Dự án trồng rừng ở Bình Định: Hành động đúng, hiệu quả cao
(Taichinh) - Được triển khai từ năm 2005, đến nay sau 10 năm triển khai dự án phát triển ngành lâm nghiệp Bình Định (DA trồng rừng WB3) đã mang lại những hiệu quả thiết thực đối với người dân địa phương, quan trọng là WB3 đã góp phần quan trọng vào phủ xanh đất trống, đồi trọc; tạo việc làm và thu nhập đáng kể cho người dân.
Phủ xanh được 18.300 ha rừng
Từ nhận thức đúng đắn của người dân trồng rừng không chỉ phủ xanh đất trống mà còn mang lại giá trị kinh tế cho người dân. Sau 10 năm thực hiện DA trồng rừng WB3, kết quả mang lại rất đáng khích lệ khi có tới 10.507 hộ nông dân ở các huyện trong tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng. Điển hình các hộ nông dân ở các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vân Canh, Tuy Phước, Hoài Ân, thị xã An Nhơn và TP.Quy Nhơn đã tham gia trồng hơn 18.300 ha rừng kinh tế với tổng số vốn đã giải ngân cho vay trên 160,3 tỷ đồng; 1ha rừng trồng người dân được vay từ 15 - 20 triệu đồng.
Đánh giá về hiệu quả của DA W3 sau 10 năm triển khai, ông Ngô Văn Tĩnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý DA trồng rừng W3 Bình Định cho biết, tại 40 xã của 8 huyện, thị xã, thành phố tham gia DA, nông dân trồng rừng đã mang lại hiệu quả cao, cây rừng phát triển tốt, góp phần nâng cao độ che phủ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Điều đáng mừng là, đến nay người dân tại một số địa phương đã bắt đầu thu hoạch với năng suất rừng trồng đạt 90-120 tấn/ha; thu nhập từ 100-120 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lãi 60-80 triệu đồng/ha.
Để mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình tham gia trồng rừng, Ban quản lý DA đã hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng, cộng với sự hỗ trợ về vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc tạo điều kiện giải ngân nguồn vốn vay nhanh, giúp nông dân yên tâm trồng và chăm sóc rừng.
Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình và tổ chức tham gia DA được chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện kịp thời, tạo sự phấn khởi và an tâm trong việc đầu tư thâm canh trồng rừng.
Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Ban quản lý DA, công tác quản lý, bảo vệ rừng trồng được thực hiện thường xuyên, các hộ gia đình đã hợp tác tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng…, nên rừng của DA phát triển khá tốt. Diện tích đất trống đồi trọc, diện tích đất rừng kém hiệu quả trước đây đã được bà con chuyển đổi đưa vào trồng rừng.
Hiệu quả kinh tế cao
Điều mà ai cũng thấy được lợi ích của việc trồng rừng là ngoài việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, thì trồng rừng còn mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đến nay, sau khi triển khai thực hiện DA trồng rừng WB3, những năm gần đây, ở nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định xuất hiện nhiều nông dân sản xuất giỏi, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Gương điển hình sản xuất giỏi, làm giàu từ rừng ở Bình Định ngày càng tăng qua các năm. Gia đình ông Cù Văn Mẫn ở thôn Bình An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước là một minh chứng sinh động nhất. “Từ khi gia đình tôi tham gia DA trồng rừng WB3, tôi đã phát triển được gần 20 ha rừng trồng trên địa bàn xã Phước Thành và các địa phương lân cận. Mỗi năm tôi khai thác được 4 - 6ha rừng keo lai, bạch đàn cấy mô với năng suất từ 100-120 tấn/ha, tổng doanh thu gần 600 triệu đồng, trừ chi phí, lãi trên 400 triệu đồng”, ông Mẫn vui mừng nói.
Hay dẫn chứng ở phạm vi rộng hơn, tại xã Phước thành đến nay đã có gần 400 hộ tham gia trồng được hơn 500 ha rừng theo DA WB3. Người dân trồng rừng chủ yếu bằng các giống keo lai, bạch đàn lai, trong đó có gần 300 ha rừng trồng từ năm 2006 - 2009 đã đến chu kỳ khai thác. Được vay vốn từ 15 - 20 triệu đồng/ha, được tập huấn kỹ thuật trồng, bà con chăm sóc chu đáo nên tỷ lệ cây sống cao, đạt trên 95%, cây rừng phát triển xanh tốt, năng suất khá, trên 100 tấn/ha, bình quân thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha.
Còn tại huyện Phù Cát, sau 10 triển khai thực hiện DA WB3, đến nay toàn huyện có 2.809 hộ ở 9 xã tham gia trồng 4.171ha rừng. Huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2.450 hộ với diện tích 3.638 ha. Thời điểm này, toàn huyện có gần 1.000 ha rừng trồng cho thu hoạch với năng suất gỗ bình quân từ 80 - 120 tấn/ha.
Điều đáng nói là, các hộ gia đình tham gia dự án trồng rừng WB3 tại tỉnh Bình Định trước đây gặp nhiều khó khăn về thu nhập thì nay nhờ tham gia trồng rừng theo DA trồng rừng WB3 đã thoát nghèo và có mức thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng rừng ở tỉnh Bình Định sẽ là mô hình mẫu cho các địa phương trên cả nước học hỏi và nhân rộng. Qua đó, nó còn thể hiện tính nhất quán trong chủ trương triển khai DA trồng rừng WB3 đến sự hưởng ứng tham gia tích cực của người dân địa phương đã góp phần vào thành công của DA trồng rừng WB3.
Như vậy, việc trồng rừng được triển khai rộng rãi toàn tỉnh Bình Định không chỉ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, DA trồng rừng WB3 còn góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế rửa trôi, xói mòn đất, điều hòa nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, hạn chế tình trạng ao hồ cạn kiệt trong mùa khô hạn…
Được biết, DA trồng rừng WB3 được Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức song phương tài trợ, nhằm mục đích hỗ trợ phát triển ngành lâm nghiệp tại tỉnh Bình Định.
DA được triển khai qua 2 giai đoạn tại tỉnh Bình Định: Giai đoạn 1 (2005-2012); giai đoạn 2 (2012 – 2015) trên địa bàn 40 xã của 8 huyện, thị xã, thành phố. Tổng vốn đầu tư DA trên 6 triệu USD, gồm vốn của WB và các tổ chức song phương 4,99 triệu USD, vốn đối ứng của tỉnh Bình Định là 1,05 triệu USD./.