EuroCham đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính
(Tài chính) Tiếp sau cuộc đối thoại ngày 4/10 giữa Bộ Tài chính với các doanh nghiệp (DN) thuộc các tỉnh, thành phía Nam về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2012, ngày 11/10/2012 vừa qua, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Tọa đàm chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan Việt Nam năm 2012. Như rất nhiều lần trước đó, buổi tọa đàm diễn ra trong không khí rất cởi mở và thẳng thắn. Rất nhiều băn khoăn, khúc mắc và những kiến nghị được các bên ngồi lại trao đổi, bàn thảo để từ đó có những giải pháp gỡ khó và hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ với DN châu Âu tại Hội thảo, bà Nguyễn Vân Chi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế cho biết: Trong năm 2012, ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng đã có nhiều giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân. Theo đó, về thuế giá trị gia tăng (GTGT), Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 06/2012/TT-BTC với rất nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung như: Quy định điều kiện và hoàn thiện việc liệt kê những hoạt động tài chính thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; Bổ sung hướng dẫn DN không kê phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đầu ra nhưng vẫn được khấu trừ đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ được người nộp thuế tại Việt Nam; Các khoản thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác…; Hướng dẫn rõ một số nội dung liên quan đến xác định đối tượng không chịu thuế GTGT để thuận lợi trong quá trình thực hiện như: dịch vụ chữa bệnh kèm thuốc chữa bệnh, tiền ăn, ở, vận chuyển đón đưa học sinh…; Hướng dẫn rõ về cách xác định giá tính thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản; Bổ sung hướng dẫn áp dụng % đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật và các điều kiện, thủ tục; Quy định được kê khai, khấu trừ bổ sung đối với chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu và các hóa đơn GTGT đầu vào phát sinh trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động theo quy định của Luật quản lý thuế (không bị giới hạn 6 tháng như trước đây)…
Về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 05/2012/TT-BTC ngày 5/1/2012 hướng dẫn thi hành nghị định số 113/2011/NĐ-CP với một số nội dung mới như: Đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, cách xác định căn cứ tính thuế trong một số trường hợp; Cách xác định thuế suất của một số loại xe ô tô; Hướng dẫn rõ về khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt…
Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 123/2012/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP và Nghị định số 122/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 10/09/2012 và áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN từ năm 2012 trở đi. Thông tư này đã bổ sung quy định mới về việc chuyển đổi kỳ tính thuế, về xác định thu nhập tính thuế đối với trường hợp DN có thu nhập tính thuế đối với DN có thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản; chuyển nhượng dự án; chuyển nhượng quyền dự án; chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Đồng thời, bổ sung thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) là khoản thu nhập được miễn thuế TNDN, thời gian miễn thuế và thời gian miễn thuế tối đa không quá 1 năm kể từ ngày được cấp CERs. Thông tư này cũng quy định rõ thuế suất thuế TNDN đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác các mỏ tài nguyên quý hiếm; Giảm tỷ lệ kê khai tạm nộp thuế TNDN trên doanh thu đối với trường hợp thu tiền theo tiến độ từ 2% xuống 1%... Đây là những nội dung quan trọng, được các DN trong và ngoài nước quan tâm đặc biệt vì gắn liền với lợi ích sát sườn của cộng đồng DN khi hoạt động tại Việt Nam.
Đặc biệt, riêng về thuế đối với nhà thầu nước ngoài, Bộ Tài chính cũng đã có Thông tư số 60/2012/TT-BTC ngày 12/04/2012 hướng dẫn cụ thể đối tượng áp dụng đối với hoạt động kinh doanh theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng DDP, DAT, DAP (các điều khoản thương mại quốc tế - Incoterms). Thông tư này cũng đã sửa đổi, bổ sung tỷ lệ % thuế GTGT, TNDN đối với một số ngành nghề. Theo đó, bổ sung tỷ lệ % GTGT đối với dịch vụ khoan là 70%, tỷ lệ thuế TNDN: đối với cung cấp hàng hóa theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ là 1%, đối với dịch vụ quản lý nhà hàng khách sạn, casino là 10% (trước đây là 5%), dịch vụ tài chính phái sinh là 2%, đối với lãi tiền vay là 5% (trước đây là 10%)… Bên cạnh đó, Thông tư này cũng hướng dẫn cụ thể cách xác định tỷ lệ % GTGT, tỷ lệ % thuế TNDN trên doanh thu tính thuế đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị đi kèm công trình xây dựng…
Ngoài ra, theo Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, trong hai năm qua, cũng có khá nhiều chính sách về lĩnh vực Hải quan được Bộ Tài chính ban hành, trong đó có 6 văn bản liên quan đến hoạt động của các DN xuất nhập khẩu như: Thông tư số 156/2011/TT – BTC ngày 14/11/2011 ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam; Thông tư số 157/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực; Thông tư số 179/2011/TT-BTC ngày 08/12/2011 về việc hướng dẫn xử lý hàng hóa bị từ bỏ, thất lạc nhầm lẫn, quá thời hạn khai hải quan tại cảng biển mà chưa có người đến nhận quy định tại Điều 45 Luật Hải quan và hàng hóa không có người nhận khác; Thông tư số 178/2011/TT-BTC ngày 08/12/2011 hướng dẫn về việc tạo, phát hành, sử dụng và quản lý Biên lai thu thuế, lệ phí hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu ,nhập khẩu của các DN kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh đường hàng không quốc tế; Thông tư số 58/2012/TT-BTC ngày 12/4/2012 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 05/2012/QĐ –TTG về việc thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; Thông tư số 01/2012/TT-BTC ngày 03/01/2012 hướng dẫn việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm dịch.
Thay mặt EuroCham, ông Preben Hjortlund - Chủ tịch Eurocham đánh giá rất cao những nỗ lực của ngành Tài chính, đặc biệt đã lắng nghe và chia sẻ những khó khăn từ DN, từ đó sửa đổi bổ sung các quy định, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động và đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều băn khoăn cần sự giải đáp từ phía cơ quan chức năng, đặc biệt là một số thủ tục hành chính thuế chưa sát thực tế. Cụ thể: Việc khấu trừ các chi phí trích trước “tương ứng với doanh thu”; Phương pháp phân bổ thu nhập chịu thuế giữa các hoạt động (được hưởng ưu đãi và không được hướng ưu đãi); Lợi nhuận chuyển ra nước ngoài; Quy định về thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu; Về thuế GTGT đối với lãi tiền vay từ các tổ chức phi tín dụng; Việc áp dụng thuế nhà thầu trong trường hợp các dịch vụ được cung cấp kèm dịch vụ như dịch vụ bảo trì… Bên cạnh đó, đại diện EuroCham cũng cho rằng, tới đây ngành Tài chính cần rà soát lại các chính sách thuế đối với các ngành đóng góp nhiều cho ngân sách để có cách thức ưu đãi và hỗ trợ những ngành này phát triển. Đây là việc làm cần thiết vì chính sách đầu tư của DN phụ thuộc và cân nhắc vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Rất nhiều câu hỏi của cộng đồng DN châu Âu đã được lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan trả lời thỏa đáng. Bên cạnh đó, những câu hỏi mà DN gửi trước cũng đã được Bộ Tài chính nghiên cứu và trả lời bằng văn bản. Đối với một số vướng mắc, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đang dự thảo công văn hướng dẫn Cục thuế, cục Hải quan các tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương để trả lời DN. Riêng những kiến nghị sửa đổi về chính sách thuế, chính sách hải quan nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh bình đẳng, Bộ Tài chính tiếp tục ghi nhận sửa đổi, bổ sung thích hợp trong quyền hạn, chức năng của mình, đồng thời tổng hợp để nghiên cứu trình Quốc hội và Chính phủ để có hướng xử lý phù hợp.