Đừng để “tiền treo cột mỡ”!
Theo các chuyên gia, các Hiệp hội ngành hàng, quỹ bảo lãnh tín dụng cần nhanh chóng vào cuộc để bảo lãnh cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này…
Chật vật tiếp cận gói tín dụng
Tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nâng quy mô gói hỗ trợ tín dụng lên 300.000 tỷ đồng. Đó quả là một tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp vốn đang phải vật lộn với nhiều khó khăn do dịch COVID-19.
Không vui sao được khi mà theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, 20 tổ chức tín dụng đã tham gia gói hỗ trợ tín dụng này (chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế) đều cam kết giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch; thậm chí có ngân hàng còn công bố giảm lãi suất cho vay tới 4,5%/năm.
Thế nhưng, dù triển khai đã được hơn 1 tháng, song nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh khó tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng do không có tài sản đảm bảo, khó chứng minh thiệt hại cũng như dòng tiền trả nợ trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Điển hình trong số này là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ăn uống (F&B) hay các doanh nghiệp lữ hành, bởi đa phần mặt bằng đều là đi thuê nên không thể đưa ra làm tài sản thế chấp; còn dòng tiền trả nợ cũng rất khó chứng minh do nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì dịch bệnh.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) diễn ra mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Nafoods cho biết, khó khăn nhất của doanh nghiệp là vốn, vì khách hàng muốn trả chậm; nông dân, nhà cung cấp muốn lấy tiền ngay. Bởi vậy khi Chính phủ công bố gói hỗ trợ tín dụng, doanh nghiệp rất phấn khởi. “Nhưng đến làm việc tại các ngân hàng thì mọi việc không đơn giản. Nhân viên ngân hàng lo ngại nợ xấu nên làm khắt khe hơn, thậm chí không dám cho vay”, ông Hùng cho biết và thông tin thêm, nhiều chủ doanh nghiệp là bạn bè của ông phải vay nóng bên ngoài bởi chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, trong khi lãi suất cho vay ngoài rất cao, 1 triệu đồng mà lãi lên tới 3.000 đến 5.000 đồng/ngày.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch VIDA, Chủ tịch tập đoàn FPT cũng chỉ ra thực trạng hiện nay các ngân hàng đang trong tình trạng “không biết cấp vốn cho ai vì đều là nguy hiểm”, nhất là khi dịch bệnh vẫn đang phức tạp.
Gỡ vướng bằng cách nào?
Theo các chuyên gia, cũng khó trách được các ngân hàng, bởi gói tín dụng 300.000 tỷ đồng không phải là gói hỗ trợ từ nguồn ngân sách, mà từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng. Bởi vậy, việc cho vay ra sao, cho vay bao nhiêu, điều kiện thế nào đều tùy thuộc vào năng lực tài chính và khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng.
Bản thân NHNN cũng không khuyến khích các ngân hàng nới lỏng điều kiện tín dụng do lo ngại nợ xấu tăng. Trên thực tế, NHNN cũng đang bơm tiền với lãi suất thấp qua thị trường mở (lãi suất chỉ 3,5%/năm), song các ngân hàng hấp thụ rất ít, cho thấy các ngân hàng chưa có nhu cầu. Ngay cả tái cấp vốn với lãi suất thấp cũng chỉ giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, song các ngân hàng chỉ được vay tái cấp vốn tối đa 60% tổng dư nợ gốc của các khoản cho vay trong bảng kê hồ sơ tín dụng để tái cấp vốn. Hơn nữa, khi cho vay từ nguồn tái cấp vốn, các ngân hàng lại cẩn trọng hơn vì nếu các doanh nghiệp không trả được nợ, thì ngân hàng rất có thể sẽ bị kiểm soát đặc biệt.
TS.Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, để giải ngân cho các doanh nghiệp theo gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, các TCTD phải xem xét rất kỹ về năng lực trả nợ của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hiện nay nhiều doanh nghiệp đã suy kiệt vì dịch COVID-19. Những doanh nghiệp có sức khỏe yếu hoặc không chứng minh được dòng tiền trả nợ, thì chắc chắn không thể tiếp cận được gói tín dụng này.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu cứ để các ngân hàng và doanh nghiệp tự xử lý, rất dễ dẫn tới tình trạng “tiền treo cột mỡ” khi mà doanh nghiệp không thể tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng vì điều kiện quá khó khăn. Để giải quyết được tình trạng này, rất cần có những “nhịp cầu nối” để đưa doanh nghiệp lại gần với ngân hàng, lại gần với gói hỗ trợ tín dụng, đó chính là các Hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển…
Ông Trương Gia Bình cho biết, Hiệp hội VIDA sẽ tích cực làm việc với các ngân hàng để thúc đẩy việc cấp vốn cho các doanh nghiệp hội viên trong thời gian tới, thông qua vai trò hiệp hội để tháo gỡ khó khăn cho các bên.
Còn với các ngân hàng cũng nên linh hoạt hơn với điều kiện cho vay vốn, đặc biệt có thể cho doanh nghiệp sử dụng hàng tồn kho hoặc các khoản phải thu để đảm bảo cho các khoản vay.
TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhiều ngân hàng tại Việt Nam hoạt động chẳng khác nào tiệm cầm đồ, cho vay dựa trên tài sản thế chấp. “Các ngân hàng nên tăng cường cho vay tín chấp dựa trên phương án sản xuất kinh doanh, dòng tiền, khoản phải thu, hàng tồn kho của doanh nghiệp. Điều này đã được thực hiện khá phổ biến ở nhiều nước, đặc biệt ở Mỹ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.