EU đạt thoả thuận mang tính bước ngoặt về cải cách thị trường carbon
Nhằm thúc đẩy các nỗ lực giảm phát thải toàn cầu, Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã đạt được thoả thuận về cải cách thị trường carbon. Thoả thuận này được đánh giá mang tính chất lịch sử vì nó vốn được xem là công cụ chính sách chủ chốt của khối trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Thị trường carbon là gì?
Thị trường carbon là thị trường mua bán quyền phát thải, hoạt động dựa trên việc trao đổi hạn ngạch khí thải. Theo đó, các tổ chức và doanh nghiệp có lượng phát thải lớn phải trả tiền để mua quyền phát thải, ngược lại nếu các tổ chức, doanh nghiệp có mức phát thải thấp có thể thu được nguồn lợi tài chính. Nói cách khác, thị trường carbon hoạt động dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, từ đó tạo động lực để các doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư vào công nghệ sạch, ít phát thải.
Được hình thành từ năm 2005, thị trường carbon của EU là thị trường mua bán quyền phát thải đầu tiên và lớn nhất thế giới. Với sự tham gia của tất cả các thành viên EU và 3 nước châu Âu khác, thị trường carbon EU giới hạn phát thải từ hơn 11.000 nhà máy sản xuất năng lượng, nhà máy sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như sắt thép, xi-măng, gốm, giấy và ngành hàng không...
Lượng phát thải trao đổi trên thị trường chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải của EU. Vì vậy, đây được xem là một trong những công cụ quan trọng nhất của EU để ứng phó biến đổi khí hậu, thực thi cam kết trong Nghị định thư Kyoto trước đây và hiện nay là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh EU đặt ra các mục tiêu tham vọng về chống biến đổi khí hậu, yêu cầu cải cách thị trường carbon càng được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
Khí thải CO2 có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại
Tại Hội nghị COP27, báo cáo “Global Carbon Budget” cho thấy, lượng khí thải từ dầu mỏ có thể sẽ tăng hơn 2% so với năm ngoái, trong khi lượng khí thải từ than đá, vốn được cho là đã đạt đỉnh hồi năm 2014, sẽ ghi nhận kỷ lục mới. Các nhà khoa học cũng cho rằng, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, có thể sẽ tăng 1% trong năm 2022, thậm chí có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, có thể sẽ tăng 1% trong năm 2022, thậm chí có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại. Lượng khí thải CO2 toàn cầu từ tất cả các nguồn phát thải, bao gồm cả nạn phá rừng, sẽ đạt 40,6 tỷ tấn, chỉ thấp hơn không đáng kể so với mức kỷ lục được ghi nhận vào năm 2019. Khoảng 90% trong lượng này là kết quả của việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Tính đến thời điểm hiện tại, mức tăng nhiệt 1,2 độ C đã gây ra nhiều kiểu thời tiết khắc nghiệt hơn, như các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và các cơn bão nhiệt đới với sức tàn phá khủng khiếp. Đồng thời, việc giảm lượng khí thải đủ nhanh để đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris là “giữ mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp” là điều không hề dễ dàng.
Bên cạnh đó, báo cáo tại Hội nghị COP27 vừa qua cũng cho thấy, lượng khí thải trong năm nay tại Mỹ sẽ tăng 1,5%, tại Ấn Độ là 6%. Đây là nước phát thải lớn thứ hai và ba trên thế giới. Còn tại Trung Quốc, lượng khí thải CO2 có khả năng giảm 0,9% do chính sách Zero-Covid ” và khí thải của châu Âu cũng giảm nhẹ.
Bước tiến mới trong việc cải cách thị trường carbon
Theo Reuters, các nước thành viên EU vừa đạt được thỏa thuận lịch sử về việc cải cách thị trường carbon. Theo đó, các nhà đàm phán nhất trí nâng mục tiêu cắt giảm khí thải của các ngành trong Hệ thống Thương mại khí thải châu Âu lên 62% vào năm 2030. EU sẽ thiết lập một quỹ xã hội vì hành động khí hậu nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương nhất trong việc đối phó tác động từ thị trường mua bán tín chỉ phát thải.
Thoả thuận lần này được đánh giá là bước đi mạnh mẽ trong cải cách thị trường carbon của EU, các quốc gia thành viên nhất trí thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo đó đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường của khối dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất. Mục đích của khoản thuế này là nhằm bảo vệ ngành công nghiệp châu Âu trước sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ được sản xuất tại các quốc gia có các quy định về môi trường lỏng lẻo hơn, dự kiến sẽ triển khai thí điểm CBAM từ tháng 10.2023.
Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu (EP) Pascal Canfin nhấn mạnh, EU là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu. EU đã thảo luận vấn đề này trong hơn 20 năm qua và đây là một thỏa thuận lịch sử về khí hậu. Nghị sĩ châu Âu Mohammed Chahim cũng khẳng định, CBAM sẽ là trụ cột quan trọng trong các chính sách khí hậu của châu Âu, khuyến khích các đối tác thương mại khử carbon trong lĩnh vực sản xuất.
Ban đầu cơ chế đánh thuế carbon sẽ được áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu như thép, xi-măng, phân bón, nhôm, điện và hydro, đây là những lĩnh vực có lượng khí thải carbon cao, chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa, nếu lượng khí thải này vượt tiêu chuẩn của EU, họ sẽ phải mua chứng chỉ khí thải theo mức giá carbon hiện hành tại EU. CBAM cũng sẽ được áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có quy trình sản xuất gián tiếp phát thải ra môi trường. Ðể đẩy nhanh công cuộc cải cách nhằm cắt giảm khí thải, EU yêu cầu khoảng 10.000 nhà máy điện và nhà máy công nghiệp mua giấy phép phát thải CO2. Một khi thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu được triển khai, EU cũng sẽ cắt giảm và đặt ra lộ trình chấm dứt các giấy phép phát thải CO2 miễn phí mà trước đó đã cấp cho các doanh nghiệp nội khối nhằm tăng sức cạnh tranh trước các công ty nước ngoài.
Mặc dù thoả thuận này được đánh giá cao, nhưng giới chuyên gia đánh giá cũng lo ngại rằng việc đánh thuế carbon sẽ phải đối mặt không ít trở ngại, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn cao cùng xu hướng tăng của dân số toàn cầu, cũng như yêu cầu sử dụng năng lượng để phát triển. Việc đánh thuế carbon có thể gây ra những cản trở nhất định cho các hoạt động kinh tế, vì làm gia tăng chi phí đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Do đó, khi các nước triển khai áp thuế này nhằm giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phải đồng thời có những hỗ trợ, ưu đãi đối với một số lĩnh vực, ngành nghề nhất định để không cản trở phát triển.
Hiện thỏa thuận cải cách thị trường carbon của EU vẫn cần được sự thông qua của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu. Bộ trưởng Môi trường Czech Marian Jurecka nhấn mạnh, thỏa thuận sẽ cho phép EU đáp ứng các mục tiêu về khí hậu trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, đồng thời bảo đảm hỗ trợ hiệu quả cho người lao động và doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương nhất.