Đừng lơ là việc bảo mật thông tin cá nhân
Cơ quan công an vừa triệt phá đường dây lừa đảo qua mạng. Bằng thủ thuật sử dụng thông tin cá nhân của nhiều nạn nhân ở các tỉnh thành trong cả nước, băng nhóm tội phạm này đăng nhập vào website của các ngân hàng rồi thực hiện lệnh chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản nạn nhân, chiếm đoạt tổng cộng hơn 117 tỷ đồng.
Để phòng tránh trở thành nạn nhân của những kẻ tội phạm như vậy, mọi người càng phải chú trọng việc bảo mật thông tin cá nhân.
Trong thời đại toàn cầu hóa, việc kết nối, tương tác trên mạng xã hội ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, rất ít người sử dụng Internet tại Việt Nam quan tâm đến việc bảo mật thông tin cá nhân. Sự dễ dãi của nhiều người khi đưa thông tin cá nhân lên mạng khiến thông tin của họ có nhiều nguy cơ bị khai thác.
Theo báo cáo thị trường ứng dụng điện thoại di động tại Việt Nam do Công ty Appota công bố, 76% người tiêu dùng Việt Nam hiểu việc bảo vệ dữ liệu và bảo mật thông tin cá nhân là vô cùng quan trọng, thế nhưng lại có đến 82% số người được hỏi sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân để được nhận quà tặng khuyến mãi.
Theo các chuyên gia của công ty bảo mật Kaspersky Lab Việt Nam, nghiên cứu gần đây của Kaspersky Lab trên thế giới và tại Việt Nam đã chỉ ra rằng 32,3% người dùng không biết cách tự bảo vệ quyền riêng tư của mình khi trực tuyến.
Vấn đề này xảy ra đối với người dùng thường xuyên chia sẻ thông tin cá nhân, các vấn đề riêng tư trên mạng xã hội mà bỏ qua những rủi ro, đe dọa về bảo mật thông tin cá nhân. Việc lơ là cảnh giác, thái độ xem nhẹ đối với quyền bảo mật riêng tư có thể khiến người dùng dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm mạng.
Thực tế cho thấy, nhiều người vẫn chưa coi trọng việc bảo mật thông tin cá nhân khi tự nguyện khai báo hoặc hiển thị đầy đủ thông tin của mình trên các mạng xã hội, từ ngày tháng năm sinh, quê quán, email, số điện thoại liên lạc, nơi làm việc, lẫn các mốc thời gian từ năm nào đến năm nào học tập, làm việc ở đâu…
Nhiều người chưa ra đến sân bay đã chụp ảnh vé máy bay post lên facebook, thông báo cho cả thế giới biết mình sẽ đi đâu, trên chuyến bay nào, lúc mấy giờ, và siêng năng check-in tại từng điểm đến với mốc thời gian cụ thể. Không ít người dễ dàng cung cấp quyền truy cập danh bạ cá nhân trong smartphone cho các ứng dụng trôi nổi trên mạng.
Gần đây, ứng dụng FaceApp với tính năng chuyển giới trên hình ảnh của người dùng đang được nhiều người tải về sử dụng, mà không hay rằng để tải ứng dụng về thì mình phải đồng ý điều khoản trao quyền cho ứng dụng sử dụng hình ảnh, nội dung mình tạo ra, thậm chí để nhằm mục đích thương mại. Phần lớn các công ty công nghệ và viễn thông đều tuyên bố họ luôn hướng đến lợi ích cao nhất cho khách hàng và minh bạch trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân.
Tuy nhiên, đa số người dùng không chịu khó tìm hiểu cặn kẽ, thường bỏ qua những điều khoản trao quyền cho ứng dụng, cứ nhanh tay click vào ô “Tôi đồng ý với các điều khoản trên”, để rồi đã tự “bán mình” cho chính nhà phát hành hoặc bên thứ ba nào đó, mà không hề lường hết những hậu quả có thể xảy ra. Các trang mạng xã hội thường yêu cầu người dùng nhập nhiều thông tin về bản thân để tiện lợi cho việc tìm kiếm và kết nối với các thành viên khác, và đó chính là cách họ xác định, theo dõi các hoạt động mà người dùng không hề hay biết.
Do vậy, mỗi người cần ý thức hơn nữa đến việc bảo mật thông tin cá nhân của bản thân cũng như gia đình mình trong mọi nơi, mọi lúc khi kết nối Internet hặc sử dụng các mạng xã hội. Cụ thể như tránh kết bạn với những người lạ, không trả lời tin nhắn có dấu hiệu đáng ngờ được gửi đến trên Facebook, Viber, Zalo…
Rà soát các nhóm đã tham gia trên mạng xã hội và rời khỏi những nhóm không cần thiết. Tuyệt đối không click, nhấp vào đường dẫn lạ. Khi giao dịch trực tuyến, cần kiểm tra website đó có an toàn hay không, hãy để ý đến tên miền. Hạn chế tham gia các trò chơi trên mạng xã hội có yêu cầu xác thực hay kiểm tra thông tin cá nhân quá nhiều lần.