Động thái của châu Âu là phép thử "pháo đài kinh tế" của ông Putin

Theo Nguyễn Linh (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Rõ ràng phương Tây sẽ đối đầu với Nga không phải bằng súng ống hay tên lửa mà bằng những đòn trừng phạt kinh tế. Một số nhà phân tích còn cho rằng, Moscow có thể sử dụng sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga như một đòn bẩy để phản công.

Châu Âu tăng nhập khẩu LNG từ các nước để thay thế lượng khí đốt của Nga. Ảnh minh họa.
Châu Âu tăng nhập khẩu LNG từ các nước để thay thế lượng khí đốt của Nga. Ảnh minh họa.

Châu Âu tăng nhập khẩu LNG từ các nước để thay thế lượng khí đốt của Nga

Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ quan điểm về chủ đề khí đốt được nhiều người quan tâm. Bà Ursula von der Leyen Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) chia sẻ: “Khí đốt chiếm khoảng 24% cán cân năng lượng của Liên minh châu Âu. EU nhập khẩu 90% nhiên liệu từ bên ngoài và khoảng 40% trong số đó đến từ Nga. Đây là một sự phụ thuộc hữu hình mà Ủy ban châu Âu cần phải loại bỏ”.

Bà von der Leyen cũng cho biết, EU đã liên hệ với một số nhà cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong bối cảnh giá khí đốt tăng mạnh, trong số đó có cả Mỹ để tăng lượng mua. Theo bà, EU có thể thay thế lượng khí đốt mua từ của Nga bằng cách nhập khẩu LNG từ các nước khác.

"Châu Âu sẽ không có nguy cơ gặp vấn đề nào về khí đốt trong mùa đông này, ngay cả khi nguồn cung cấp từ Nga bị cắt hoàn toàn”, bà von der Leyen khẳng định.

Dữ liệu từ Refinitiv cho thấy, vào tháng 12/2021 và tháng 1/2022, châu Âu trở thành điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu LNG của Mỹ. Trong tháng 1/2022, các chuyến hàng từ Mỹ đến châu Âu đạt 2/3 tổng lượng LNG xuất khẩu của Mỹ. Trước đó một tháng, con số này là khoảng 61%.

Trong tháng 1/2022, xuất khẩu LNG của Mỹ đạt mức cao kỷ lục 7,3 triệu tấn, bao gồm 13 tàu chở LNG chưa xác định được điểm đến cuối cùng. Về phía châu Âu, tháng trước cũng đã nhập khẩu khối lượng LNG lớn nhất trong lịch sử- 11,8 tỷ mét khối và 45% khối lượng này đến từ Mỹ.

Tuy nhiên, bất chấp khối lượng vận chuyển LNG kỷ lục từ Mỹ đến thị trường châu Âu, Washington cũng vẫn chưa thể đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt liên tục và an ninh năng lượng cho các nước châu Âu nếu nguồn cung cấp khí đốt từ Nga bị cắt hoàn toàn.

Chính quyền Mỹ nhận thức được rằng việc từ chối khí đốt của Nga sẽ là một thảm họa đối với nền kinh tế của các nước châu Âu, vốn đã chìm vào khủng hoảng năng lượng.

Pháo đài kinh tế của Moscow

Rõ ràng phương Tây sẽ đối đầu với Nga không phải bằng súng ống hay tên lửa mà bằng những đòn trừng phạt kinh tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia được phỏng vấn bởi New York Times, nếu Mỹ và các đồng minh không thể đồng thuận trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt ở mức cao nhất với Moscow, thì tác động của việc cấm vận sẽ không thể làm khó được Tổng thống Putin.

Trong hơn một thập kỷ, điện Kremlin đã thận trọng thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm nợ công quốc gia và yêu cầu ngân hàng trung ương Nga tích trữ lượng tài sản đủ lớn để đảm bảo giá trị của đồng rúp trong trường hợp lạm phát vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Điều đó có nghĩa là các lệnh trừng phạt mới được đưa ra bởi Mỹ, EU, Anh, Nhật Bản và nhiều nước khác sẽ khó có tác động đáng kể nào đến nền kinh tế Nga hoặc sự ổn định tài chính của nước này, ít nhất là trong vài năm tới.

Ông Hosuk Lee-Makiyama, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế ở châu Âu (ECIPE - một viện chính sách độc lập ở Brussels), cho rằng kinh tế châu Âu đã phụ thuộc nhiều vào Nga hơn trong khi kinh tế Nga thì ngày càng tách biệt khỏi phương Tây.

Theo ông Lee-Makiyama, số tài sản ở Nga mà các doanh nghiệp EU sở hữu có giá trị vào khoảng 300 tỷ euro. Nhiều tập đoàn lớn của Anh cũng sở hữu nhiều tài sản ở Nga, ví dụ như tập đoàn dầu khí BP - đơn vị nắm 20% cổ phần tập đoàn dầu khí Rosneft.

"Nếu bạn đưa Iran hay Triều Tiên ra khỏi hệ thống tài chính quốc tế, bạn sẽ không phải đối mặt với những rủi ro như thế này", ông Lee-Makiyama nói.

Ý của chuyên gia này là việc loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT sẽ không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga, mà còn cho các tập đoàn châu Âu sở hữu tài sản ở Nga.

SWIFT là tên của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu - hệ thống giao tiếp bảo mật kết nối hàng nghìn tổ chức tín dụng trên thế giới, cho phép việc thanh toán xuyên biên giới diễn ra nhanh chóng và an toàn, giúp hoạt động thương mại quốc tế diễn ra một cách suôn sẻ.

Mỗi ngày có hàng nghìn tỷ USD được giao dịch thông qua hệ thống này, nhưng SWIFT cũng có một đối thủ đáng gờm đó là CIPS (Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới) - được hẫu thuận bởi chính phủ Trung Quốc.

Nếu bị loại khỏi SWIFT, các ngân hàng Nga có thể sử dụng CIPS để thực hiện giao dịch trực tiếp với các đối tác. Hiện có 23 ngân hàng Nga là thành viên của hệ thống này.