Khẩn trương ban hành hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang xây dựng dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, lấy ý kiến các địa phương và dự kiến ban hành trong năm 2023, trước thời điểm các địa phương bắt buộc phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (31/12/ 2024).
Bộ TN&MT cho biết, một trong những điểm mới cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là thay đổi cách tiếp cận về quản lý chất thải với quan điểm xuyên suốt là coi chất thải là tài nguyên; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hướng tới mục tiêu đem lại môi trường sống trong lành cho sự phát triển bền vững.
Cùng với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhiều quy định mới, yêu cầu mới về quản lý chất thải đã được xây dựng. Theo đó, việc sử 2 dụng sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng phải theo nguyên tắc tận dụng tối đa giá trị của sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn nhằm giảm khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Hiện nay, Bộ TN&MT đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, lấy ý kiến các địa phương và dự kiến ban hành năm 2023 trước thời điểm các địa phương bắt buộc phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (31/12/2024).
Theo Bộ TN&MT, dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Canada, Mỹ và một số tỉnh, thành phố tại Việt Nam như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, Lào Cai, Bắc Ninh…
Về chi tiết phân loại chất thải rắn sinh hoạt, dự thảo hướng dẫn đưa ra 3 nhóm chính gồm: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Tại mỗi nhóm chất thải có liệt kê các loại chất thải thường thấy phát sinh tại hộ gia đình, hình ảnh minh họa và kỹ thuật khi phân loại.
Bộ TN&MT cho biết, hướng dẫn này là tài liệu tham khảo để UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương. Các địa phương sẽ căn cứ vào thành phần chất thải rắn sinh hoạt, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh và trung ương; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ hiện có; nguồn lực tài chính của địa phương và tính toán đến nhu cầu thị trường tái chế; cân đối lợi ích chi phí giữa việc tái sử dụng, tái chế chất thải với chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý để quyết định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Gần đây, tại cuộc họp với Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) về báo cáo việc hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân yêu cầu Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường khẩn trương hoàn thành việc tiếp thu ý kiến các đại biểu để gấp rút hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tiến độ chất lượng.
Trong đó, Thứ trưởng đặc biệt lưu ý cần tập trung vào nguyên tắc phân loại và kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt kèm theo phụ lục hướng dẫn để cho UBND các tỉnh căn cứ vào những nội dung để cụ thể hóa, triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý tại địa phương, đảm bảo phù hợp với các luật hiện hành.