EU không thể làm ngơ trước bài học Brexit
Đó là cảnh báo mà Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đưa ra ngày 13/9.
Trong thư mời dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) gửi tới 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên (trừ Anh), ông Donald Tusk cho rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu không thể làm ngơ trước bài học về Brexit (Anh rời khỏi EU). Ông đồng thời khẳng định cần giải quyết vấn đề di cư ngay tại Hội nghị thượng đỉnh EU, dự kiến diễn ra ngày 16/9 tại Bratislava (Slovakia), nếu muốn "một châu Âu yên bình".
“Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng, những kết quả tiêu cực trong cuộc trưng cầu dân ý tại Vương quốc Anh chỉ là một vấn đề của riêng Anh”, ông Tusk viết trong bức thư dài 5 trang.
Ông Tusk đánh giá, Brexit phản ánh “một nỗ lực tuyệt vọng của EU trong việc trả lời những câu hỏi mà hàng triệu người châu Âu tự hỏi hàng ngày”.
“Đó là những câu hỏi về vấn đề bảo đảm an toàn công dân, lãnh thổ, câu hỏi về việc bảo vệ lợi ích, di sản văn hóa và cuộc sống của người dân. Đây là những câu hỏi chúng ta sẽ phải đối mặt ngay cả khi Anh có lựa chọn ở lại", ông Tusk nhấn mạnh.
Theo ông Tusk, EU cần phải hành động kiên quyết để bảo vệ công dân của mình trước những nguy cơ khủng bố, an ninh và toàn cầu hóa sau sự kiện nước Anh quyết định rời khỏi EU. Ông Tusk đánh giá, châu Âu đã quá chậm trễ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư và giờ không còn nhiều thời gian cho vấn đề này.
Theo đó, ông Tusk bày tỏ hy vọng, Hội nghị thượng đỉnh EU tại Bratislava sẽ là bước ngoặt trong mọi vấn đề liên quan đến việc bảo vệ đường biên giới bên ngoài EU. Ngoài việc đề xuất những hành động cụ thể nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, Hội nghị Bratislava cũng sẽ vạch lộ trình cho tương lai EU không có Anh.
Hiện EU vẫn đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề xung quanh việc đảm bảo an ninh và lãnh thổ, bảo vệ lợi ích cũng như di sản văn hóa và cuộc sống của người dân. Theo ông Tusk, đây là những vấn đề cần phải giải quyết ngay cả khi cử tri Anh bỏ phiếu ở lại EU.
Ông Tusk cảnh báo, kết quả cuộc trưng cầu tại Anh cho thấy, những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu có thể sẽ kéo phần còn lại của EU "tan rã" nếu các chính phủ không đoàn kết và chứng minh được lợi ích của người dân trong một liên minh thống nhất.