EU để ngỏ cánh cửa cho Anh

Theo Quỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

Từ Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đến Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU) Donald Tusk để ngỏ khả năng đón nhận nước Anh trở lại mái nhà chung châu Âu, nếu quyết định về Brexit được thay đổi tại xứ sở sương mù.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Quan điểm này khiến dư luận thế giới và nước Anh bất ngờ, nhất là trong bối cảnh EU và Anh đang tiến hành đàm phán để chính thức cho Brexit diễn ra.
Phát biểu tại Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg, Pháp, ông Juncker nói rằng, EU vẫn mở rộng vòng tay nếu Anh mong muốn tìm giải pháp khác thay cho Brexit. “Anh rời EU theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, nhưng Điều 49 lại cho phép tái gia nhập EU. Tôi muốn chúng ta đối xử với nhau một cách hợp lý và không từ bỏ nhau. Tôi vẫn cảm thấy sự ra đi của nước Anh là một thảm họa, một thất bại mà tất cả chúng ta phải chịu trách nhiệm”.

Bình luận của ông Juncker về khả năng Anh có thể gia nhập lại EU được đưa ra một ngày sau khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định EU vẫn để ngỏ khả năng này nếu Anh muốn thay đổi quyết định. Cùng quan điểm này, ông Donald Tusk nói: “Nếu chính phủ Anh quyết định ra đi, Brexit sẽ trở thành hiện thực - với tất cả những hậu quả tiêu cực của nó - vào tháng 3 năm sau. Tuy nhiên, sự việc sẽ khác đi nếu có sự thay đổi của những người bạn Anh. Chúng tôi vẫn mở cửa đón bạn”.

Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi nhân vật ủng hộ mạnh mẽ Brexit, đồng thời là cựu lãnh đạo đảng Độc lập Anh (UKIP) Nigel Farage bất ngờ đưa ra ý tưởng tổ chức cuộc trưng cầu ý dân mới về Brexit với lập luận cho rằng, một cuộc bỏ phiếu nữa sẽ cho thấy phe ủng hộ “rời EU” tiếp tục chiến thắng và chấm dứt tranh cãi trong nước.

Tuy nhiên, ông Nigel Farage cũng thừa nhận, khả năng kết quả cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6/2016 có thể bị đảo ngược, bởi những người ủng hộ ở lại EU đang chiếm đa số trong Quốc hội.

Trong khi đó, tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Theresa May đã thất bại trong trận chiến Brexit quan trọng đầu tiên của mình, khi các nghị sĩ Công đảng liên minh với 12 thành viên “nổi dậy” trong đảng Bảo thủ thông qua điều khoản sửa đổi yêu cầu có Đạo luật riêng của Quốc hội để thông qua bất cứ thỏa thuận nào được đàm phán với EU.

Điều này có nghĩa là bất cứ kế hoạch Brexit nào gây ra sự phản đối mạnh mẽ cũng có thể được sử dụng để kích hoạt một cuộc trưng cầu ý dân mới.