Đừng để hàng giả, hàng nhái có đất “diễn”

Theo Hữu An/thoibaonganhang.vn

Đại diện Cục Quản lý thị trường nhận định, sự bùng nổ của Internet, di động và mạng xã hội cũng khiến cho gian thương bán hàng giả, hàng nhái từ các cửa hàng trước đây tìm cách tiêu thụ trên online một cách hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cuối tháng 4/2019 vừa qua, cơ quan chức năng đã đồng loạt ra quân kiểm tra 5 điểm bán hàng và kho chứa của hai website thương mại điện tử (TMĐT) là menshop79.com và menshopfashion.com. Gần 2.000 sản phẩm thời trang và phụ kiện mang nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermers, Versace, Burberry… bị cho là hàng giả đã được thu giữ. Hai website này có doanh số khủng lên đến hơn 20 tỷ đồng. Trên thực tế, không ít người tiêu dùng chấp nhận mua hàng giả, hàng nhái thương hiệu với giá rẻ để sử dụng như một thứ thời trang, trang sức một lần rồi bỏ.

Đại diện Cục Quản lý thị trường nhận định, sự bùng nổ của Internet, di động và mạng xã hội cũng khiến cho gian thương bán hàng giả, hàng nhái từ các cửa hàng trước đây tìm cách tiêu thụ trên online một cách hiệu quả hơn.

Một kết quả nghiên cứu mới đây được công bố cũng cho thấy: Bán hàng qua mạng xã hội (facebook, zalo, instagram) dù nhiều hàng giả và hàng nhái nhưng vẫn đạt hiệu quả đến 45%, trong khi với website TMĐT là 32% và ứng dụng di động chỉ đạt 22%. Gần đây trong lĩnh vực TMĐT đã xuất hiện tình trạng đánh giá tốt, đánh giá 5 sao giả (fake) đối với các hàng hóa bán trên mạng. Điều này được thực hiện qua thủ thuật seeding tự thực hiện hoặc được cung cấp từ bên thứ ba nhằm thu hút người mua.

Những đánh giá giả này khiến người tiêu dùng cả tin dễ bị lừa. Theo nghiên cứu, có tới 97% người mua hàng tham khảo hàng hóa thông qua các đánh giá trực tuyến, và các đánh giá trực tuyến có tác động tích cực giúp nâng tỷ lệ bán hàng lên gấp nhiều lần.

Để giải quyết tình trạng này phải giải quyết triệt để từ gốc, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã triển khai thiết lập đường dây nóng, đồng thời tổ chức tiếp nhận các đơn, thư phản ánh của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, tiếp tay, bảo kê của các cá nhân, đơn vị thuộc các lực lượng chức năng.

Trung bình mỗi tháng đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tiếp nhận từ 150 đến 200 cuộc điện thoại, khoảng 15 đến 20 thư nhận qua địa chỉ thư điện tử và 10 đến 15 đơn thư phản ánh trực tiếp gửi đến Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia.

Nhận thức được công tác cán bộ đóng vai trò quan trọng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hiện nay, bộ máy Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo một số bộ, ngành chức năng xuống đến 63 tỉnh thành đều đã được kiện toàn với sự tham gia của các lực lượng chức năng chính như: Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thanh tra chuyên ngành.

Các Ban chỉ đạo 389 đa phần đều có bộ phận thường trực giúp việc là lực lượng chức năng để thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tại địa bàn phụ trách. Tuy nhiên, để vấn nạn hàng giả hàng nhái không có “đất diễn” thì biện pháp truyền thông, thông tin cho người tiêu dùng hiểu, đề phòng và nói không với chúng mới là triệt để?