Dòng tiền đang chảy vào vàng, USD hay nhà đất?
Theo các chuyên gia, luật chống đô-la hóa đã tác động mạnh đến xu hướng dòng chảy kiều hối. Thay vì gửi tiết kiệm, dòng tiền chuyển hướng sang đầu tư bất động sản (BĐS). Trong đó, phân khúc đất nền đang thu hút lượng vốn lớn nhất.
Đầu tư bất động sản hiệu quả nhất
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2016, lượng kiều hối chuyển về địa bàn TP. Hồ Chí Minh qua các kênh chính thức đạt 3,25 tỷ USD. Dự báo, đến cuối năm 2016, đạt khoảng 5,7 - 5,8 tỷ USD. Đáng chú ý, BĐS đang có lực hút mạnh mẽ nhất, với khoảng 20,7% nguồn kiều hối tập trung vào kênh đầu tư này.
Với diễn biến thị trường có thể nhận định, vàng và ngoại tệ không còn là kênh đầu tư hấp dẫn. Thực tế, trong 4 tháng qua, giá vàng liên tục lao dốc và chưa có dấu hiệu tăng trở lại, nhiều người dân đã phải "bán tháo" để cắt lỗ.
Giá vàng thế giới cũng không khả quan hơn, xu hướng giảm chiếm chủ đạo. Tỷ lệ nghịch với thị trường vàng, tỷ giá ngoại tệ tăng nhiều phiên liên tiếp, theo đó đồng USD tăng hơn các đồng tiền chủ chốt khác. Tuy nhiên, tại Việt Nam, với lãi suất 0% áp dụng từ đầu năm 2016, tỷ giá USD/VND ổn định, đầu tư vào USD cũng không còn hấp dẫn với nhiều người.
Chứng khoán hiệu quả nhưng kén chọn nhà đầu tư. Kênh đầu tư này chỉ phù hợp đầu tư dài hạn và không dành cho người nghiệp dư. Bởi hiệu quả đầu tư chứng khoán phụ thuộc vào danh mục, khả năng đánh giá và lựa chọn cổ phiếu, đòi hỏi nhà đầu tư phải là những người am hiểu về kinh tế và thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, BĐS vẫn là kênh đầu tư sinh lời ổn định và ít rủi ro nhất tại thời điểm này.
Chị Hoàng Ánh Loan (ngụ tại quận Bình Thạnh) cho biết, gia đình chị có cô em gái đang làm việc tại Nhật Bản với thu nhập hàng tháng tương đối tốt, thường xuyên gửi tiền về cho gia đình. Và phần lớn số tiền này đều được gia đình chị đầu tư vào BĐS như một hình thức để dành.
"Thay vì gửi tiết kiệm với khả năng sinh lời thấp, gia đình chúng tôi chọn đầu tư BĐS để đồng tiền "sinh lời" bền vững và an toàn hơn. Bởi cho dù không có lời thì đến khi về nước, em tôi cũng đã có được một lô đất để ổn định cuộc sống" - chị Loan chia sẻ.
Đất nền, nhà phố áp đảo
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến hết quý III/2016, TP. Hồ Chí Minh có khoảng hơn 20.500 căn hộ được chào bán ra thị trường, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, nguồn cung từ phân khúc trung, cao cấp chiếm lĩnh thị trường với 58% tổng nguồn cung.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phân khúc căn hộ đã tăng trưởng "đến ngưỡng" cả về nguồn cung cũng như giá bán, đang có dấu hiệu chững lại, dòng tiền mua BĐS có xu hướng chuyển dần sang phân khúc đất nền, nhà phố.
Thực tế cho thấy, bắt đầu từ giữa năm 2016, phân khúc đất nền, nhà phố âm thầm trỗi dậy và không ngừng tăng nhiệt với hơn 3.000 nền đất được chào bán ra thị trường. Phần lớn các dự án đất nền tập trung tại khu vực ven đô như Long An, Đồng Nai, Bình Dương…
Đơn cử như tại Long An, theo ghi nhận của phóng viên, đất nền dự án Khu đô thị Thương mại dịch vụ và Du lịch sinh thái Cát Tường Phú Sinh “cháy hàng” với gần 1.200 sản phẩm đã được giao dịch thành công sau 3 tháng chính thức mở bán.
Hiện tại, chủ đầu tư đang áp dụng chính sách hỗ trợ thanh toán không lãi suất đến 18 tháng, với mức giá chỉ từ 299 triệu đồng/nền. Trong khi đó, tại Biên Hòa (Đồng Nai), đất nền dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng của Donaco.op cũng tạo nên thế áp đảo về thanh khoản tại khu vực phía Đông TP. Hồ Chí Minh với việc sở hữu lợi thế tuyệt đối về hạ tầng giao thông cũng như giá bán.
Theo bà Trần Thị Cẩm Tú - Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ BĐS Eximrs, sự chững lại của thị trường căn hộ đã đẩy nguồn đầu tư mạnh mẽ vào phân khúc đất nền, giúp thị trường tiếp tục tăng trưởng dài hạn. Điểm mạnh của kênh đầu tư này là tỷ suất lợi nhuận thường ổn định, tính thanh khoản tốt và nguồn vốn đầu tư không quá lớn, cộng với tâm lý chung của đại đa số người Việt đều muốn mua đất để tích lũy tài sản trong tương lai, sẽ góp phần giúp phân khúc này tiếp tục chiếm lĩnh thị trường trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.