EP đặt điều kiện cho việc phê chuẩn kế hoạch ngân sách dài hạn của EU

Theo Đức Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Ngày 27/8, Nghị viện châu Âu (EP) khẳng định điều kiện tiên quyết để phê chuẩn kế hoạch ngân sách tài chính dài hạn là nó phải tuân thủ nguyên tắc Nhà nước Pháp quyền.

EP đặt điều kiện cho việc phê chuẩn kế hoạch ngân sách dài hạn của EU.
EP đặt điều kiện cho việc phê chuẩn kế hoạch ngân sách dài hạn của EU.

Vào thời điểm khởi động lại đàm phán cho việc phê chuẩn kế hoạch ngân sách tài chính dài hạn của EU (CFP) giai đoạn 2021-2027, ngày 27/8, Nghị viện châu Âu (EP) khẳng định điều kiện tiên quyết để phê chuẩn thỏa thuận này là nó phải tuân thủ nguyên tắc Nhà nước Pháp quyền.

Chủ tịch các nhóm đảng bảo thủ (đảng Nhân dân châu Âu), đảng Xã hội-Dân chủ, đảng Trung dung (Renew) và đảng Xanh vừa cùng gửi bức thư cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen và Thủ tướng Đức Angela Merkel, nêu rõ điều kiện để thỏa thuận về CFP của EU được thông qua cần phải tuân thủ nguyên tắc Nhà nước Pháp quyền.

Thông báo này được đưa ra ngay tại thời điểm các nhà đàm phán của EP gặp gỡ các đại diện của Ủy ban châu Âu và Đức - nước đang nắm chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu.

Thỏa thuận về CFP giai đoạn 2021-2027 và Kế hoạch ngân sách hồi phục nền kinh tế sau khủng hoảng COVID-19 (Next Generation EU) đã được lãnh đạo các quốc gia thành viên EU thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 21/7 vừa qua, song thỏa thuận này vẫn phải được Hội đồng Liên minh châu Âu và EP phê chuẩn mới có thể thực thi.

Việc phê chuẩn CFP và thực thi "Next Generation EU" là đặc biệt cấp bách đối với EU trong bối cảnh hiện nay, khi mà các nền kinh tế của các quốc gia thành viên EU đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng chưa từng có do đại dịch COVID-19.

Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sự sụt giảm mạnh tổng GDP của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ở mức 7,5%, đây là kịch bản tương tự và thậm chí nghiêm trọng hơn, đã từng xảy ra năm 2008, theo đó tiêu dùng của EU bị sụt giảm tới 24 tỷ USD trong 6 năm sau đó.