Hoạt động tài chính vi mô: Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam

TS. Phạm Thái Hà

Đối với các quốc gia đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng, nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế. Để phát triển nông nghiệp, đầu tiên cần có vốn, tuy nhiên, đa số người nông dân có thu nhập thấp lại không có tài sản thế chấp nên việc tiếp cận các nguồn vốn theo điều kiện thị trường là không khả thi, hoặc các doanh nghiệp nhỏ có vay được cũng chịu lãi suất rất cao. Trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình tổ chức tài chính vi mô thành công trên thế giới, bài viết đưa ra khuyến nghị về tài chính vi mô tại nước ta hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các mô hình tài chính vi mô thành công điển hình

Tài chính vi mô được hiểu là việc cung cấp các dịch vụ tài chính như tín dụng, thanh toán, bảo hiểm và các dịch vụ khác cho các đối tượng có thu nhập thấp trong xã hội để phục vụ nhu cầu chi tiêu và đầu tư. Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, tài chính nông thôn, đặc biệt là tài chính vi mô đóng vai trò hết sức quan trọng. Trên thế giới, có thể đề cập một số mô hình tài chính vi mô thành công điển hình như: Mô hình Grameen Bank ở Bangladesh; Mô hình Bank Rakyat Indonesia (BRI)

Mô hình Grameen Bank ở Bangladesh

Mô hình Grameen Bank được bắt nguồn từ một dự án do giáo sư Muhammad Yunus thực hiện vào những năm 1976. Mục tiêu của dự án là cho vay thí điểm đối với những nông dân nghèo, những người không có tài sản được vay vốn, rồi sau đó phát triển thành ngân hàng Grameen Bank từ năm 1983.

Grameen Bank được tổ chức khác biệt so với mô hình ngân hàng truyền thống. Đối tượng phục vụ Grameen Bank đa phần là phụ nữ, người có thu nhập thấp. Đối tượng vay vốn từ Grameen Bank phải có mức thu nhập thấp hơn một mức nào đó.

Những người nghèo muốn vay tiền phải được tổ chức theo nhóm, thường gồm 5 thành viên, sống trong cùng một khu dân cư. Trong nhóm, bầu ra một tổ trưởng làm nhiệm vụ tổ chức họp định kỳ, phổ biến thông tin và làm kết nối với đại diện ngân hàng.

Hoạt động tài chính vi mô: Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam - Ảnh 1
 
Hàng tuần nhóm có tổ chức họp để xem xét tình hình thực hiện các khoản vốn vay, khả năng tài chính, tình hình hoàn trả và sự đảm bảo trong các khoản vốn vay đó. Kết quả hoạt động kinh doanh của Grameen Bank từ 2011 đến 2015 có xu hướng không tốt mặc dù các chỉ tiêu về quy mô nguồn vốn, tài sản liên tục tăng qua các năm.

Trong vòng 5 năm, vốn điều lệ của Grameen Bank tăng gấp 2,89 lần, tổng tài sản tăng 1,59 lần. Trong đó, tỷ trọng vốn đi vay trong tổng nguồn vốn rất nhỏ và xu hướng giảm dần. Nguồn vốn tiền gửi tăng đều đặn và chiếm tỷ trọng khá lớn nhất (trên 80%). Tất cả điều này chứng tỏ khả quy mô ngân hàng ngày càng lớn hơn, mức độ độc lập tài chính cũng tăng lên. Ngân hàng có điều kiện giảm bớt chi phí hoạt động nhờ vào quy mô lớn.

Xem xét về mảng tín dụng, đây là hoạt động chính của ngân hàng, mỗi năm số lượng người được vay từ ngân hàng tăng lên, khối lượng tín dụng đầu người cũng tăng, đa phần đối tượng là phụ nữ (chiếm trên 96%). Hiệu quả kinh doanh của ngân hàng có xu hướng xấu đi khi tốc độ tăng trung bình của thu nhập (12%/năm) nhỏ hơn tốc độ tăng trung bình của chi phí (13%), làm cho tỷ suất sinh lợi giảm.

Nguyên nhân do khi quy mô tăng lên, ngân hàng quản trị chi phí chưa tốt đặc biệt là chi phí dự phòng tăng mạnh trong 3 năm từ 2013 đến 2015 (các quy mô nợ xấu cũng tăng gấp 5 lần trong 5 năm). Tuy lợi nhuận giảm dần nhưng ngân hàng vẫn giữ được tỷ lệ an toàn vốn khá (khoảng 9%) để đảm bảo khả năng thanh khoản và đáp ứng được tiêu chuẩn Basel 3.

Như vậy, mặc dù còn một số hạn chế trong hoạt động kinh doanh nhưng không thể phủ nhận một điều rằng: mô hình Grameen Bank là điển hình đáng nghiên cứu học tập của khu vực tư tham gia tài chính vi mô.

Mô hình Bank Rakyat Indonesia (BRI)

Mô hình Bank Rakyat Indonesia (BRI) lại là điển hình thành công của khu vực nhà nước tham gia cung cấp tài chính vi mô. BRI là một trong những những ngân hàng lớn nhất tại Indonesia, với số vốn nhà nước nắm giữ là trên 55%, còn lại là của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.

Đến cuối năm 2015, BRI có mạng lưới hoạt động rộng khắp, BRI có 18 văn phòng giao dịch cấp vùng, 446 chi nhánh văn phòng, 545 chi nhánh phụ, và gần 5000 đơn vị BRI khác trong cả nước. Cơ cấu khách hàng của BRI chủ yếu là người nghèo, doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ.

Tiết kiệm là chìa khóa thành công đối với hoạt động của BRI. Ngân hàng cho phép nhận tiền tiết kiệm bằng bất cứ khoản tiền nào, với cơ chế rút vốn linh hoạt và luôn được đảm bảo một lãi suất thực dương, do vậy, chúng được ưa chuộng với các hộ gia đình có thu nhập thấp.

BRI có cơ chế khuyến khích và thu hút khách hàng mới, bằng các tích lũy điểm khi gửi tiền, và giải thưởng bằng xổ số cho các khách hàng. Chính vì vậy, nguồn vốn của BRI rất đa dạng, đặc biệt có hơn 32,80% tiền tiết kiệm từ người dân được tiết kiệm theo ngày hoặc tuần và 32,64% tiền gửi có kỳ hạn và các nguồn vốn tiết kiệm này có chi phí khá rẻ.

Quy mô kinh doanh của BRI trong giai đoạn 2011 đến 2015 ngày càng phát triển. Trong 5 năm, tổng tài sản tăng 1,9 lần, quy mô vốn chủ sở hữu tăng gấp 2,3 lần, quy mô tiền gửi cũng tăng 1,74. Với nguồn vốn huy động dồi dào, ngân hàng đẩy mạnh cho vay, khối lượng tín dụng 2015 tăng 2,1 lần so với năm 2011.

Hoạt động tài chính vi mô: Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam - Ảnh 2

Ðối tượng được phục vụ chủ yếu là DN siêu nhỏ (chiếm 28,60% thị phần) và các DN nhỏ, hoạt động bán lẻ cho người nghèo (chiếm 46,7%). Tuy nhiên, đối với khách hàng là người rất nghèo thì BRI đã bỏ qua, và không sử dụng cơ chế cho vay theo nhóm như của Grameen Bank tại Bangladesh, nhưng BRI có tham gia chương trình của Chính phủ nhằm tạo thu nhập cho người nông dân và ngư dân nhỏ, được giám sát và quản lý bởi các chi nhánh BRI.

Sự thay đổi trong cách thức cung cấp các hoạt động tín dụng đã đem lại kết quả rất khả quan cho ngân hàng. Cùng với việc gia tăng tài sản, trong vòng 5 năm thu nhập của ngân hàng đã tăng lên 1,8 lần, trong khi chi phí chỉ tăng 1,6 lần, điều này làm cho lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng gần 1,67 lần.

Dù trong 3 năm gần đây hiệu quả kinh doanh của ngân hàng đang có xu hướng xấu đi nhưng khi so sánh với các ngân hàng khác thì đây vẫn là những kết quả hoạt động đáng mơ ước. Ngân hàng vẫn có hệ số CAR lớn (từ 15% đến 20,6%) vượt xa so với tiêu chuẩn Basel 3 là 8%. Có thể nói, Ngân hàng BRI là điển hình thành công cho mô hình Nhà nước cung cấp tài chính vi mô.

Một số bài học đối với Việt Nam

Qua việc nghiên cứu đánh giá 2 mô hình tài chính vi mô thành công tiêu biểu của Grameen Bank và BRI, có thể đưa ra một số góp ý đối với việc phát triển tài chính vi mô ở nước ta như sau:

Thứ nhất, thay đổi nhận thức về tính hiệu quả, tính mục đích của các hoạt động tài chính vi mô.

Hoạt động tài chính vi mô không phải là hoạt động từ thiện bắt buộc cần có sự tham gia của khu vực nhà nước. Hoạt động tài chính vi mô cũng cần áp dụng các nguyên tắc kinh doanh theo hướng bù đắp chi phí và có lãi. Hoạt động tài chính vi mô phải phục vụ cho người thu nhập thấp và các DN nhỏ nên cần có cái nhìn đúng đắn về vị trí của tài chính vi mô trong hệ thống tài chính quốc dân.

Mô hình thành công của của Grameen Bank theo đúng tôn chỉ hoạt động vì người nghèo, lợi nhuận kiếm được sẽ lại tiếp tục được quay vòng chuyển đến người nghèo. Mô hình của Grameen Bank cho thấy, hoạt động tài chính vi mô có khả năng sinh lời cao, không kém bất cứ ngành nghề nào khác. Đây là cơ sở để tin rằng tài chính vi mô có khả năng phát triển bền vững. 

Thứ hai, hoàn thiện môi trường pháp lý cho tài chính vi mô.

Kinh nghiệm của Indonesia, cho thấy các tổ chức tài chính vi mô quyết định lãi suất cho vay theo đối tượng khách hàng. Những khoản vay nhỏ, rủi ro lớn thường được tính lãi suất cao hơn còn những khoản vay lớn, rủi ro thấp được tính lãi suất thấp hơn.

Để có thể giảm được chi phí cho các khoản vay nhỏ, mô hình của Grameen Bank, BRI hay nhiều nơi khác cho thấy cần phải đạt quy mô đủ lớn, khi đó tổ chức tài chính vi mô sẽ đạt được tính hiệu quả nhờ quy mô, chi phí bình quân sẽ giảm dần.

Bên cạnh đó, để khuyến khích các tổ chức tài chính vi mô phát triển cần có chính sách giảm thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập đối với các tổ chức tài chính vi mô mới thành lập. Đối với các dịch vụ tài chính vi mô nhằm mục đích xã hội hoặc mức lãi suất thấp cần được xem xét miễn thuế.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô.

- Các tổ chức tài chính vi mô cần cung cấp các dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu và khả năng của khách hàng có nhu nhập thấp (Ví dụ: áp dụng các hình thức tiết kiệm hoặc trả nợ nhiều lần, kỳ hạn trả nợ tính toán dựa trên dòng tiền thực tế khách hàng có thể nhận được. Các khoản vay nên phân phối qua tổ nhóm hay uy tín của từng cá nhân). Các quy trình thủ tục nghiệp vụ tín dụng cần được đơn giản, nhưng vẫn cần đảm bảo các tiêu chí cụ thể để giảm chi phí giao dịch tới mức tối đa.

- Các tổ chức tài chính vĩ mô kết hợp cung cấp các dịch vụ tài chính và dịch vụ xã hội như đào tạo, khuyến nông lâm ngư, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật. 

- Quản lý rủi ro thông qua tăng cường giám sát cộng đồng, qua các tổ chức đoàn thể vừa giúp giám sát khách hàng tốt hơn, thông tin cập nhật nhanh chóng đáng tin cậy giảm được chi phí do thông tin bất cân xứng.

- Không nên chỉ trông chờ vào trợ giúp của Chính phủ và các nhà tài trợ. Để ra đời, các tổ chức tài chính vi mô cần nguồn vốn trợ giúp ban đầu đến từ Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, đóng góp từ thiện cộng đồng. Tuy nhiên, để phát triển được là do tự bản thân các tài chính tài chính vi mô hoạt động và các tổ chức phải tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của mình. Chính phủ không nên trợ cấp lớn, lâu dài cho các tổ chức này bởi sẽ làm nảy sinh ra tâm lý trông chờ, giảm tính chủ động của các tổ chức tài chính vi mô.          

Tài liệu tham khảo:

1. PGS.,TS. Nguyễn Kim Anh và các tác giả (2014), Đề tài khoa học “Tài chính vi mô tại Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách”;

2. PGS., TS. Nguyễn Kim Anh; TS. Lê Thanh Tâm (2013), Mức độ bền vững của các tổ chức tài chính vi mô Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách, NXB Giao thông vận tải.

3. Worldbank (2007), Việt Nam: Xây dựng chiến lược tổng thể để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô của người nghèo;

4. Bank Rakyat Indonesia, Annual Report (2011-2015);

5. Grameen Bank, Annual Report (2011-2015);

6. http://www.microfinance.vn.