Bất động sản hồi sinh kéo nhiều ngành khởi sắc

Theo news.zing.vn

Thị trường bất động sản đã trải qua 2/3 chặng đường của năm 2016 với sự phát triển ổn định, vững chắc, với đà phát triển này kéo theo thị trường vật liệu xây dựng, nội thất, tín dụng,... cùng phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Anh Phát, chủ một công ty thiết kế trang trí nội thất ở đường Dương Đình Hội, quận 9, TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời điểm này anh đang cân nhắc dừng nhận các đơn hàng thiết kế, hoàn thiện nội thất căn hộ buộc phải hoàn thiện trước Tết Đinh Dậu. Anh cho biết chỉ trong tháng 10, công ty đã tuyển thêm gần 20 nhân công nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu do đơn hàng tăng liên tục. Đơn hàng anh nhận phần lớn tập trung vào decor trang trí, hoàn thiện nội thất căn hộ chung cư mới.

Ngoài ra, nhu cầu sửa chữa, trang trí nhà cũ cũng tăng mạnh. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) TP. Hồ Chí Minh, thị trường BĐS nói chung và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục quá trình phục hồi và tăng trưởng. Nhưng tháng cuối năm vẫn ổn định như đầu năm. Sáu tháng cuối năm, theo số liệu của CBRE, TP. Hồ Chí Minh sẽ đón nhận thêm 10.000-12.000 căn hộ các loại. Ông Châu cũng cho rằng, dễ nhận thấy sự tăng trưởng của BĐS đã vực dậy các ngành nghề khác, đơn cự là sự hồi sinh của vật liệu xây dựng.

Theo khảo sát tại “phố vật liệu xây dựng” Tô Hiến Thành (quận 10.TP. Hồ Chí Minh), các cửa hàng luôn tấp nập khách mua bán. Anh Hà, chủ một cửa hàng tại khu vực này chia sẻ, thời điểm này các đơn hàng lớn anh vẫn cung cấp bình thường vì đã ký trước đó, riêng mảng bán lẻ thì tăng gấp đôi so với giữa năm, chủ yếu cung ứng cho khách sửa chữa, hoàn thiện nhà đón Tết.

Các sản phẩm bán chạy thời điểm này là sơn, xi măng và các vật liệu trang trí. Anh Hà cho biết, dù nhu cầu lớn nhưng giá cả lại khá ổn định, không có hiện tượng tăng nóng như vào đầu năm. Giá xi măng hiện phổ biến từ 1,45-1,85 triệu đồng/tấn tùy loại. Giá thép bán lẻ ở mức 12.600-15.650 đồng/kg. “Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản đã giúp lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng hồi sinh. Tôi vừa mở lại một cửa hàng ở quận Thủ Đức sau mấy năm kinh doanh chật vật, phải đóng cửa từ 4 năm trước”, anh Hà cho biết.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, thị trường BĐS là yếu tố hàng đầu tác động đến quyết định tăng, giảm tích lũy của nền kinh tế, góp phần nâng cao mức sống người dân cũng như tạo điều kiện cho họ an cư lạc nghiệp. Đây cũng là thị trường tạo cơ sở vật chất cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tùy theo quy mô và trình độ phát triển, các nên kinh tế thị trường trên thế giới đều quan tâm đến tổng tài sản tích lũy trong mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng. Ở mức thấp, tổng tích lũy thường chiếm tỷ trọng 10-20% GDP, mức cao là 30-40% GDP. Khi thị trường này nóng lên sẽ làm cho nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao hơn bình thường, nhưng khi nguội đi sẽ làm cho tăng trưởng giảm ở mức không bình thường, có khi còn tăng trưởng âm.

Thị trường phát triển cũng thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, nâng cao chất lượng nhà ở cũng như các công trình công cộng gia tăng chất lượng sống. Sự vận động và phát triển của thị trường BĐS cũng đồng thời là kết quả của sự tác động hỗ trợ lẫn nhau giữa các yếu tố sản xuất và tiêu dùng, cũng đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường hàng hóa, thị trường vốn.

Theo ông Lê Hoàng Châu, với vai trò là hàng hóa đặc biệt, đất đai, nhà ở được mua bán, chuyển quyền sở hữu, sử dụng từ người này sang người khác mà không bao giờ mất đi. Việc mua đi bán lại nhà đất tạo ra một khối lượng hàng hóa không bao giờ cạn kiệt cung cấp cho thị trường, làm cho thị trường này luôn phong phú. Đây là nơi chuyển hóa vốn từ hình thái hiện vật sang giá trị...

Ngoài ra, sự phát triển của thị trường BĐS tác động trực tiếp tới nhiều loại hình thị trường trong nền kinh tế, đặc biệt là thị trường tài chính - tiền tệ. Trên thực tế, khi lãi suất tiết kiệm thấp, các kênh khác như vàng, chứng khoán không ổn định thì giới kinh doanh và cả người dân đều chung ý định đầu tư vào nhà đất.

Ở trạng thái bình thường, thị trường nhà đất và tài chính nương tựa nhau để phát triển. Những giao dịch nhà đất luôn kéo theo giao dịch tiền tệ. Bởi đơn giản trong mối quan hệ này, tổ chức tài chính, cụ thể là ngân hàng sẽ là pháp nhân đứng giữa người mua và người bán, để giúp giao dịch an toàn, hiệu quả hơn.

Ở mức độ khác, ngân hàng có thể cho bên mua vay tiền để thanh toán cho bên bán... Mức tăng trưởng tín dụng của BĐS trong 9 tháng đầu năm khoảng 5,3% và chiếm khoảng 8,5% tổng tín dụng của nền kinh tế.