Dự án chậm triển khai tại TP. Hồ Chí Minh trước nguy cơ bị thu hồi

Theo Gia Huy/Báo Đầu tư Bất động sản

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh vừa phát đi thông báo cho biết, trong năm 2018, sẽ kiến nghị Thành phố thu hồi các dự án chậm triển khai để lấy quỹ đất hoán đổi cho các dự án BT.

Dự án Phước Kiển II (huyện Nhà Bè) có từ năm 2002 nhưng tới nay chưa được triển khai. Ảnh: Gia Huy
Dự án Phước Kiển II (huyện Nhà Bè) có từ năm 2002 nhưng tới nay chưa được triển khai. Ảnh: Gia Huy

Hết thời ôm đất chờ thời

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, để thực hiện việc thu hồi đất dự án chậm triển khai, Sở sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện để rà xoát tình hình các dự án chậm triển khai trên 10 năm. Trước hết, sẽ thí điểm ở huyện Nhà Bè để thu hồi khu đất 23 ha tại xã Phước Kiển và khu đất 89,62 ha tại xã Nhơn Đức và Phước Lộc để hoàn vốn cho dự án xây cầu Cần Giờ theo hình thức BT.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện huyện Nhà Bè là điểm đen của TP. Hồ Chí Minh về tình trạng chủ đầu tư ôm đất dự án hàng chục năm nhưng không thực hiện dự án. Có thể kể đến các dự án như Phước Kiển II của Tổng công ty Thái Sơn, Dự án 6A của Công ty Intresco…

Ngoài ra, các địa phương khác như quận 9 có dự án 263,9 ha đất tại phường Long Trường, tại Thủ Đức là dự án 144 ha tại các phường Bình Chiểu, Linh Đông, Tam Phú, Tam Bình…

Cũng theo thông tin từ Sở này, dự kiến năm 2018, Thành phố sẽ có 184 dự án cần thu hồi đất, khắc phục việc chậm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 106 dự án đã phê duyệt từ ngày 1/7/2014. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ tiếp tục rà soát, xử lý hàng ngàn dự án đã giao đất nhằm hạn chế tình trạng chậm tiến độ, kéo dài gây lãng phí tài nguyên đất.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đây chỉ là số nhỏ dự án chậm triển khai trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay. Bởi TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 1.200 dự án đang còn hiệu lực triển khai, nhưng có đến gần 500 dự án chưa được khởi công.

Hàng loạt dự án có quy mô lớn được quy hoạch từ 7 - 8 năm, thậm chí đến hơn 20 năm nay chưa được triển khai có thể kể đến như Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa rộng hơn 426 ha (quận Bình Thạnh); Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế rộng 900 ha (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) do Berjaya Việt Nam làm chủ đầu; Khu Trung tâm dân cư Tân Tạo và Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng với quy mô thu hồi đất gần 500 ha do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư…

Tại huyện Nhà Bè, trong 60 dự án đang còn hiệu lực triển khai, có đến 26 dự án chưa khởi công, 28 đang thực hiện các khâu giải tỏa đền bù, san lấp mặt bằng và xây dựng công trình.

Thậm chí, có những dự án dù đã giải tỏa đền bù được 80 - 90% nhưng vẫn chưa thể triển khai, như Dự án khu đô thị do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư rộng 92 ha tại xã Phước Kiển; Khu đô thị tại xã Phước Lộc do Công ty Tân Hải - Đại Nhân làm chủ đầu tư rộng 70 ha…

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, những dự án này hầu như doanh nghiệp ôm đất để chờ thời, nhưng khi thời cơ đến, doanh nghiệp lại không có vốn để thực hiện hoặc không thể giải tỏa được mặt bằng, khiến dự án “đứng hình”.

Giải pháp vốn cho dự án hạ tầng

Giới phân tích cho rằng, việc thu hồi dự án chậm triển khai sẽ giải quyết cho TP. Hồ Chí Minh nhiều vấn đề, trong đó có chuyện tạo quỹ đất để thực hiện các dự án BT hạ tầng trọng điểm, hay dự án chống ngập của Thành phố vốn đang vướng vì thiếu quỹ đất đối ứng.

Ông Nguyễn Tân Tiến, Tổng giám đốc Công ty Trung Nam Group, đơn vị thực hiện dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP. Hồ Chí Minh cho biết, 18% dự án này được Thành phố chi trả bằng quỹ đất theo hình thức BT. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Công ty chưa tìm được quỹ đất để xin Thành phố hoán đổi.

Theo ông Tiến, hiện trên địa bàn Thành phố có nhiều quỹ đất đẹp đang bị bỏ không, nhưng các khu đất này đều đã có chủ. Nếu như thu hồi được những quỹ đất này, những dự án BT như của công ty ông đang thực hiện sẽ không lo phải kiếm tìm quỹ đất trả nhà đầu tư.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Giảng viên khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu TP. Hồ Chí Minh có thể thu hồi được những quỹ đất chậm triển khai sẽ giải quyết thêm được những dự án giao thông mà hàng chục năm qua Thành phố không giải quyết được.

Chẳng hạn, dự án mở rộng tuyến Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức) đã chậm triển khai 17 năm vì thiếu tiền thực hiện. Nếu Thành phố có thể thu hồi đất chậm triển khai, tiến hành kêu gọi doanh nghiệp thực hiện dự án này theo hình thức BT và trả bằng quỹ đất thu hồi, thì dự án này sẽ có triển vọng sẽ về đích.