Dự báo một số chỉ tiêu kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020
(Tài chính) Có thể nói những thành tựu kinh tế đạt được sau khi thực hiện công cuộc đổi mới (1986) đã đưa kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu.Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao. Đời sống đại bộ phận người dân được cải thiện. Kinh tế vĩ mô ngày một ổn định hơn. Vị thế đất nước ngày một khẳng định trên thế giới và trong khu vực
Bối cảnh kinh tế thế giới đến năm 2020 được đánh giá khá thuận lợi trên toàn thế giới cũng như ở phần lớn các khu vực và các nền kinh tế lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dần được cải thiện qua các năm, dự báo sẽ đạt 4,1% trung bình giai đoạn 2016-2020, so với tương ứng 3,7% dự báo giai đoạn 2014-2015.
Thương mại thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 5,1% vào năm 2014, 5,4% vào năm 2015 sau đó tăng lên các mức 5,7%, 5,9% và 6% tương ứng cho các năm 2016, 2017 và 2018. Dòng vốn đầu tư nước ngoài dự báo sẽ được cải thiện do nhà đầu tư lấy lại được niềm tin trong trung hạn. Mặc dù, kinh tế thế giới còn những rủi ro, nhưng triển vọng trong trung hạn là khá sáng sủa, kinh tế thế giới đã dần thoát khỏi tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và nhiều khả năng sẽ trở lại đà tăng ổn định trong thời gian tới. Điều này sẽ là yếu tố tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư.
Những yếu tố quan trọng tác động đến tăng trưởng và ổn định kinh tế Việt Nam từ nay đến năm 2020 là việc nâng cao hơn nữa hiệu lực thực thi chính sách trong đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và tận dụng tốt thời cơ hội nhập.
Các kịch bản kinh tế diễn ra với giả thiết kinh tế thế giới tăng trưởng ổn định, không có quá nhiều biến động chính trị - xã hội xảy ra; tiến trình cải cách kinh tế và hội nhập trong nước tiếp tục được thúc đẩy. Khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2014-2015 nhiều khả năng được cải thiện. Ở cả hai kịch bản cao và thấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đều được dự báo sẽ tăng hơn con số tương ứng giai đoạn 2011-2015. Ổn định vĩ mô tiếp tục được duy trì, lạm phát ở mức thấp. Lạm phát trong cả hai kịch bản giai đoạn 2016-2020 đều thấp hơn giai đoạn trước đó, đặc biệt, trong kịch bản cao, tốc độ tăng lạm phát còn thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Khác biệt giữa các kịch bản phụ thuộc vào việc đẩy mạnh cải cách kinh tế và khả năng tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế của nển kinh tế Việt Nam. Ở cả 2 kịch bản, vốn đầu tư giai đoạn 2014-2020 đều được dự báo sẽ khả quan hơn cả từ nguồn trong nước lẫn nguồn nước ngoài. Kịch bản thấp diễn ra nếu nền kinh tế không đẩy nhanh được tốc độ thực hiện tiến trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khi đó lượng vốn tuy dồi dào hơn nhưng hiệu quả sử dụng vốn thấp gây sức ép lạm phát và làm nền kinh tế khó thoát khỏi bất ổn tiếp theo trong trung hạn.
Tuy nhiên, ở kịch bản tăng trưởng cao, tiến trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng được thúc đẩy làm tăng khả năng hấp thu vốn, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, đồng thời giảm được sức ép lạm phát tạo tiền đề phát triển nền kinh tế bền vững.