Dự báo tác động của Brexit tới EU và Trung Quốc năm 2017
Đây là nội dung bài viết của chuyên gia phân tích Danielle Haralambous của trung tâm dự báo phân tích EIU trên China Daily.
Tác động trong ngắn hạn không lớn
Trong suốt 6 tháng qua, kể từ khi Anh bỏ phiếu rời EU, tác động của nó với nền kinh tế EU gần như không đáng kể. Sự sụt giảm nhẹ lòng tin vào nền kinh tế hồi tháng 7 và tháng 8 vừa qua đã nhanh chóng được khắc phục, và công cuộc phục hồi trên toàn khu vực vẫn tiếp tục diễn ra. Trước mắt, các chỉ số thậm chí cho thấy hoạt động kinh doanh đang tiến triển.
Tuy nhiên, các nguy cơ kinh tế và chính trị có thể sẽ gia tăng trong năm 2017, một khi chính phủ Anh chính thức khởi động tiến trình rời khỏi EU. Tại Anh, các cuộc đàm phán về Brexit sẽ tạo ra bất ổn cho triển vọng kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn. Cùng với việc giá cả tăng vọt do đồng bảng Anh mất giá năm 2016, điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu trong nước cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Đối với châu Âu, nguy cơ kinh tế đình trệ ở Anh sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu xuất khẩu ở các nước có giao thương lớn như Ireland, Hà Lan, Bỉ và Cyprus. Hầu hết các nước EU khác có quan hệ thương mại “khiêm tốn” với Anh, nhưng các nước có đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Anh hay có quan hệ mật thiết tới ngành ngân hàng nước này cũng có thể bị tác động tiêu cực, gồm Cyprus, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Phần Lan, Hy Lạp và Tây Ban Nha.
Tựu chung lại, đối với EU, hậu quả kinh tế từ Brexit trong ngắn hạn không quá lớn. Việc Anh rời khỏi EU sẽ làm trầm trọng hơn những điểm yếu cản trở tiến trình phục hồi kinh tế của khu vực trong những năm gần đây, đặc biệt khi các nhà lãnh đạo EU không chú ý nhiều đến các vấn đề trong nước, như các nỗ lực cải cách, để tập trung vào các cuộc đàm phán với Anh. Tuy nhiên, những rạn nứt chính trị trong EU về vấn đề Brexit sẽ gia tăng.
Tiến trình Brexit sẽ diễn ra vào thời điểm khi các nguy cơ chính trị ở EU dâng cao, ảnh hưởng đến các cuộc bỏ phiếu quan trọng mà ở đó các lực lượng phản đối chính giới đang thách thức các đảng phái chính trị chủ đạo.
Tại Hà Lan, đảng Tự do theo quan điểm cực hữu của ông Geert Wilders được cho là sẽ thể hiện tốt trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 3 tới, và có thể sẽ trở thành một trong các đảng lớn nhất trong Quốc hội, dù khó có thể sẽ tham gia vào chính phủ sắp tới.
Ở Pháp, chưa chắc chắn rằng ứng cử viên Marine Le Pen của đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu sẽ thắng cử Tổng thống Pháp vào năm 2017, nhưng nguy cơ từ kết quả này đang gia tăng. Thậm chí tại Đức, nơi các lực lượng theo chủ nghĩa dân túy không có nhiều quyền lực như ở các nước khác tại châu Âu, sự ủng hộ giành cho đảng cực hữu AfD đã tăng lên trong hơn 18 tháng qua và chính đảng này đang trên đà giành đủ số phiếu trong cuộc bầu cử liên bang vào tháng 9-10/2017 để có chân trong Quốc hội.
Trong cuộc trưng cầu ý dân ở Anh, đa số các cử tri bày tỏ sự phản đối chính giới bằng cách lựa chọn rời EU. Kết quả bỏ phiếu Brexit có thể giúp củng cố các phong trào dân túy trong EU, nơi các nhân tố tương tự đang kích động sự bất bình của các cử tri đối với giới lãnh đạo chính trị.
Cuộc trưng cầu ý dân ở Anh mở đường cho các chính trị gia có quan điểm hoài nghi châu Âu trong EU kêu gọi các cử tri xem xét việc rời khỏi EU. Nhu cầu tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU ở các nước châu Âu khác có thể sẽ tăng lên trong năm tới.
Cơ hội hay thách thức?
Đối với Trung Quốc, tác động kinh tế-chính trị của Brexit sẽ không quá lớn trong năm 2017. Kim ngạch thương mại song phương với Anh chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch của Trung Quốc.
EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc, nhưng tác giả cho rằng sự giảm tốc kinh tế của Anh sẽ chỉ có tác động hạn chế tới nhu cầu trong khu vực. Quan hệ đầu tư của Trung Quốc với Anh “khăng khít” hơn quan hệ thương mại, đặc biệt trong thị trường bất động sản.
Sự sụt giá của đồng Bảng Anh kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân làm thay đổi những dự đoán về đầu tư dài hạn của Anh trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, trước đó được coi là khá ổn định.
Anh là một trong các nước chính đề xuất quan hệ thương mại gần gũi hơn giữa EU và Trung Quốc, bởi vậy việc mất đi tiếng nói ủng hộ Trung Quốc của Anh trong EU sẽ là tổn thất lớn với Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, kết quả bỏ phiếu Brexit và làn sóng dân túy trên khắp châu Âu sẽ làm gia tăng sự khó khăn của khối trong việc thống nhất về bất kỳ chính sách nào.
Cho dù các cơ hội mở ra là gì đi chăng nữa, thông điệp ngầm gửi tới Trung Quốc dường như sẽ mang tính tiêu cực. Người dân EU đang có xu hướng chống lại toàn cầu hóa. Cuối cùng, điều đó sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang tìm cách tiếp cận các thị trường xuất khẩu và các cơ hội đầu tư nước ngoài.