Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ tăng tính minh bạch cho thị trường


Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã đưa ra nhiều quy định về thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán hướng đến chế tài đủ mạnh để nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, tăng tính minh bạch của thị trường.

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã đưa ra nhiều quy định về thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Nguồn: internet
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã đưa ra nhiều quy định về thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Nguồn: internet

Trên thực tế, hiện nay, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán vẫn diễn ra thường xuyên, đặc biệt là các vi phạm về  thao túng, nội gián, vi phạm về nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin của thành viên thị trường... Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt 57 vụ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán với tổng số tiền gần 5,8 tỷ đồng, khởi tố hình sự 01 vụ.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe; cơ chế phối hợp trong thanh tra, xử lý vi phạm chưa chặt chẽ; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa có đủ thẩm quyền để tổ chức và thực thi tốt các chức năng thanh tra và cưỡng chế thực thi... Trong khi đó, các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán hiện nay ngày càng tinh vi, phức tạp.

Trước thực trạng này, trong Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều quy định về thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán hướng đến chế tài đủ mạnh để nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực này, tăng tính minh bạch của thị trường.

Theo đó, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định một số quyền của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra.

Theo Dự thảo, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định trình tự, thủ tục yêu cầu và cung cấp thông tin của pháp luật về các tổ chức tín dụng.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng có quyền yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm.

Bên cạnh đó, để bảo đảm việc xử lý vi phạm đạt hiệu quả, tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, Dự thảo Luật đã bổ sung các biện pháp xử lý tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm của tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Theo đó, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc có hành vi vi phạm quy định của Luật này sẽ bị áp dụng một hoặc một số các biện pháp xử lý như: Đình chỉ hoạt động, đình chỉ giao dịch có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán, chứng chỉ hành nghề; cấm chào bán chứng khoán ra công chúng để huy động vốn có thời hạn; cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có thời hạn hoặc vĩnh viễn; cấm tham gia các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

Dự thảo quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỷ đồng (Luật hiện hành là 2 tỷ đồng) đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân (hiện nay là 1 tỷ đồng) để có chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm. Mức phạt này cũng đã được xem xét tính đến biến động trượt giá theo tỷ lệ lạm phát bình quân trong 10 năm tới (5%/năm x 10 năm).

Những quy định về thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán được đề cập tại Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) được nhận định là rất cần thiết và được kỳ vọng sẽ tăng tính minh bạch cho thị trường chứng khoán.

Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) cho rằng, Dự thảo đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra nhiều điểm mới tích cực. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến quy định về tăng một số thẩm quyền cho Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin từ tổ chức tín dụng, doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho Thanh tra Ủy ban Chứng khoán thực thi quyền hạn của mình trong xử lý các vi phạm trên thị trường, giúp thị trường hoạt động minh bạch hơn.