Đường đến đặc khu
Đó là con đường rất dài và rất xa ở Việt Nam. Có lẽ, sau khi Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo tồn tại từ năm 1979 - 1991 được giải thể, con đường đến đặc khu kinh tế ở nước ta đã kéo dài hơn một phần tư thế kỷ chủ yếu là do chưa nhận thấy hoặc chưa chấp nhận tính tất yếu của sự khác biệt và vượt trội trong tiến trình phát triển chung.
Lúc đó, chúng tôi cứ nghĩ rằng, thực thi Hiến pháp mới, nước ta sẽ sớm có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hay là đặc khu kinh tế như thế giới vẫn thường gọi. Nhưng không ngờ, con đường đến đặc khu kinh tế của chúng ta dài và xa hơn ¼ thế kỷ. Có thể nói trong thời gian đó, quy định của Hiến pháp về đặc khu kinh tế hầu như bị lãng quên trong tổ chức thực hiện nên không đi vào cuộc sống, mặc dù vẫn được nêu trong nhiều văn kiện của Đảng.
Trong khi đó, từ năm 1942, đặc biệt là từ năm 1960, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã có khoảng 4.500 đặc khu kinh tế; Trung Quốc từ năm 1980 đến nay đã có 7 đặc khu kinh tế, chưa kể các khu thương mại tự do; đặc khu kinh tế của Triều Tiên được thành lập năm 1991; Myanmar từ năm 2010 cũng đã triển khai xây dựng các đặc khu kinh tế...
Có lẽ, sau khi Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo tồn tại từ năm 1979-1991 được giải thể, con đường đến đặc khu kinh tế đã kéo dài như vậy chủ yếu là do chúng ta chưa nhận thấy hoặc chưa chấp nhận tính tất yếu của sự khác biệt và vượt trội trong tiến trình phát triển chung.
Công bằng mà nói, nhiều địa phương xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu phát triển, đã chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương tìm tòi, đề xuất để có thể áp dụng các mô hình mới. Bắt đầu từ Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh (năm 1996); KKT cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh; KKT cửa khẩu, sau này là Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, Quảng Trị (năm 1998), đến nay 21/25 tỉnh có biên giới đất liền đã có 26 KKT cửa khẩu.
Đồng thời, từ khi Quảng Nam được thành lập KKT đầu tiên - KKT mở Chu Lai (năm 2003) đến năm 2016, số lượng KKT ven biển đã lên tới 16, trong đó KKT mở Chu Lai từng có dáng dấp của một đặc khu kinh tế và KKT Dung Quất, Quảng Ngãi từng được đề xuất chuyển thành thành phố mở.
Thế nhưng, kết quả hoạt động của nhiều KKT cửa khẩu và KKT ven biển không như kỳ vọng, rất trồi sụt, thậm chí có nguy cơ thất bại do đầu tư dàn trải, không thu hút đủ nguồn lực, thiếu đột phá, khác biệt về thể chế hành chính và chưa có các chính sách thực sự vượt trội.
Cách đây khá lâu, khi làm việc với các đồng chí có trách nhiệm ở địa phương có KKT trọng điểm nhưng đang bị vướng mắc về cơ chế, chính sách, tôi có nêu vấn đề tại sao không đề xuất với Trung ương cho chuyển thành đặc khu kinh tế theo quy định của Hiến pháp để được Quốc hội cho hưởng các cơ chế, chính sách đặc biệt.
Lúc đó có đồng chí tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết Hiến pháp năm 1992 có quy định này, đồng chí khác thì cho thấy sự lúng túng trước một mô hình phát triển đặc biệt như vậy và e ngại phải mất nhiều thời gian, thủ tục mới trình ra được Quốc hội. Mà Quốc hội thì chưa có Luật hoặc Nghị quyết cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về đặc khu kinh tế.
Cho đến năm 2012, tỉnh Quảng Ninh mời được một nhà đầu tư nước ngoài cực lớn đến bàn việc đầu tư vào Vân Đồn, nơi tỉnh đề xuất thành lập đặc khu kinh tế. Theo các đồng chí ở tỉnh kể lại, cuộc gặp chỉ diễn ra trong 5 phút do lúc đó, tỉnh không trả lời được 4 câu hỏi đồng thời là 4 điều kiện tiên quyết phải có để thành lập đặc khu kinh tế.
Đó là, liệu đặc khu kinh tế Vân Đồn có được điều chỉnh bằng Luật riêng; đã có quy hoạch đặc khu kinh tế tầm quốc gia hay chưa; hạ tầng giao thông - đường cao tốc và cảng hàng không quốc tế có được xây dựng không; và người đứng đầu chính quyền đặc khu kinh tế có đủ thẩm quyền thay mặt Chính phủ giải quyết các vấn đề của nhà đầu tư hay không?
Để trả lời cho bằng được các câu hỏi nêu trên của nhà đầu tư nước ngoài, cũng là để đề xuất với Trung ương cho thành lập đặc khu kinh tế, anh Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức Trung ương lúc đó là Bí Thư tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo và cùng các cơ quan của tỉnh quyết liệt xây dựng Đề án thành lập Đặc khu kinh tế Vân Đồn và Đặc khu kinh tế Móng Cái. Anh đã cùng các đồng chí ở Quảng Ninh lên làm việc, trực tiếp thuyết trình, thuyết phục các cơ quan Trung ương, trong đó có các cơ quan của Quốc hội.
Đây có thể nói là bước đi đột phá tiên phong của Quảng Ninh vì lần đầu tiên sau 20 năm, kể từ khi Hiến pháp năm 1992 được ban hành mới có một địa phương chính thức đề xuất áp dụng quy định của Hiến pháp để thành lập đặc khu kinh tế. Cùng với Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang cũng tích cực đề xuất thành lập Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Mặc dầu vậy, phải mất thêm 5 năm nữa, chính xác là đến ngày 10/10/2017, trên cơ sở Thông báo kết luận số 21/TB/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị, Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, được chuẩn bị từ năm 2014 mới chính thức được Chính phủ trình ra Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV với quyết tâm và hy vọng sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5-6/2018) cùng với các Nghị quyết của Quốc hội thành lập 3 đặc khu kinh tế: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Vậy là qua hơn 25 năm, trong khi thế giới đã có các đặc khu kinh tế thế hệ mới, bước vào ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 thì Việt Nam mới chuẩn bị thành lập 3 đặc khu kinh tế đầu tiên.
Mong rằng, Hiến pháp năm 2013 đã tạo không gian rộng mở để tiếp tục cải cách, đổi mới đất nước, Quốc hội sẽ ban hành Luật, cho phép thiết kế 3 đặc khu kinh tế với cơ cấu, mô hình tổ chức chính quyền, thể chế hành chính đột phá, khác biệt và các chính sách vượt trội, lan tỏa, tận dụng được lợi thế của người đi sau, để có thể mời gọi được đúng người, đúng nghề đến đầu tư, kinh doanh tại các Đặc khu, sánh vai với các đặc khu kinh tế đẳng cấp cao, thế hệ mới trên thế giới, thế hệ 4.0.
Nền kinh tế Việt Nam đã bỏ qua nhiều cơ hội đáng tiếc. Con đường đến đặc khu kinh tế không thể kéo dài hơn được nữa. Và giờ đây, vai trò, trách nhiệm thuộc về Quốc hội của chúng ta.