhiều nghìn tỷ USD.

Quy mô hoạt động xuất khẩu các sản phẩm điện tử và linh kiện ước tính khoảng 1 nghìn tỷ USD trong năm 2021, tính trong tổng số toàn cầu khoảng 3,3 nghìn tỷ USD. Giờ đây, gần như rất ít công ty toàn cầu nào dám bỏ qua Trung Quốc, và nếu có, hẳn công ty đó vô cùng “dũng cảm”.

Gần đây, với nhiều diễn biến mới về thương mại cũng như áp lực chính trị, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã bắt đầu có những tính toán về việc khi không thể rời Trung Quốc hoàn toàn, vậy cũng nên tính đến những địa điểm khác để làm nơi thay thế phòng những diễn biến bất ngờ.

Chi phí lao động tại Trung Quốc cũng không còn rẻ nữa: từ năm 2013 đến năm 2022, mức lương của ngành sản xuất tăng gấp đôi lên 8,27USD/giờ. Quan trọng hơn nữa, sự chia tách ngày một lớn giữa Bắc Kinh và Washington đang buộc các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt những doanh nghiệp liên quan đến sản xuất các sản phẩm bán dẫn, cân nhắc lại sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Từ năm 2020 đến năm 2022, số lượng các doanh nghiệp Nhật hoạt động tại Trung Quốc giảm từ khoảng 13.600 xuống còn 12.700, theo công ty nghiên cứu Teikoku Databank. Ngày 29/1/2023, có thông tin cho thấy rằng Sony có kế hoạch chuyển việc sản xuất máy ảnh bán tại thị trường Nhật và phương Tây từ Trung Quốc sang Thái Lan. Samsung, một doanh nghiệp Hàn Quốc, đã giảm 2/3 quy mô nhân sự tại Trung Quốc tính từ mức đỉnh vào năm 2013. Hãng máy tính Dell của Mỹ cũng đang đặt mục tiêu ngừng sản xuất chip tại Trung Quốc trước năm 2024.

Vấn đề đối với Dell, Samsung, Sony và những doanh nghiệp tương tự như vậy chính là: vậy làm thế nào để sản xuất được sản phẩm? Chẳng có nước nào có thể mang đến quy mô sản xuất như ở Trung Quốc. Tuy nhiên nếu tính chung, nhóm nền kinh tế khắp châu Á có thể hình thành một hệ thống thay thế vững vàng. Mạng lưới này trải dài từ Hokkaido ở phía Bắc Nhật sang đến Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Bangladesh và kéo dài đến Gujarat ở Tây Bắc Ấn Độ.

Mỗi nước thành viên trong nhóm này có những thế mạnh riêng, từ việc nước Nhật sở hữu kỹ năng trình độ cao cũng như tiềm lực tài chính tốt hay môi trường Ấn Độ thu nhập thấp. Trên giấy, nó mang đến cơ hội phân chia lao động, một số nước sản xuất các sản phẩm tinh vi và nhiều nước khác hoàn thiện nó. Thế nhưng lý thuyết là vậy, thực tế lại là phép thử lớn với việc sản xuất trên phạm vi và trật tự địa lý có nhiều khác biệt.

Chuỗi cung ứng châu Á, được gọi với cái tên Altasia, dường như khá tương xứng với Trung Quốc, hoặc thậm chí còn tốt hơn. Tổng số lượng người dân trong độ tuổi lao động là 1,4 tỷ người, cao hơn rất nhiều so với con số 980 triệu người tại Trung Quốc. Altasia cũng là nơi tập trung của 154 triệu người trong độ tuổi từ 25 đến 54 trong khi đó con số này ở Trung Quốc ước tính 145 triệu. Và trái ngược lại hoàn toàn với một Trung Quốc đang già hóa dân số, Altasia dường như sẽ ngày một phát triển mạnh hơn.

Tại nhiều khu vực tại Altasia, mức lương dường như thấp hơn so với Trung Quốc, mức lương trung bình theo giờ tại Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam hiện vẫn dưới 3USD/giờ, ước tính khoảng chỉ bằng 1/3 so với mức lương mà người lao động Trung Quốc đòi hỏi. Khu vực này hiện vẫn đang là cường quốc xuất khẩu: Các nước thành viên xuất khẩu ước tính 634 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ trong vòng 12 tháng tính đến tháng 9/2022, cao hơn so với con số 641 tỷ USD của Trung Quốc.

Altasia đã trở nên ngày một tích hợp về kinh tế. Gần như tất cả những nước trong khu vực này đã tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership) trong đó có bao gồm cả Trung Quốc. Bằng cách phối hợp về nguyên tắc xuất xứ thông qua các hiệp định thương mại, thỏa thuận đã tạo ra một thị trường thống nhất cho các sản phẩm trung gian.

Kết quả những rào cản quy định với chuỗi cung ứng phức tạp trên nhiều quốc gia đã được giảm đi. Brunei, Japan, Malaysia, Singapore và Việt Nam thuộc về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership), trong đó còn bao gồm cả Canada, Mexico và vài nước Nam Á khác.

Mô hình kinh tế Altasia vốn đã tồn tại, nhờ vào các doanh nghiệp Nhật đã nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á suốt nhiều thập kỷ qua. Gần đây, nước láng giềng giàu có của Nhật là Hàn Quốc cũng hành động như vậy. Từ năm 2020, các doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư trực tiếp vào Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Cách đây khoảng một thập kỷ, đầu tư của Hàn Quốc vào Trung Quốc khi đó cao gấp đôi vào Altasia. Giờ đây, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Tỏng năm ngoái, hãng xe Hyundai của Hàn Quốc đã mở nhà máy đầu tiên tại Đông Nam Á và sản xuất xe điện tại Indonesia.

Theo Ngọc Diệp/nhipsongkinhdoanh.vn