Dự kiến khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được bơm vào nền kinh tế 2024

Tuấn Thủy

Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, tương đương khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế năm nay nếu ngành Ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu.

Tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 13,5%, tương đương 1,5 triệu tỷ đồng đã được cung ứng thêm vào nền kinh tế.
Tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 13,5%, tương đương 1,5 triệu tỷ đồng đã được cung ứng thêm vào nền kinh tế.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, năm 2024, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, NHNN tập trung điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.  

“Tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tính đến hết tháng 12/2023 là khoảng 13,6 triệu tỷ đồng. Nếu mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024 hoàn thành, sẽ có thêm khoảng gần 2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Thậm chí, nếu tình hình kinh tế ổn định, nhu cầu vốn cao, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có thể tăng lên 16%”, Phó Thống đốc cho biết.

Về con số này, ông Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã thông qua các đánh giá của chuyên gia, cân nhắc dựa trên kinh nghiệm thực tiễn trong nước và các nước hơn 11 năm qua và thấy sự cần thiết phải đặt ra một định hướng mục tiêu phấn đấu tăng trưởng tín dụng.

Theo Phó Thống đốc, trên lý thuyết, tín dụng chủ yếu cung ứng vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay, các thị trường vốn khác như chứng khoán, trái phiếu đang trên đà hồi phục, ngành Ngân hàng sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

“Rút kinh nghiệm của những năm trước, năm nay NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% một lần ngay từ đầu năm để toàn Ngành và các ngân hàng thương mại phấn đấu, coi đây là trách nhiệm cung ứng vốn cho nền kinh tế”, Phó Thống đốc thông tin thêm.

Giải thích thêm về định hướng tăng trưởng tín dụng 15%, nhưng giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một lần từ đầu năm mà không giao từng phần như các năm trước, ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, năm 2024, nền kinh tế vẫn tiếp tục những khó khăn từ năm 2023, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn chưa hạ lãi suất, khả năng suy thoái nhẹ của các nền kinh tế lớn có thể xảy ra, do đó nhu cầu của toàn cầu giảm có thể tác động rất lớn khả năng xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam.

Với xu hướng tổng cầu có khả năng tiếp tục giảm trong năm 2024, NHNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm để từ đó, các ngân hàng chủ động thúc đẩy, cung ứng vốn đủ, kịp thời cho nền kinh tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ những ngày đầu năm.

Tuy nhiên, nguồn vốn của nền kinh tế đến từ nhiều nguồn, không chỉ riêng vốn từ hệ thống ngân hàng mà còn từ: Nguồn vốn đầu tư công, vốn đầu tư khu tư nhân, khu vực FDI, kiều hối và các nguồn vốn khác, đặc biệt là nguồn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Phạm Chí Quang cũng kỳ vọng năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi, góp phần thúc đẩy vốn trung dài hạn của nền kinh tế, giảm bớt gánh nặng vốn trung dài hạn ngân hàng nhằm giảm rủi ro thanh khoản.