Dòng vốn “vàng” khó thông - Vì sao?

Theo daibieunhandan.vn

Mặc dù các ngân hàng thương mại cam kết dành nguồn vốn khoảng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao với lãi suất phù hợp hoặc thấp hơn từ 0,5 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường, nhưng đến nay, dòng vốn vàng này mới chỉ giải ngân được 1/3 tổng giá trị. Nghịch lý này, đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vướng hàng loạt thủ tục

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây cho thấy, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 120 nghìn tỷ đồng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch; hiện, đã giải ngân gần 33 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là cho vay đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.

Đây là con số khác xa so với mong đợi. Bởi lẽ, trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang rất cần vốn và ngược lại, các ngân hàng thương mại cũng mong giải ngân được gói tín dụng này không kém gì các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, vướng mắc đầu tiên khiến dòng chảy của vốn khó lưu thông nằm ở khâu thế chấp tài sản trên đất.

Đơn cử, tài sản trên đất thuê trả tiền hàng năm thì không được cấp giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, nên khi đưa ra thế chấp sẽ không được chấp nhận. Chính phủ đã đưa vấn đề này vào Nghị quyết, giao NHNN phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu tháo gỡ.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh - đơn vị có số vốn lớn nhất cho nông nghiệp công nghệ cao cũng cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là tài sản thế chấp. Cụ thể, đầu tư cho lĩnh vực này có thể lên tới 30 - 40 tỷ đồng/ha, nhưng các tài sản trên đất lại không được thế chấp vay vốn.

Chủ tịch Trịnh Ngọc Khánh viện dẫn thêm, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao còn thuê đất từ nhiều hộ nông dân và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các mảnh đất này vẫn do từng chủ hộ nắm giữ, nên doanh nghiệp không thể đem thế chấp.

Đó là về phía thủ tục thế chấp, còn những khái niệm về nông nghiệp công nghệ cao; tiêu chí đánh giá dự án, quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao; yêu cầu, quy định tiếp cận nguồn vốn, tài sản bảo đảm, lãi suất, đầu ra cho sản phẩm… mà theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn thì còn nhiều điểm cần làm rõ.

Chẳng hạn, “các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất, việc tiếp cận gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng hẳn sẽ không dễ dàng” - ông Môn nói.

Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận vùng nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế nên dư nợ cho vay cũng bị ảnh hưởng.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến giữa năm 2017, cả nước mới có 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng thành lập (1 tại Hậu Giang và 1 tại Phú Yên); 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất tôm thẻ chân trắng được công nhận tại Kiên Giang và 28 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

“Tất cả những vướng mắc này, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan, e rằng gói vốn “vàng” này không có đất dụng võ” - một chuyên gia kinh tế nhận định.

Đề xuất của người trong cuộc

Là một trong những ngân hàng thương mại có số vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao lớn nhất với 50.000 tỷ đồng, nhưng Agribank cũng đang ở trong tình trạng “dở khóc, dở cười” khi dư vốn mà không thể cho vay. Tính đến 30/6, Agribank đã ký kết cho vay theo hợp đồng tín dụng 1.460 tỷ đồng, với 315 khách hàng, dư nợ 762 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 190 tỷ đồng, với 287 khách hàng. Dư nợ cho vay nông nghiệp sạch là 572 tỷ đồng, với 28 khách hàng. “Tiến độ quá chậm so với kỳ vọng của Agribank” - Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng nói.

Để giải quyết tình trạng này, theo bà Phượng, các cấp có thẩm quyền cần đẩy nhanh tiến độ, đơn giản hóa trình tự, thủ tục cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất, ghi nhận công trình nhà kính trên đất theo cấp hạng phù hợp; đẩy nhanh việc cấp các loại giấy chứng nhận về điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, VietGAP…

Đồng thời, đẩy nhanh việc thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; UBND cấp tỉnh đẩy nhanh việc công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng nghệ cao; phê duyệt các dự án được hoạt động tại các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng nghệ cao.

Về phía Nhà nước, cần có cơ chế định giá đất nông nghiệp đối với một số địa phương khi có giá chuyển nhượng theo giá thị trường để tạo điều kiện cho khách hàng có cơ sở thế chấp cho khoản vay, bảo đảm đầu tư đủ vốn cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; có chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất đối với các tổ chức tín dụng khi cho vay áp dụng lãi suất ưu đãi cho vay khách hàng ứng dụng công nghệ cao.

Còn về phía Agribank, bà Phượng cho biết, trong khi chờ các vướng mắc tồn tại nói trên được giải quyết, Agribank đã ban hành quy định cho vay ưu đãi nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến các đối tượng có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay, tập trung đầu tư các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Khuyến khích các hình thức liên kết, hợp tác trong nông dân, đặc biệt giữa nông dân với doanh nghiệp, nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, gắn với chế biến tiêu thụ, liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.