Dự báo triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm
(Tài chính) Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6%, thậm chí là 7 - 8%. Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế dựa trên báo cáo của World Bank (WB) vừa được công bố chiều qua.
Theo báo cáo đưa ra, kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định: lạm phát giảm, cải thiện được tài khoản đối ngoại và ổn định được nợ công Chính phủ và thị trường ngoại hối. Chỉ số lạm phát được giữ vững ở mức khoảng 5%. Chỉ số PMI luôn đạt trên 50 điểm kể từ tháng 9/2013, mức độ lạc quan kinh doanh của nhà đầu tư đang ở mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Thặng dư thương mại và tài khoản vãng lai cũng là hai tín hiệu tốt của nền kinh tế.
Các yếu tố bên ngoài cũng đang phát triển thuận lợi. Tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu tiếp tục khởi sắc với sự ổn định từ thị trường lao động Mỹ và thị trường tiền tệ của châu Âu. Nguồn vốn FDI của nước ngoài chảy vào Việt Nam cũng đang có sự dịch chuyển, từ việc tập trung vào bất động sản (chiếm 33% nguồn FDI trong năm 2008) xuống chỉ còn 10% trong 6 tháng đầu năm 2014. Dòng tiền đang tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh thay vì bất động sản như trước. Việc Việt Nam đón các làn sóng đầu tư nước ngoài với số vốn lớn là một tín hiệu khả quan cho nền kinh tế. Đơn cử như mới đây, với dự án xây dựng nhà máy thứ 3 tại bắc Ninh (Việt Nam), tập đoàn Samsung đã nâng tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam lên đến 6,7 tỷ USD hay sự kiện một tập đoàn khác của Hàn Quốc, LG Electronics, tiếp tục công bố dự án 1,5 tỉ USD ở Hải Phòng đã tạo ra một làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp công nghệ số Hàn Quốc vào Việt Nam.
Tuy nhiên, tăng trưởng trong quý II của Việt Nam chỉ đạt 5,25% và dự báo cả năm sẽ ở mức 5,4%. Mức tăng trưởng này sẽ duy trì tới năm 2016 khi dự báo không tăng quá 5,6%. Mức tăng trưởng gần như giữ nguyên so với báo cáo trước của WB và theo chuyên gia Sandeep Mahajan, con số này thấp hơn nhiều so với tiềm năng thực của Việt Nam. Ông nhận định, tiềm năng của Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6, thậm chí 7 - 8%. Khu vực ngân hàng đang dần đi vào ổn định lại nhưng do tập trung giải quyết nợ xấu, các ngân hàng vẫn thận trọng trong việc mở rộng tín dụng cho dù có tăng trưởng mạnh về tiền gửi.
Để khôi phục tiềm năng tăng trưởng trung hạn đòi hỏi phải đẩy mạnh quan tâm đến những cải cách cơ cấu - tập trung vào tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng trong nước đồng thời xóa bỏ những rào cản đối với đầu tư tư nhân trong nước.
Bà Victoria Kwakwa, giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nhận định: "Trong ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức khiêm tốn do cầu trong nước còn yếu. Còn triển vọng dài hạn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể nhanh chóng giải quyết những vấn đề cơ cấu của nền kinh tế đến đâu để có thể nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của quốc gia".
Ngoài ra, một điểm quan trọng trong báo cáo của WB đó là dự báo dựa trên giả định không gia tăng căng thẳng cạnh tranh trong mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây. Nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hiện đang chiếm tới 28,5% tổng kim ngạch của Việt Nam, trong khi đó xuất khẩu lại chỉ chiếm 10,5%. Nếu quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng, nền kinh tế Việt Nam tất yếu sẽ bị ảnh hưởng.
"Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, với sự phản ứng nhanh nhạy của chính phủ, chúng tôi nhận thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa phải chịu tác động tiêu cực gì từ vấn đề này. Sự việc vừa qua chỉ là một cú sốc tạm thời và có thể điều chỉnh được", ông Mahajan nhận định.