Đưa lao động có trình độ đi làm việc ở nước ngoài: Cần thiết và đúng hướng
Bình luận về việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang xây dựng Đề án đưa lao động có trình độ đi làm việc ở nước ngoài, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng đây là hướng đi đúng, giúp giải quyết tình trạng thất nghiệp hiện nay. Các ĐBQH cũng đề xuất Bộ LĐTBXH phải điều tra kỹ thực trạng thất nghiệp trước khi xây dựng Đề án và chọn ngành nghề, nơi làm việc phù hợp chuyên môn, sức khỏe, văn hóa của người Việt Nam.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương: Điều tra kỹ thực trạng thất nghiệp
Trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp đang ngày một gia tăng, việc Bộ LĐTBXH xây dựng Đề án đưa lao động có trình độ đi làm việc ở nước ngoài là cần thiết và là hướng đi đúng, có thể giúp tạo việc làm cho lao động dôi dư và mang ngoại tệ về cho gia đình, đất nước.
Hiện nay, tỉnh nào cũng có cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Không ít em nhận bằng đại học rồi đi làm công nhân, phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn, làm trái ngành, nghề… Có nhiều sinh viên vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để đi học nhưng ra trường không tìm được việc làm, vì vậy đã đẩy gia đình và bản thân vào cảnh khó khăn, nợ nần.
Từ bức xúc của cuộc sống, không ít em có nhu cầu xuất khẩu lao động. Tôi cho rằng, những cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp sẽ sẵn sàng đi xuất khẩu lao động nếu Đề án được triển khai và có định hướng hợp lý.
Khi xây dựng Đề án, Bộ LĐTBXH cần điều tra, đánh giá thực trạng lao động thất nghiệp hiện nay, cả về số lượng, độ tuổi, đối tượng, ngành nghề đào tạo. Từ đó, phân tuyến và chọn đối tác phù hợp trong hợp đồng xuất khẩu lao động.
Trong Đề án cũng cần phân định trình độ học vấn, hàm lượng trí tuệ để tránh tình trạng lãng phí chất xám. Đề án cũng nên đưa ra những điều khoản bắt buộc để khắc phục tình trạng không tuân thủ hợp đồng lao động hoặc những hành vi làm xấu hình ảnh quốc gia. Đồng thời, chú trọng giáo dục ý thức tự tôn dân tộc, biết tích lũy kinh nghiệm để làm giàu cho đất nước khi trở về.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng: Ít nhất 2 cái lợi
Đưa lao động là cử nhân, thạc sĩ đi lao động ở nước ngoài trong chừng mực nào đó có thể làm chảy máu chất xám, song chúng ta sẽ thu được ít nhất hai cái lợi. Trước tiên là giải quyết việc làm cho số lao động đang thất nghiệp. Thứ nữa, giúp họ trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Thực tế, hầu hết các lao động trên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước chứ chưa nói đến doanh nghiệp nước ngoài.
Do đó, rất khó tìm được việc làm trong nước thời gian tới. Theo tôi, nếu người lao động có vài năm làm việc tại nước ngoài, chúng ta sẽ có một lực lượng lao động chất lượng tốt hơn.
Quay trở lại tên gọi của Đề án, tôi cho rằng, việc sử dụng từ ngữ không quá quan trọng. Bản chất của vấn đề là đưa lao động có trình độ đi làm việc ở nước ngoài. Đưa lao động có trình độ là nói trình độ theo chuẩn Việt Nam chứ thế giới có công nhận hay không lại là chuyện khác.
Vấn đề ở chỗ, nên lựa chọn loại ngành nghề, công việc, nơi làm việc phù hợp chuyên môn, sức khỏe, văn hóa của người Việt Nam. Không nên quá đề cao hoặc “dìm hàng” lực lượng lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài.
Đề án cũng không nên tập trung vào việc sử dụng lao động dôi dư hay tìm việc làm cho số lao động đang thất nghiệp vì đó chỉ là giải quyết tình thế. Theo tôi, Bộ LĐTBXH phải xây dựng Đề án theo hướng “toàn dụng lao động”; rà soát, nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, có thống kê số liệu và lập luận thuyết phục; đề ra chiến lược sử dụng lao động trong thời gian tới để phục vụ yêu cầu giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội.
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội): Rất đúng và trúng
Chủ trương đào tạo và đưa điều dưỡng, hộ lý đi lao động ở nước ngoài là rất đúng và trúng, bởi đây là đối tượng làm việc có chuyên môn sâu, được xã hội các nước trân trọng và có nhu cầu lớn do già hóa dân số. Đưa họ đi làm việc ở nước ngoài vừa nhằm giải quyết việc làm, vừa giúp chuẩn hóa đội ngũ này về trình độ, kỹ năng… đấy mới là điều quan trọng và chính lực lượng này sẽ mang về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước.
Đứng ở góc độ người sử dụng lao động, tôi cho rằng chất lượng nguồn nhân lực của ta còn rất nhiều điều phải bàn. Tại Viện Tim Hà Nội, khi nhận y tá, hộ lý, điều dưỡng về làm việc, chúng tôi đều phải đào tạo lại. Thực trạng này không chỉ xảy ra đối với lĩnh vực y tế mà còn xảy ra ở rất nhiều ngành nghề khác. Đấy là làm việc trong nước, còn đi làm việc ở nước ngoài thì chắn chắn yêu cầu sẽ cao hơn, khắt khe hơn.
Đề án của Bộ LĐTBXH không chỉ hướng đến đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu trong nước mà là phục vụ cho xuất khẩu lao động. Như trên đã nói đây là việc đúng và trúng. Nếu ta không làm thì các nước khác sẽ làm và thực tế, họ đã làm rồi. Tuy nhiên, cùng là điều dưỡng nhưng điều dưỡng của Thái Lan, Philippines... có thể được trả lương cao hơn điều dưỡng Việt Nam, bởi kỹ năng và trình độ ngoại ngữ của họ cao hơn chúng ta.
Chính vì thế, khi đào tạo phải quan tâm đến nhu cầu của thị trường, thậm chí đào tạo theo đầu bài của họ và quan trọng là đào tạo ngoại ngữ cho người lao động. Nếu làm tốt khâu này sẽ không còn tình trạng thừa thạc sĩ cử nhân, nhưng thiếu lao động trực tiếp như hiện nay.
Sở dĩ có cái nhìn trái chiều với Đề án của Bộ LĐTBXH là bởi nhiều người nhìn nhận vấn đề không rạch ròi rằng, tại sao chúng ta lại lấy tiến sĩ, cử nhân đi làm những việc giản đơn. Theo tôi, không có công việc nào cao quý hay thấp hèn. Vấn đề là chúng ta được làm việc và hưởng đúng với khả năng đóng góp đối với xã hội. Bây giờ là thế giới phẳng, làm cho ai cũng là làm cho Việt Nam bởi người lao động làm ra tiền và tiền đó họ đều gửi về Việt Nam.