Dự thảo Luật Hải quan: Tăng thêm quyền cho Hải quan trong phòng, chống buôn lậu
(Tài chính) Luật Hải quan được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2001, có hiệu lực từ ngày 1/1/2002 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005.
Suốt 12 năm qua, Luật Hải quan đã góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh phát triển, bảo đảm an ninh chính trị, lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia, được cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên quan ghi nhận. Bên cạnh kết quả đạt được thì Luật Hải quan cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi cần có những sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới.
Chuẩn bị công phu
Đó là đánh giá đánh giá của Hội Luật gia Việt Nam, Chi hội Luật gia Hà Nội và Chi hội Luật gia Hải quan Hà Nội về những nỗ lực của Chi hội Luật gia Tổng cục Hải quan trong việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi). Các Chi hội Luật gia cũng thống nhất cho rằng, dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) được thông qua sẽ tác động và làm thay đổi lớn đối với hoạt động XNK nói chung và hoạt động của cơ quan Hải quan nói riêng.
Để có dự thảo Luật Hải quan này, Bộ Tài chính đã tiến hành: Tổng kết và đánh giá kết quả hơn 10 năm thực hiện Luật Hải quan, tiến hành khảo sát tình hình thực hiện Luật Hải quan tại các địa phương và hải quan một số nước; xây dựng các tài liệu thuộc hồ sơ dự án; Gửi lấy ý kiến đóng góp của các bộ, Ngành, một số Hiệp hội có liên quan; đăng dự thảo trên Trang điện tử (Website) của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan để lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp; Tổ chức các cuộc hội thảo trong Ngành, hội thảo quốc tế, các Hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp, các bộ, Ngành về dự thảo Luật (tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh); Tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, Ngành, cá nhân, doanh nghiệp, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội.
Quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật Hải quan (sửa đổi) là đổi mới toàn diện hoạt động hải quan thông qua tạo điều kiện áp dụng quản lý hải quan hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia; góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mục tiêu chủ yếu xây dựng dự án Luật là góp phần tạo nền tảng pháp luật thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 đã được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Chiến lược phát triển ngành Tài chính, chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tháo gỡ vướng mắc phát sinh, bất cập chồng chéo trong hệ thống pháp luật hải quan, đảm bảo đồng bộ với các pháp luật liên quan.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung những quy định phù hợp với các cam kết quốc tế Việt Nam mới tham gia nhất là từ khi gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) và chuẩn bị cơ sở pháp luật để phục vụ hội nhập sâu, rộng hơn trong giai đoạn tới. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm cải cách thủ tục hải quan theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thuận tiện, thống nhất, tạo thuận lợi thương mại, thực hiện hải quan điện tử, một cửa quốc gia.
Nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh kinh tế; trong phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan với cơ quan hải quan trong việc thực hiện pháp luật hải quan.
Những nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản
Sau khi tiếp thu chỉnh lý theo ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật hải quan sửa đổi hiện nay có: 105 Điều, được bố cục thành 8 Chương (trong đó giữ nguyên 10 Điều, sửa đổi 58 Điều, bổ sung 37 điều), có 12 điều khoản giao Chính phủ quy định. Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi có bốn nhóm nội dung chính như sau:
Thứ nhất, nhóm vấn đề về cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hoá quản lý hải quan, nội luật hoá các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Trong nhóm vấn đề này, dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử (điều 28, 31)
Hai là, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan (Điều 22, Điều 23)
Ba là, áp dụng đầy đủ nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan (điều 17)
Bốn là, có chế độ ưu tiên, tạo thuận lợi về thủ tục hải quan cho doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện (các Điều 41, 42, 43, 44).
Năm là, bổ sung các quy định tạo cơ sở pháp luật để cơ quan hải quan thực hiện cơ chế xác định trước cho doanh nghiệp về mã số, xuất xứ, trị giá hải quan (Điều 4, điều 17, điều 27)
Sáu là, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia (Điều 4, điều 23).
Thứ hai, nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan; tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, gian lận thương mại.
Sự thay đổi trong quản lý về thủ tục sẽ có tác động đến hầu hết các hoạt động nghiệp vụ hải quan thuộc chức năng nhiệm vụ của hải quan (kiểm tra, giám sát, điều tra chống buôn lậu, quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu…), theo đó, đòi hỏi quy định trong Luật phải có sự điều chỉnh cho phù hợp về nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, bảo đảm mục tiêu đặt ra: đơn giản hoá thủ tục nhưng quản lý hải quan được chặt chẽ. Chính vì vậy, nhóm vấn đề này tập trung ở các nội dung chính:
Một là, bổ sung quy định về địa bàn hoạt động hải quan (Điều 7)
Hai là, tạo cơ sở pháp lý để tăng cường hoạt động kiểm tra sau thông quan (các điều từ 77 đến 82). Để bảo đảm quy định thống nhất về kiểm tra sau thông quan, tại Điều 102 dự thảo đã bổ sung quy định để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung liên quan đến kiểm tra sau thông quan của Luật Quản lý thuế theo hướng các trường hợp kiểm tra sau thông quan thực hiện theo quy định của Luật Hải quan.
Ba là, tăng cường hoạt động của cơ quan hải quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 88).
Thứ ba, nhóm vấn đề về sửa đổi, bổ sung những quy định trong Luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, khả thi của pháp luật hải quan, phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan và thực tế hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
Quá trình xây dựng Dự án Luật Hải quan (sửa đổi), cơ quan Hải quan đã tiến hành rà soát, đối chiếu nội dung Luật Hải quan hiện hành với Luật có liên quan, cho thấy: Từ ngày Luật Hải quan ban hành đến nay, có nhiều Luật khác liên quan đã được bổ sung, sửa đổi như: Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Thương mại…do đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Hải quan vừa phải đáp ứng yêu cầu thống nhất với quy định của các Luật này, vừa phải đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan.
Mặt khác, quá trình thực hiện Luật Hải quan phát sinh một số vướng mắc do nội dung của Luật Hải quan quy định chưa rõ ràng, cụ thể dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất... Theo đó, nhóm vấn đề này tập trung ở những nội dung chính:
Một là, khai bổ sung nội dung đã khai trên tờ khai hải quan sau khi hàng hoá đã thông quan (Điều 28)
Hai là, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 34).
Ba là, quy định rõ quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong lĩnh vực Hải quan (Điều 17, Điều 18, Điều 21, Điều 39, Điều 40, Điều 62, Điều 91)
Thứ tư, nhóm vấn đề liên quan đến kiện toàn hệ thống tổ chức hải quan.
Điều 13 Dự thảo bổ sung quy định có tính chất nguyên tắc trong việc thành lập Cục hải quan để trên cơ sở đó Chính phủ quy định các tiêu chí thành lập Cục hải quan, cụ thể như sau: “Chính phủ căn cứ vào khối lượng công việc, quy mô, tính chất hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đặc thù, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn để quyết định thành lập Cục hải quan”.
Tăng thêm quyền cho Hải quan
Điểm đặc biệt trong dự thảo Luật Hải quan sửa đổi chính là về thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 90). Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 tháng 10/2013 tại điểm b Khoản 1 Điều 93 quy định: Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan có thẩm quyền tạm giữ người, áp giải người vi phạm.
Quá trình thảo luận nội dung này có các ý kiến sau:
- Loại ý kiến thứ nhất: đề nghị bỏ quy định về thẩm quyền “tạm giữ người, áp giải người” tại điểm này vì không phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính;
- Loại ý kiến thứ hai: đề nghị bổ sung thẩm quyền trong việc dừng phương tiện vận tải để kiểm tra nếu có căn cứ cho rằng có dấu hiệu buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Về vấn đề này, nhóm sửa đổi dự thảo Luật Hải quan đã giải thích như sau: Theo quy định của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự (Điều 20) cơ quan hải quan chỉ có thẩm quyền khởi tố, điều tra đối với tội buôn lậu, tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Theo quy định tại Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc tạm giữ người chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.
Tuy nhiên, với đặc thù của hoạt động chống buôn lậu, phạm vi địa bàn ở vùng cửa khẩu giáp biên giới, sân bay, trên biển. Nếu không tạm giữ ngay người có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì các đối tượng sẽ nhanh chóng tẩu thoát sang bên kia biên giới hoặc lên máy bay, phương tiện vận tải khác để xuất cảnh, tang vật vi phạm sẽ không còn, không kịp thời ngăn chặn được vi phạm.
Do vậy, tại Điều 90 dự thảo quy định bổ sung thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc dừng phương tiện vận tải, tạm giữ người, áp giải người vi phạm trong trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, là cần thiết.
Đồng thời, tại Điều 103 dự thảo bổ sung quy định để sửa đổi, khoản 1 Điều 122 Luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng bổ sung trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cũng được tạm giữ người theo thủ tục hành chính.