Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp
(Taichinh) - Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Trong tiến trình hội nhập, đặc biệt khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement – FTA), mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, thuế quan… thì tính cạnh tranh lại càng cao hơn. Nếu nông nghiệp không thực hiện tái cơ cấu toàn diện sẽ bị thua ngay chính tại mảnh đất nông nghiệp của mình.
Sản xuất nông nghiệp vẫn ở trình độ thấp
Đảng và Nhà nước đã thấy rõ những điểm yếu trong sản xuất nống nghiệp.
- Đầu tiên là, nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn yếu, các nhà đầu tư không mặn mà do khả năng thu được lợi nhuận của ngành nông nghiệp không cao; Hạ tầng kỹ thuật nông thôn còn rất thấp;
- Từ khâu sản xuất qua khâu dịch vụ đến chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ đều còn rất nhiều bất cập; Hàng sản xuất ra giá thành cao, chất lượng thấp, chưa xây dựng được thương hiệu, sức cạnh tranh còn yếu so với các nước khác;
-Sự liên kết bốn nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp mới chỉ dừng ở lý thuyết, chưa đi vào thực chất, chưa phát huy được lợi ích của sự liên kết;
- Công tác quy hoạch trên địa bàn cả nước, của từng vùng lãnh thổ chưa phù hợp với đặc điểm địa phương, chưa phát huy được thế mạnh, thậm chí, chưa mang lại lợi ích trước mắt cũng như lâu dài;
- Chưa có chiến lược lâu dài để phát triển từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể trong sản xuất nông nghiệp;
- Tổ chức, thể chế nông thôn chậm đổi mới, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Quy mô sản xuất và hiệu quả sản xuất của các hợp tác xã ở mức trung bình và thấp;
- Và cuối cùng là yếu tố nhân lực và thu nhập trong ngành nông nghiệp. Lao động nông thôn hiện nay có thu nhập thấp, thiếu việc làm nhưng tay nghề và trình độ lại chưa được đào tạo bài bản.
Trước những vấn đề đó, để tạo bước đột phá trong nông nghiệp, đưa nông nghiệp đi lên con đường làm ăn lớn, phát huy được thế mạnh của một nước nông nghiệp và hội nhập tích cực với khu vực và thế giới… Ngày 10/06/2013, Thủ tướng Chính phủ chính thức Phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp
Trong Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII cũng nêu rõ, chúng ta đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành tái cơ cấu nông nghiệp. Xây dựng và triển khai thực hiện nhiều Đề án tái cơ cấu nội ngành, quy hoạch tổng thể vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các chính sách mới về quản lý đất lúa. Hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ. Tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn quốc gia trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh xuất khẩu, mua tạm trữ 01 triệu tấn quy gạo, mở thị trường mới cho một số loại hoa quả (thanh long, xoài, vải thiều, nhãn, chôm chôm...). Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, đến nay đã có 04 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đánh giá việc thực hiện Đề án, trong cuộc họp ngày 19/5/2015 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Cả nước đã triển khai mạnh việc thực hiện công tác tái cơ cấu theo định hướng và chỉ đạo của Chính phủ. Đến nay, đã có 24 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, đã có 17 quy hoạch trên phạm vi cả nước, 7 quy hoạch vùng, khu vực, địa bàn cụ thể. Đặc biệt, thông qua việc thực hiện Đề án này, đã hoàn thành quy hoạch khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao trên cả nước.
Kết quả bước đầu của Đề án đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Năm 2014, giá trị sản xuất toàn ngành đã tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP của ngành cũng đạt 3,49% - vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 3,27%.
Tuy vậy, việc triển khai thực hiện Đề án vẫn chưa đồng bộ. Nhiều địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm, triển khai chậm, thậm chí còn lúng túng. Đến nay còn 27 tỉnh, thành chưa phê duyệt đề án hoặc kế hoạch hành động cho tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương mình.
Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn nhìn nhận: “Kết quả tái cơ cấu trong thực tiễn chưa có chuyển biến rõ, tăng trưởng ngành chưa vững chắc. Điển hình ngay trong quý I năm nay, khi thị trường biến động thì tăng trưởng ngành lập tức xuống mức thấp nhất trong quý I của 3 năm gần đây”.
Chính phủ chỉ đạo
Để thấy rõ được chuyển biến từ Đề án này, cũng tại cuộc họp ngày 19/5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định cần có sự thay đổi và nhận thức đúng đắn từ tư duy của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần xác định thị trường là yếu tố quan trọng. Cùng với đó phải đẩy mạnh việc tìm hiểu luật pháp, đặc biệt là các luật về thương mại cho người dân và doanh nghiệp. Trước yêu cầu của hội nhập, người dân và doanh nghiệp cần tiếp cận mạnh mẽ hơn nữa về luật không chỉ luật trong nước mà cả luật của những nước đối tác.
Thống nhất về hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu phải triển khai mạnh mẽ việc tuyên truyền. Phạm vi triển khai chương trình phải từ cấp xã trở lên, lấy nông dân làm đối tượng chính. Địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp về sức ép cạnh tranh trong thời gian tới để có động lực phải tự liên kết để thay đổi quan hệ sản xuất.
Công tác thị trường phải được quan tâm hơn, đặc biệt là sự cạnh tranh và những cơ hội thị trường sắp tới mở ra. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa để nâng cao năng lực dự báo, thông tin cho người dân biết để định hướng sản xuất.
- Lấy “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn” là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;
- Duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp ở mức bình quân 3,5-4%/năm;
- Hình thành một số ngành sản xuất kinh doanh nông nghiệp mũi nhọn (đặc biệt là phát triển chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp, đưa độ che phủ của rừng lên 43- 45%, bảo vệ đa dạng sinh học, đảm bảo đánh bắt thủy sản nội địa và gần bờ trong khả năng tái tạo và phát triển);
- Cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển đổi theo nhu cầu thị trường. Phối hợp hiệu quả sản xuất công nghiệp, dịch vụ và kinh tế đô thị với sản xuất - kinh doanh nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn;
- Cơ cấu lại lao động trong ngành nông nghiệp, đưa tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn khoảng 30% lao động xã hội. Hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có kỹ năng sản xuất và quản lý, gắn kết trong các loại hình kinh tế hợp tác và kết nối với thị trường (nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn lên 2,5 lần so với hiện nay).
- Xây dựng bộ mặt nông thôn mới (ít nhất 50% số xã đạt tiêu chuẩn). Quy hoạch dân cư, quy hoạch lãnh thổ nông thôn gắn với phát triển đô thị, công nghiệp.