Đừng để doanh nghiệp mất đơn hàng vì chậm chuyển đổi năng lượng xanh
Nhìn từ thách thức lớn của ngành dệt may trong năm 2024 sắp đến đối với việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xanh cho xuất khẩu, để thấy đó cũng là thách thức chung cho các nhà sản xuất trong nước. Nguy cơ mất đơn hàng sẽ luôn hiển hiện trong tương lai nếu như các doanh nghiệp chậm hành động để đáp ứng yêu cầu này và thiếu đi sự hỗ trợ cần thiết từ khâu chính sách.
Mục tiêu đưa ra mới đây từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) là trong năm 2024 sắp đến kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may có thể sẽ đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.
Nhìn từ thách thức của ngành Dệt may
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như vậy không phải là điều dễ dàng trong bối cảnh ngành hàng chủ lực này sẽ phải tiếp tục đối mặt một trong những thách thức là xu hướng xanh hóa trong sản xuất, nhất là vấn đề chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để tìm cơ hội trong thách thức, một trong những vấn đề mà ngành Dệt may Việt Nam cần giải quyết là đầu tư tái tạo nhà máy bằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện.
Cần lưu ý, ngành sản xuất dệt may ở Việt Nam đang chi khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho tiêu thụ năng lượng và chiếm khoảng 8% nhu cầu năng lượng của toàn bộ ngành công nghiệp, phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Trong khi đó, hơn 80% doanh nghiệp (DN) dệt may vừa và nhỏ đang thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh. Và nếu cứ tiếp tục chậm chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thì các DN Việt ở ngành hàng này sẽ khó tránh khỏi việc tiếp tục rơi vào cảnh mất đơn hàng vào tay các đối thủ mạnh ở nước ngoài khi họ đã nhanh chân hơn trong việc này.
Theo TS. Bùi Duy Tùng - một chuyên gia về kinh tế quốc tế, trong thời gian tới, việc chuyển dịch theo hướng bền vững, sử dụng năng lượng xanh trong ngành Dệt may của Việt Nam không chỉ là xu hướng, mà là một yêu cầu bắt buộc.
Chính vì vậy, ông Tùng nhấn mạnh phía Vitas cần hỗ trợ các DN dệt may trong việc tiếp cận các nguồn tài chính và công nghệ cần thiết để chuyển đổi thành công. Hơn nữa, việc hỗ trợ từ Chính phủ là vô cùng quan trọng cho phép DN dệt may đầu tư vào công nghệ mới và thiết bị cần thiết cho sản xuất bền vững.
Thực ra, để chuyển đổi sang năng lượng xanh, thời gian vừa qua đã có một số nhà sản xuất dệt may nội địa tiên phong lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng để ưu tiên sử dụng năng lượng sạch. Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng bài toán tài chính vẫn là một thách thức với nhiều DN sử dụng năng lượng xanh.
Cũng nên biết, không chỉ ngành Dệt may mà các ngành sản xuất chủ lực khác của Việt Nam sẽ bị áp dụng hạn mức giảm thải từ năm 2026 khi muốn XK sang thị trường EU, Mỹ, Nhật và một số quốc gia khác. Cho nên, việc sử dụng điện mặt trời mái nhà được đánh giá là nguồn điện xanh, sạch để các DN trong nước có thể triển khai nhanh nhằm đáp ứng các tiêu chí sản xuất xanh cho XK.
Cần tham khảo thêm một nghiên cứu công bố gần đây của nhóm nghiên cứu tại Đại học RMIT đã khảo sát 437 nhà sản xuất tại bảy quốc gia. Nghiên cứu chỉ ra rằng nỗ lực XK mang lại cho các DN cách tiếp cận chủ động trong việc giải quyết áp lực xanh từ khách hàng và mở lối cho các biện pháp bền vững tốt hơn.
Cam kết cần đi đôi với hành động
Giới chuyên gia cho rằng tại Việt Nam, với các nhà sản xuất lớn, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tiềm lực tài chính mạnh thì họ có nhiều điều kiện hơn trong việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh. Còn với các nhà sản xuất vừa và nhỏ với tiềm lực tài chính mỏng thì việc chuyển đổi này không hề dễ dàng, điều đó càng làm tăng nguy cơ mất đơn hàng đối với họ khi mà thị trường nhập khẩu ngày càng đòi hỏi cao về yếu tố này.
Trong việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh, các nhà sản xuất của Việt Nam có lẽ cũng nên tham khảo các DN FDI. Đơn cử như trong tháng 12/2023, nhà máy Bosch Việt Nam (100% vốn của Đức) tại huyện Long Thành (Đồng Nai) đã khánh thành hệ thống năng lượng mặt trời trên mái của nhà máy với công suất 1.540 kWp nhằm cung cấp năng lượng xanh cho quá trình sản xuất.
Việc lắp đặt thành công hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời tại nhà máy này sẽ tạo ra khoảng 2.300 MWh năng lượng sạch hàng năm và giảm 1.630 tấn khí thải CO2. Mức giảm này tương đương với khoảng 30.000 cây xanh được gieo trồng hàng năm.
Ông Andreas Abbing - Phó Chủ tịch, Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy Bosch Việt Nam, cho rằng các giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường, như việc sử dụng năng lượng mặt trời trên cho nhà máy sản xuất, là nền tảng cho sự thành công của DN.
“Mục tiêu của chúng tôi là giảm thiểu và tối ưu hóa lượng điện tiêu thụ trong quy trình sản xuất tại nhà máy, nỗ lực đạt mức trung hòa CO2 hiệu quả với các giải pháp sáng tạo khác nhau”, ông Abbing chia sẻ.
Trong vấn đề chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, Giáo sư Bob Baulch (Đại học RMIT) nhấn mạnh các nhà sản xuất của Việt Nam nên tiến tới tạo ra nhiều năng lượng tái tạo hơn nữa.
“Dẫu cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam là động thái đáng khen ngợi và hiện đã được đưa vào luật, nhưng cam kết này cần đi đôi với hành động từ phía các nhà sản xuất trong nước”, ông Baulch chia sẻ.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào các nhà máy điện chạy bằng khí đốt về trung hạn ở Việt Nam được cho là vẫn còn nặng nề. Trong khi đó, thời gian qua có nhiều DN than phiền về việc gặp khó khăn do chính sách cũng như thủ tục đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống điện mặt trời.
Giới chuyên gia lưu ý tại các bản dự thảo chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà của Bộ Công Thương hướng tới quy định đối tượng được phép lắp đặt điện mặt trời mái nhà tập trung vào hộ gia đình, cá nhân và cơ sở hành chính công. Trong khi đó, khu vực sản xuất vốn có quy mô diện tích mái để lắp đặt, công suất tiêu thụ điện của phụ tải lớn thì các dự thảo hiện chưa đưa vào đối tượng và phạm vi điều chỉnh của chính sách.
Chính vì vậy, trong năm 2024 sắp đến, để tránh nguy cơ luôn hiển hiện trong tương lai khi các nhà sản xuất trong nước phải chịu cảnh mất đơn hàng vì thiếu đáp ứng tiêu chuẩn xanh (trong đó có chuyển đổi sang năng lượng xanh) thì rất cần tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho các DN chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh.