Dư nợ tín dụng tại tỉnh Bắc Ninh đạt trên 154 nghìn tỷ đồng
Tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tăng 5,8% so với cuối năm 2022, đạt 154.000 tỷ đồng, trong đó tập trung nhiều ở lĩnh vực công nghiệp và xây dựng.
Theo ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt trên 154.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối năm 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc: 5,56%).
Trong đó, tín dụng đối với ngành Công nghiệp và Xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất tăng 8,87%, chiếm 36,58% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh, tiếp theo là ngành thương mại dịch vụ, tăng 4,63%, chiếm tỷ trọng cao nhất 60,41% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 6,3%, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 9,78%. Tín dụng lĩnh vực bất động sản giảm 23,79%; trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm gần 53%, giảm 2,64%, dư nợ tín dụng bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng giảm mạnh 38,59%.
8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Bắc Ninh tăng 8,24% so với tháng trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 18,2%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 12,9% so với tháng trước, doanh nghiệp đăng ký mới tăng và quay trở lại hoạt động tăng 26,2%, vốn FDI đăng ký mới đạt 806,3 triệu USD (tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước).
Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, diễn ra ngày 28/9 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, tổng quy mô huy động vốn trên địa bàn Bắc Ninh tính đến 26/9/2023 của nhà băng này là 18.107 tỷ đồng (chiếm 8,5% thị phần huy động vốn), quy mô tín dụng đạt 16.350 tỷ đồng (chiếm thị phần khoảng 10,6%), tăng 1,7% so với đầu năm.
Dư nợ tín dụng tại BIDV đối với địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong 5 năm qua tăng nhanh, tổng dư nợ đến 26/9/2023 tăng 1,6 lần so với năm 2019, tăng trưởng trung bình là 16%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân hàng năm của BIDV.
“Tuy nhiên, do tình hình kinh tế chung gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn bị chậm lại, trong 9 tháng đầu năm 2023, dư nợ của BIDV trên địa bàn tỉnh chỉ tăng 1,7%, tập trung vào lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp (tăng ròng 550 tỷ đồng) và ngành thương mại (tăng ròng 424 tỷ đồng)”, Phó Tổng giám đốc BIDV chia sẻ.
Tại Agribank, ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Giám đốc chi nhánh Bắc Ninh thông tin, tính đến 27/9/2023, tổng nguồn vốn huy động của Chi nhánh đạt 22.105 tỷ đồng, tăng 2.070 tỷ (+10,4%) so với đầu năm. Chiếm 11,2% tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn. Tổng dư nợ cho vay đạt 21.050 tỷ đồng, tăng 504 tỷ đồng (+2,5%) so với đầu năm. Chiếm 13,6% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn.
Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp là 5.600 tỷ đồng, chiếm 27% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân là 15.450 tỷ đồng, chiếm 73% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là 14.762 tỷ đồng, chiếm 70% tổng dư nợ. Tổng số khách hàng đang có quan hệ tín dụng tại Chi nhánh là 15.945 khách hàng, trong đó có 446 khách hàng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Hưng thừa nhận, do những khó khăn chung của nền kinh tế, việc hấp thụ vốn cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn trong những tháng đầu năm 2023 ở mức thấp; thêm vào đó là sự trầm lắng của thị trường bất động sản, chứng khoán đã làm cho cầu tín dụng giảm mạnh, nên kết quả tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm 2023 của Chi nhánh chưa đạt được như kỳ vọng.
“Tại Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh, đến hết 30/04/2023, dư nợ cho vay còn ở mức giảm 728 tỷ đồng so với đầu năm, tuy nhiên đến nay dư nợ cho vay đã tăng trưởng 504 tỷ đồng so với đầu năm (theo đó từ tháng 5/2023 đến nay, dư nợ cho vay đã tăng 1.232 tỷ đồng)”, ông Hưng nói.
Đối với các ngân hàng thương mại tư nhân, hoạt động cho vay tại Bắc Ninh có phần kém khả quan hơn các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
Ông Nguyễn Việt Sáng - Giám đốc chi nhánh LPBank Bắc Ninh cho biết, cho vay mới tại Ngân hàng không đủ bù đắp được các khoản trả nợ của khách hàng. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, LPBank Bắc Ninh đã tăng trưởng mới được 450 tỷ đồng dư nợ, trong đó khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 30%, nhưng tăng trưởng ròng vẫn đang bị âm 180 tỷ đồng.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Nhân Phượng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh cho biết, tại thời điểm hiện nay lãi suất vay của các ngân hàng còn cao khiến doanh nghiệp không tối ưu được chi phí trong bối cảnh thị trường đầu ra khó khăn và mức độ cạnh tranh cao còn dẫn đến hiệu quả kinh doanh và các chỉ số tài chính của doanh nghiệp suy giảm.
Trong khi đó, các ngân hàng vẫn duy trì việc đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp theo cách đánh giá theo điều kiện bình thường để áp dụng điều kiện ưu đãi lãi suất làm doanh nghiệp giảm cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn.
“Để đảm bảo hạn chế rủi ro, các ngân hàng duy trì tỷ lệ tài sản đảm bảo trên vốn vay còn cao, vô hình giảm hạn mức của các doanh nghiệp, doanh nghiệp lại càng gặp khó hơn trong công tác cân đối, mở rộng nguồn vốn”, ông Phượng nói.
Theo đó, ông Phượng đề nghị các ngân hàng có văn bản kiến nghị Chính phủ có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ đó vực dậy những doanh nghiệp có điều kiện sản xuất kinh doanh phát triển tốt, hỗ trợ trong lúc doanh nghiệp đã đến lúc kiệt quệ.