Đưa nền kinh tế về đích với kết quả cao nhất
Đó là quyết tâm được thành viên Chính phủ đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020.
Kết thúc tháng 11/2020, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều điểm sáng khi kết quả đạt được trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, thì nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan, kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương.
Cụ thể, qua 11 tháng ghi nhân mức xuất siêu ở mức kỷ lục 20,1 tỷ USD; xuất khẩu đạt 254 tỷ USD. Trong đó, có tới 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đặc biệt có tới 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
“Bộ trưởng Tài chính báo cáo tôi là khả năng năm 2020 sẽ vượt thu ngân sách; theo thống kê mà Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, chúng ta sẽ đạt con số từ 2,5 - 3% tăng trưởng”,
Thủ tướng Chính phủ thông tin
Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, qua 11 tháng 2020 giải ngân đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 giảm 0,01% so với tháng trước. Bình quân 11 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp có bước khởi sắc; đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo tháng 11/2020 tăng 11,9% so với cùng kỳ (IIP toàn ngành tăng 9,2%). Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tiếp tục xu hướng phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 tăng 8,5%. Doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,7% so với cùng kỳ...
Tuy nhiên, nhìn nhận khi còn chưa đầy 30 ngày nữa là kết thúc năm 2020, một năm đầy biến động, thách thức, khó khăn, các thành viên Chính phủ cũng bàn bạc những vấn đề cấp bách cần làm ngay để đưa nền kinh tế về đích với kết quả cao nhất.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, trong thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế đã có đánh giá cao về triển vọng kinh tế Việt Nam, có thể phục hồi tăng trưởng 7% hoặc trên 7% trong năm 2021. Trong khối ASEAN, Việt Nam giữ được đà tăng trưởng cao nhất.
Trong những ngày còn lại của năm 2020, nhằm tiếp tục giữ đà tăng trưởng các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tháo gỡ hơn nữa cho sản xuất kinh doanh; việc khắc phục hậu quả thiên tai mới bước đầu ổn định cuộc sống người dân, thiệt hại ở vùng bị thiên tai còn rất lớn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện thật tốt công tác khắc phục hậu quả thiên tai, giúp nhân dân vùng bị thiệt hại bởi thiên tai khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia lớn là đối tác quan trọng của Việt Nam và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến thương mại, du lịch và đầu tư.
Trong nước, sản xuất công nghiệp tăng, nhưng chậm lại so với tháng trước; dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phục hồi chậm. Mặc dù còn khó khăn, thách thức, nhiều cơ hội vẫn đang rộng mở để Việt Nam có thể nắm bắt, vươn lên.
Các cân đối vĩ mô quan trọng được giữ vững tạo điều kiện tốt để tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế. Các hiệp định EVFTA và RCEP là thời cơ tốt để thúc đẩy thương mại. Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án nối lại hoạt động thương mại, đầu tư.
Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết 01 - một nghị quyết quan trọng của năm 2021.