FATCA: Xáo trộn lớn trên thị trường tài chính
(Tài chính) Đạo luật Tuân thủ thuế đối với tài khoản nước ngoài của Mỹ (FATCA) đã có hiệu lực, với gần 70 nước và 77.000 các tổ chức tài chính nước ngoài (FFIs) chấp nhận chia sẻ thông tin của khách hàng cho Mỹ, tính đến nay.
Trong số đó, đáng chú ý có cả những “thiên đường thuế” như Thụy Sĩ, Đảo Cayman và Bahamas, hay các nước có nền tài chính phát triển như Anh, Italy, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Đức, Ireland, Nhật Bản, Mexico, Na Uy... Đánh đổi việc thêm thủ tục và thậm chí phải điều tra khách hàng để báo cáo lên Sở Thuế vụ Mỹ (IRS). Những bài học mà HSBC, Standard Chartered, Deutsche Bank, UBS đã phải hứng chịu khi đương đầu với chính phủ Mỹ khiến nhiều ngân hàng không có lựa chọn nào khác.
Nhiều ngân hàng giúp khách hàng trốn thuế
Ngân hàng lâu đời nhất Thụy Sĩ - Wegelin & Co - mới đây đã tuyên bố sẽ đóng cửa vĩnh viễn sau khi chính thức thừa nhận với các nhà điều tra Mỹ hồi cuối tuần trước về việc đã giúp những người Mỹ giàu có cất giữ hơn 1,2 tỷ USD tiền trốn thuế trong gần 10 năm qua. Vụ việc trên khiến Wegelin trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên nhận tội giúp trốn thuế tại Mỹ. Wegelin được thành lập năm 1741, đã đồng ý trả mức tiền phạt 57,8 triệu USD cho chính quyền Mỹ. Ngân hàng này cũng thông báo sẽ đóng cửa vĩnh viễn sau khi đã hoàn tất việc nộp phạt.
Ngân hàng UBS, Thụy Sĩ cũng phải đối mặt với những cáo buộc rửa tiền và giúp các công dân Pháp trốn thuế trong giai đoạn 2004-2012. UBS cũng được lệnh trả khoản tiền bảo lãnh 1,1 tỷ euro (khoảng 1,5 tỷ USD). UBS chưa bình luận gì về vụ việc. Tin tức này được hãng AFP loan báo ngày 23/7, không có gì bất ngờ. Bởi năm 2013, UBS cũng đã bị điều tra do nghi ngờ cung cấp các dịch vụ tài chính bất hợp pháp cho những công dân Pháp để họ chuyển tiền ra nước ngoài. UBS đã bị phạt 10 triệu bảng vì vụ việc đó.
UBS thực tế đã gặp rắc rối với các chính phủ phương Tây vì cáo buộc trốn thuế trong vài năm qua. Đáng chú ý, năm 2009 họ đạt được một thỏa thuận dàn xếp với Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ danh tính các khách hàng của mình và trả khoản phạt 780 triệu USD để tránh bị truy tố hình sự.
Ngân hàng này thừa nhận họ đã qua mặt Sở Thuế vụ Hoa Kỳ khi giúp các công dân Mỹ trốn thuế. Các ngân hàng UBS ở Pháp đã sử dụng cách tương tự ở Mỹ để tiếp cận các nhà đầu tư giàu có, theo báo chí Pháp. Họ cử người tới các sự kiện văn hóa và thể thao lớn, thiết lập quan hệ và sau đó đề xuất cung cấp dịch vụ trốn thuế.
Credit Suisse, đối thủ chính của UBS ở Thụy Sĩ, đã công bố thua lỗ 779 triệu USD sau khi thừa nhận hồi tháng 5 có lỗi trong việc giúp công dân Mỹ trốn thuế và trả 2,6 tỷ USD tiền phạt. Đây chính là bản án hình sự có liên quan đến vấn đề trốn thuế lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử tài chính Mỹ. Chính sách bảo mật nghiêm ngặt của các ngân hàng Thụy Sĩ từng giúp xây dựng nên mạng lưới tài chính hơn 2.000 tỷ USD giờ đây đối mặt với nỗ lực của chính phủ nhiều nước nhằm ngăn chặn nạn trốn thuế của giới nhà giàu.
Tỷ lệ bỏ quốc tịch Mỹ tăng cao
Trong một thế giới mà khủng hoảng và suy thoái kinh tế vẫn còn ám ảnh, áp lực đóng thuế tới 30% thu nhập không phải con số nhỏ, đặc biệt nếu là những khoản tiền lớn. Tỷ phú Eduardo Saverin, đồng sáng lập Facebook, đã chọn Singapore, quốc gia không thu thuế trên lợi nhuận từ đầu tư để cư ngụ, trước khi Facebook được đưa ra niêm yết tại Wall Street. Tài tử Lý Liên Kiệt (Jet Lee) cũng đã trở thành công dân Singapore, dù trước đó từng giữ quốc tịch Trung Hoa và Hoa Kỳ.
Cindy, một chuyên gia hóa chất, sau 30 năm làm việc ở Đức và chỉ nộp thuế cho nước sở tại, nay bà đã phải nộp phạt cho cơ quan thuế của Mỹ một khoản 42.000 USD, tương đương 8 tháng thu nhập sau thuế. “Tôi đã mất quyền lợi khi là người Mỹ”, bà nói sau 3 tháng từ bỏ quốc tịch. Thống kê của Bloomberg chỉ ra, trong năm 2011 đã có khoảng 1.780 người Mỹ sống ở nước ngoài đến các đại sứ quán Mỹ xin từ bỏ quốc tịch, cao hơn nhiều so với 235 người trong năm 2007. Riêng tháng 1/2013, số khách hàng muốn biết thêm chi tiết về việc từ bỏ quốc tịch Mỹ gia tăng 48% so với tháng Giêng năm 2012.
Ước tính, FATCA có ảnh hưởng đến khoảng 6 triệu công dân Mỹ đang sống khắp nơi trên thế giới, đặc biệt tại Thụy Sĩ. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các công dân Mỹ đang sống tại đây có tỷ lệ từ bỏ quốc tịch cao nhất. Đến độ, Đại sứ quán Mỹ tại Bern, Thủ đô Thụy Sĩ, phải tăng thêm nhân viên giải quyết các hồ sơ bỏ quốc tịch đang ứ đọng. Các cá nhân có thể không quá khó khăn để từ bỏ quốc tịch Mỹ.
Nhưng với FFIs, không tuân thủ FATCA sẽ phải gánh án phạt 30% lợi nhuận và đồng nghĩa có thể bị buộc phải rời khỏi thị trường tài chính Mỹ, hoặc không được đầu tư vào các tài sản của Mỹ - nơi vẫn là trung tâm tài chính số một thế giới.
Một số người cho rằng, FATCA là “một thảm họa tiềm tàng”, trong khi những người khác lại tin rằng, việc tuân thủ FATCA có thể là cơ hội để họ thể hiện tính minh bạch, tính cạnh tranh cũng như mức độ tập trung mạnh mẽ của họ vào hoạt động quản trị DN. Hình thức trấn áp hành động trốn thuế của những đối tượng Mỹ ở nước ngoài đang thay đổi một cách nhanh chóng, khi các cơ quan hữu trách chuyển sang thực hiện FATCA, thông qua các hiệp định song phương giữa các quốc gia, thay vì chỉ áp dụng một luật chung cho tất cả các FFIs.
Trên thế giới, một số nước cũng đang nghiên cứu áp dụng một số đạo luật tương tự để ngăn chặn hành vi trốn thuế của công dân nước mình, hoặc trao đổi thông tin song phương. Và như vậy, trong tương lai, ngoài FATCA, hệ thống ngân hàng các nước sẽ phải làm quen với việc tuân thủ các đạo luật tương tự, nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi trong nền kinh tế toàn cầu.