Dự toán thu nội địa năm 2014 tăng 12-13%

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng Dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Dự toán thu NSNN năm 2014 được xây dựng trên cơ sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu ngân sách năm 2013.

Nhiều ý kiến cho rằng, thu ngân sách năm nay nhiều khả năng không hoàn thành mục tiêu. Bà có nhận xét về nhận định này?

Dự toán thu nội địa năm 2014 tăng 12-13% - Ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Minh,
Thứ trưởng Bộ Tài chính
Trong 8 tháng đầu năm, tổng thu NSNN ước đạt 484.820 tỷ đồng, mới bằng 59,4% dự toán, nhưng vẫn tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2012.

Số liệu này cho thấy, thu ngân sách năm nay hết sức khó khăn, nhưng cần phải bình tĩnh, không nên quá lo lắng, bi quan.

Ngược lại, chúng ta cũng không được chủ quan mà phải nhìn nhận đúng tình hình mới đưa ra được các giải pháp phù hợp để bảo đảm thu ngân sách như dự toán.

Chúng tôi nhận định, thu NSNN năm nay rất khó khăn. Vì vậy, cả hệ thống tài chính, thuế, hải quan, kho bạc cũng như các cấp chính quyền địa phương đang quyết liệt thực hiện Chỉ thị 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/6/2013, với nhiều giải pháp đồng bộ.

Trong đó, các địa phương phải rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu trên địa bàn, phấn đấu thu ở các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn có khả năng tăng thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kết hợp với thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về giá...

Hy vọng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và quyết tâm của ngành tài chính, thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, cộng với hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có dấu hiện khởi sắc nhờ thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết 02/NQ-CP, năm nay sẽ thu đủ số ngân sách như mục tiêu đã được Quốc hội đặt ra.

Năm nay, NSNN đứng trước khả năng hụt thu khá cao. Theo bà, đâu là những nguyên nhân dẫn đến hụt thu (nếu có)?

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, hàng năm, ngành tài chính luôn luôn nỗ lực, cố gắng xây dựng dự toán theo hướng tích cực nhất, bám sát vào khả năng thu ngân sách năm xây dựng dự toán; dự báo tình hình đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại, xuất - nhập khẩu của năm sau; tính toán cụ thể mọi yếu tố tăng, giảm thu do thực hiện các chính sách thuế mới.

Tuy nhiên, do tình hình sản xuất, kinh doanh ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, ngành, hàng diễn ra không như dự kiến và cũng do không thể lường trước hết được, bởi còn do nảy sinh nhiều yếu tố khách quan, nên số thu thực tế và dự toán có khác nhau.

Tôi đi công tác địa phương và được lãnh đạo một tỉnh cho biết, năm nay, nhiều khả năng hụt thu của tỉnh này lên tới 300 tỷ đồng.

Nguyên nhân là, năm ngoái, một doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn đã lên kế hoạch đưa dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô mới vào hoạt động kể từ ngày 1/1/2013, nhưng do gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên họ thay đổi kế hoạch.

Vì thế, dự toán thu ngân sách của địa phương này hụt thu 300 tỷ đồng khiến thu NSNN chung của cả nước cũng bị ảnh hưởng theo.

Từ năm 2011 trở về trước, năm nào thu ngân sách cũng cao hơn dự toán khá nhiều. Phải chăng đó là do địa phương cố tình xây dựng dự toán thấp để được thưởng vượt thu, thưa bà?

Như tôi đã nói, công tác xây dựng dự toán ngân sách hàng năm luôn dựa vào số thu ước tính của năm xây dựng dự toán và dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu… của năm sau và được tính toán trên cơ sở khách quan, khoa học, bám sát thực tế, nên nhận định trên là không chính xác.

Việc số thực thu và dự toán có sự chênh lệch do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân là công tác xây dựng dự toán năm sau được bắt đầu từ tháng 7 năm trước.

Nhìn bức tranh kinh tế tại thời điểm tháng 7, tháng 8 năm nay để xây dựng dự toán cho năm sau, thì khó có thể chính xác 100% được.

Vì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình xuất - nhập khẩu, biến động tỷ giá, lạm phát, đặc biệt là sự biến động của thị trường bất động sản không phải lúc nào cũng như dự báo do bị tác động bởi nhiều yếu tố khách quan, nên giữa dự toán và thực tế không trùng khớp nhau cũng là chuyện bình thường.

Bà có thể cho biết, công tác xây dựng dự toán NSNN cho năm 2014 đã được thực hiện đến đâu?

Trong tháng 8/2013, Bộ Tài chính đã thảo luận dự toán NSNN với tất cả các địa phương trong cả nước theo đúng tinh thần Chỉ thị 13/CT-TTg trên cơ sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu ngân sách năm 2013; dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu của năm 2014…

Năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự kiến khoảng 6%, lạm phát được kiềm chế ở mức 7%. Trên cơ sở này, chúng tôi đặt mục tiêu huy động vào ngân sách từ thuế, phí 18 - 19% GDP; thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất) phấn đấu tăng 12-13% so với đánh giá ước thực hiện năm 2013; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phấn đấu tăng 8 - 9% so với đánh giá ước thực hiện năm 2013.