Dự trữ ngoại hối đạt 46 tỷ USD: “Tấm đệm” tốt cho các nhà đầu tư

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Mức kỷ lục mới của dự trữ ngoại hối sẽ là “tấm đệm” tốt, giúp các nhà đầu tư an tâm “móc hầu bao” cho các dự án ở Việt Nam, còn nền kinh tế sẽ tránh được những “cú sốc” từ bên ngoài.

Các chuyên gia nhận định, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể đạt mức 48 tỷ USD trong năm 2017. Nguồn: Internet
Các chuyên gia nhận định, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể đạt mức 48 tỷ USD trong năm 2017. Nguồn: Internet

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt 45 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, chỉ tính riêng từ đầu năm đến hết ngày 8/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua thêm 7 tỷ USD. 

Theo ông Eric Sigwick – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, đây sẽ là dự trữ an toàn cho Việt Nam trước nhiều biến động trong tương lai.
 
Nhà đầu tư an tâm 

Từ đầu năm đến nay, do nguồn tiền cung ra để mua ngoại tệ khá lớn, NHNN thường xuyên sử dụng công cụ tín phiếu, phát hành để hút bớt tiền về, như một trong những biện pháp trung hòa tác động của nguồn tiền đưa ra mua ngoại tệ.

Chẳng hạn, chỉ trong 2 ngày 10 và 11/10, NHNN liên tục nâng lượng tín phiếu phát hành mới lên 7.000 tỷ đồng và 8.000 tỷ đồng thay vì mức 5.000 đồng/phiên như trước đó; Kỳ hạn tín phiếu cũng ở mức dài hơn với 14 ngày, thay cho kỳ hạn 7 ngày thường xuyên phát hành gần đây. Sang tháng 11, NHNN tiếp tục hút ròng khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng qua nghiệp vụ repos và tín phiếu. 

Từ đầu tháng 12 đến nay, NHNN vẫn tiếp tục gọi thầu tín phiếu để hút tiền cân đối, với lượng tín phiếu chào thầu 2 tuần đầu tháng 12 đạt 29.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, được các tổ chức tín dụng hấp thụ 28.500 tỷ đồng với lãi suất 0,60%/năm. Nhưng lượng đáo hạn lớn lên đến 55.900 tỷ đồng tín phiếu khiến lượng bơm ròng trở lại hệ thống ở mức cao. Do đó, tính đến cuối tuần trước, NHNN đã bơm ròng tới 34.100 tỷ đồng trên kênh tín phiếu.

Trong buổi làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế cũng như các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam, hầu hết các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao sự ổn định về tỷ giá, lãi suất, đặc biệt trong những tháng cuối năm, lãi suất có xu hướng giảm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. 

Theo ADB, việc NHNN duy trì tỷ giá USD/VND trong một biên độ hẹp, cho phép tỷ giá trung tâm mất giá 1,4% trong 10 – 11 tháng đầu năm đã giúp duy trì tỷ giá thực đa phương (REER) ở mức cao đối với đồng nội tệ và tạo điều kiện tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối thêm khoảng 5 tỷ USD trong 3 quý đầu năm. Đến nay, lượng dự trữ đã tăng thêm 2 tỷ USD giúp cho mức dự trữ ngoại hối ở Việt Nam đã đạt con số kỷ lục là 46 tỷ USD.

Theo ông Eric Sigwick: “Việc ổn định tỷ giá cộng với mức tăng trưởng của dự trữ ngoại hối hiện nay có thể nói đã tạo một sự an tâm lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, kể cả với các nhà đầu tư gián tiếp cũng như đầu tư trực tiếp”.

Ngân hàng “nới” giới hạn bán USD

Nếu như trước đây, nguồn cung ngoại tệ thường căng thẳng vào cuối năm, việc mua USD ở các ngân hàng rất khó khăn. Nhưng nay, nguồn cung dồi dào nên việc mua USD ở các ngân hàng cũng dễ dàng hơn.

Nhiều ngân hàng không chỉ “mạnh tay” bán USD cho khách hàng mua ngoại tệ đi du lịch, du học, định cư, khám chữa bệnh ở nước ngoài, mà hạn mức mua ngoại tệ cũng được áp dụng ở mức tối đa cho phép 5.000 USD/người. Điều này chưa từng xảy ra trong thời điểm tín dụng ngoại tệ căng thẳng trước đó.

Theo đánh giá của các chuyên gia, từ nay đến Tết Nguyên đán, tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục tăng nhanh do nguồn cung ngoại tệ từ xuất khẩu lao động và giao dịch mua – bán giữa các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cao. 

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài tham gia mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua hàng loạt cuộc thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn như: Sabeco, Vinamilk, PV Oil, PV Power… cùng với đó là chủ trương huy động một lượng lớn ngoại tệ trong dân mà NHNN đang triển khai tiếp tục ghi nhận những diễn biến tích cực.

Từ những nguyên nhân trên, các chuyên gia nhận định quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể đạt đến mức 48 tỷ USD trong năm 2017.

Nhận định về con số này, công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, “Mức kỷ lục mới của dự trữ sẽ là “tấm đệm” tốt, giúp NHNN có thêm công cụ để điều hành linh hoạt tỷ giá, đồng thời góp phần tăng thêm xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong tương lai”.

Mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Đây là lần thứ hai Moody’s nâng hạng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trong vòng 6 năm trở lại đây. 

Chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng: “Việc_Moody’s tiếp tục nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam là một tín hiệu tích cực phản ánh hiệu quả của việc Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với công tác điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động của NHNN”.

Trong một đánh giá mới đây của hãng tin Bloomberg về mức độ ổn định tiền tệ của một số đồng tiền thuộc khu vực châu Á, đồng tiền Việt Nam được nhận định là đồng tiền thuộc nhóm ổn định nhất.

Điều này được chứng minh thông qua động thái Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm 2017 vào đúng thời điểm thị trường trong nước bước vào những tuần giao dịch cuối năm. Tuy vậy, tỷ giá USD/VND vẫn rất ổn định, không có những xáo trộn hoặc biến động, căng thẳng thường thấy như những năm trước.