Dòng người đến xin tài lộc ở đền Bảo Hà, đền Đông Cuông ngày đầu năm 2024


Cứ mỗi dịp đầu năm, dòng người lại nô nức đến đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) và đền Đông Cuông (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) để du xuân, cầu tài lộc, may mắn, sức khoẻ và bình an.

Du khách nối đuôi nhau xin lộc tại đền ông Hoàng Bảy cầu mong một năm mới có nhiều thành công, tài lộc.
Du khách nối đuôi nhau xin lộc tại đền ông Hoàng Bảy cầu mong một năm mới có nhiều thành công, tài lộc.

Qua ghi nhận của phóng viên những ngày mồng 7 và 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024, dòng người đổ xô tới đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) trên tay có đủ mâm lễ xôi gà, hương vàng, ngựa… cùng với tâm thế tin vào một năm mới sẽ có nhiều tài lộc, thành công và thịnh vượng.

Đền Bảo Hà là Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đã được Nhà nước xếp hạng vào tháng 11/1997.

Theo các nguồn sử liệu, vùng Bảo Hà xưa kia vốn có một vị trí quan trọng về phòng thủ biên giới, là cửa trạm của phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc.

Từ đời nhà Trần đã đặt hai cửa trấn ải là cửa quan Bảo Thắng và Bảo Hà, trong đó Bảo Hà là hậu cứ của Bảo Thắng. Tại đây có đài hỏa hiệu, trạm liên lạc thông tin cho các châu huyện vùng thấp hơn.

Giữa niên hiệu Cảnh Hưng, Bảo Hà là trung tâm châu Văn Bàn. Trong thời Cảnh Hưng (1740 - 1786), giặc phương Bắc thường hay tràn sang quấy nhiễu, cướp bóc dân lành, xã Khấu Bàn, châu Văn Bàn cùng nhiều châu, xã lân cận đã phải xây dựng các thành luỹ kiên cố chống giặc.

Trước cảnh đau thương tang tóc, lại có nguy cơ bị xâm lược, tướng Nguyễn Hoàng Bẩy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải. Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng Châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn.

Sau này quân giặc phương Bắc đưa quân sang xâm lược bờ cõi, danh tướng Hoàng Bảy lại dẫn quân lên tham chiến. Song, trong một trận chiến không cân sức, ông đã anh dũng hy sinh.

Giặc vứt xác ông xuống sông Hồng, và trôi đến Bảo Hà. Nhân dân trong vùng do ông Lư Văn Cù đứng ra tổ chức vớt xác ông lên chôn cất và lập miếu thờ.

Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị đã ban sắc phong tặng ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt” và đền thờ ông cũng được các vua triều Nguyễn cấp sắc phong là “Thần vệ quốc”.

Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng Giêng…

Ngày nay, đền Bảo Hà có rất nhiều ngày lễ hội, trong đó những ngày lễ chính là Lễ thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), lễ tiệc quan tuần tranh (25/5 Âm lịch), lễ hội ngày giỗ ông Hoàng Bảy (17/7 Âm lịch), lễ Tết muộn (Tết tất niên).

Xuôi xuống Yên Bái, dòng người cũng tấp nập đến với đền Đông Cuông, thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, đây cũng là một ngôi đền thần vệ quốc của nước ta.

Năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đền Đông Cuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Đền Đông Cuông sơ khởi là Miếu thờ Đông Quang công chúa do các dòng họ Hà, Hoàng là người Tày Khao sáng lập và thay nhau đảm lãnh công vụ chính quyền; đồng thời là nơi làm việc của Thổ Tù, chức dịch, phiên quan và đảm chức năng “Đinh Trạm” chuyển tống đạt công văn hai chiều giữa triều đình trung ương và cơ sở.

Theo kinhtemoitruong.vn