FDI đang đi vào thực chất!

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), trái ngược với vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm có xu hướng giảm, trong 9 tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký vào Việt Nam 11,8 tỷ USD bằng 74,5% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, vốn FDI giải ngân có xu hướng tăng, ước đạt 7,9 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Các chuyên gia cho rằng đây là một dấu hiệu đáng mừng, cho thấy dòng vốn FDI đang đi vào thực chất hơn, khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn giải ngân đã được rút ngắn lại.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng khẳng định: “Chúng ta không nên và thế giới cũng không ai làm những điều như chúng ta đang làm là so sánh thu hút FDI cùng kỳ năm nay với cùng kỳ năm ngoái”, ông Vinh nói trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời".

Ông Vinh lý giải, thu hút FDI giống như việc “bắc nước chờ gạo người”; có nghĩa là Việt Nam làm hết mình để tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng quyết định đầu tư hay không không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực và mong muốn chủ quan của Việt Nam bởi đây là nhà đầu tư nước ngoài.

Ông giải thích: “Họ đang chịu rất nhiều tác động, trong đó có tác động từ chính tập đoàn, công ty ở nước sở tại. Việc bị vỡ nợ, sa lầy vào những khó khăn của tập đoàn mẹ chẳng hạn khiến họ không đủ khả năng ra nước ngoài đầu tư, phải co cụm lại”.

Bởi vậy, mặc dù tiến triển về tình hình thu hút và sử dụng vốn FDI gần đây đang diễn ra tốt đẹp, song một số chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo cần thận trọng với những nguy cơ đang tiềm ẩn quanh khu vực này, bao gồm: sự "thổi phồng" về vốn và lợi nhuận; việc sử dụng quá nhiều nguồn lực khan hiếm hoặc đang thiếu trầm trọng như đất đai, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên; hủy hoại và gây ô nhiễm môi trường; khả năng "cướp vốn" của khu vực kinh tế tư nhân trong nước; và cuối cùng là nguy cơ gây thiếu hụt ngoại tệ và rủi ro tỷ giá.

Còn nhớ tại Hội thảo "Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài" do Bộ KHĐT, Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tổ chức gần đây, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, vừa qua, chúng ta đã xem xét kỹ khâu cấp phép đầu tư, thế nhưng câu chuyện quản lý sau cấp phép còn nhiều chuyện phải bàn, đặc biệt sau khi thực hiện phân cấp quản lý FDI.

"Xu thế của thế giới là xem xét cấp phép đầu tư đơn giản, nhanh chóng, sau khi thu hút thì quản chặt bằng các công cụ, hàng rào kĩ thuật. Còn ở Việt Nam, thời gian qua, "cái phễu" úp xuống, tức quản chặt khâu cấp phép, song khâu hậu kiểm lại buông lỏng. Công cụ quản lí của chúng ta cũng phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu" - ông Hoàng nói.