Duy nhất Luật Quản lý nợ công có các văn bản hướng dẫn cùng hiệu lực thi hành với Luật

PV.

Thông tin trên được ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2018, triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước năm 2019 của Bộ Tài chính.

Luật Quản lý nợ công là luật duy nhất mà các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành, đồng thời với thời điểm hiệu lực của Luật. Nguồn: internet
Luật Quản lý nợ công là luật duy nhất mà các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành, đồng thời với thời điểm hiệu lực của Luật. Nguồn: internet

Theo ông Trương Hùng Long, một trong những điểm nhấn trong lĩnh vực quản lý nợ và tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính năm 2018 là việc triển khai Luật Quản lý nợ công đi vào cuộc sống trong khoảng thời gian ngắn nhất.

Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 được ban hành, thay thế Luật Quản lý nợ công năm 2009 nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quản lý nợ công an toàn, bền vững, hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới. Luật được đánh giá có những thay đổi cơ bản về thống nhất chức năng huy động vốn vay nợ công; Tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý nợ công.

Ông Long cho biết, Luật Quản lý nợ công năm 2017 được thông qua ngày 23/11/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Thời gian từ khi thông qua cho đến thời điểm hiệu lực chỉ 7 tháng. Với mục tiêu triển khai kịp thời, đồng bộ các quy định của Luật Quản lý nợ công, ngay khi Luật có hiệu lực, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo Chính phủ xác định các văn bản hướng dẫn theo 7 nhóm vấn đề gồm: Các nghiệp vụ quản lý nợ công; Phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch các công cụ nợ của Chính phủ; Quản lý huy động vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; Hướng dẫn đối với công tác cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ; Công tác cấp và quản lý bảo lãnh của Chính phủ; Quản lý nợ của chính quyền địa phương; Quản lý Quỹ tích lũy trả nợ.

Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, Bộ Tài chính đã hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công năm 2017, bảo đảm chất lượng, đúng yêu cầu. Trước đó, các dự thảo Nghị định được soạn thảo, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và các chuyên gia trong nước, nước ngoài, được tiếp thu, giải trình theo đúng quy định của pháp luật.

Ngay sau khi Luật và các văn bản có hiệu lực, Bộ Tài chính đã tổ chức triển khai phổ biến luật tới các đối tượng có liên quan thông qua các hình thức hội thảo phổ biến với các cơ quan trong nước, các tổ chức, nhà tài trợ nước ngoài, xây dựng, tuyên truyền và phổ biến các tài liệu giới thiệu luật và các văn bản hướng dẫn.

Với nỗ lực của Bộ Tài chính, việc tổ chức triển khai thi hành Luật Quản lý nợ công năm 2017 đã bước đầu đạt kết quả tích cực với việc triển khai thực hiện đồng bộ các văn bản hướng dẫn Luật ngay từ thời điểm Luật có hiệu lực. "Luật Quản lý nợ công là luật duy nhất mà các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành, đồng thời với thời điểm hiệu lực của Luật." - ông Long nhấn mạnh.