Phát triển năng lượng tái tạo: Nên đánh thuế môi trường với điện than?
Tại Hội thảo Phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam: Góc nhìn công nghệ, do Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) tổ chức chiều 31/7, các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, nên xem xét đánh thuế carbon, thuế môi trường đối với nhiệt điện than sẽ giúp năng lượng tái tạo có cơ hội cạnh tranh để phát triển.
Nhiều tiềm năng phát triển
Theo đánh giá, nhu cầu về điện của nước ta tăng thêm 10% trong giai đoạn 2010 - 2030. Để đáp ứng điều này, trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Chính phủ phê duyệt tháng 3/2016, nhiệt điện than sẽ tăng từ 13.000MW hiện nay lên khoảng 55.000MW vào năm 2030. Hiện, các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam sử dụng hai công nghệ lò hơi chính là lò than phun (PC) và lò tầng sôi (CFB). Với công nghệ PC, Việt Nam vốn có kinh nghiệm thiết kế, lắp đặt, vận hành.
Bên cạnh đó, hiệu suất cao, đạt khoảng 38% đối với thông số hơi cận tới hạn, 40 - 42% đối với thông số hơi siêu tới hạn và có thể lên tới 50%; công suất có thể lên tới 2.000 MW/tổ máy; tuổi thọ cao, khoảng 30 - 40 năm. Tuy nhiên, nhược điểm của công nghệ này là than không cháy hết, sinh nhiều NOx và tốn kém chi phí nghiền than mịn.
Còn đối với công nghệ CFB có cải tiến hơn khi đốt được nhiều loại nhiên liệu, nhiên liệu cháy kiệt, không cần đốt kèm dầu khi công suất xuống thấp. Song, nhược điểm là công suất tổ máy hiện lớn nhất đạt 300MW, giá thành cao hơn lò PC cùng công suất. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, Việt Nam vẫn chủ yếu dùng công nghệ PC và CFB.
Việc sử dụng hai công nghệ này đặt ra nhiều thách thức về môi trường. Theo Phó Giám đốc GreenID Trần Đình Sính, điện than sinh ra bụi, SOx, NOx là những chất độc hại với sức khỏe con người. Ngoài ra còn có khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Hiện, “tất cả các nhà máy nhiệt điện đều đã được lắp đặt hệ thống lắng bụi tĩnh điện ESP với hiệu suất đạt tới 99,75%; lọc SOx đạt 90 - 99%; lọc NOx đạt khoảng 25 - 30%. Tổng chi phí lắp đặt thiết bị kiểm soát khí thải làm tăng giá điện quy dẫn 9 cent/kWh, tương đương 2.000 đồng/kWh.
Bên cạnh đó, với nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200MW thì lượng nước để làm mát khoảng 54m3/s, tương ứng 4,7 triệu m3/ngày đêm. Trong khi đó, nước đầu ra nóng hơn nước đầu vào khoảng 8 độ, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái xung quanh khu vực xả nước thải này”, ông Sính cho hay.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, qua đó giảm dần tỷ trọng của điện than. Đơn cử, với điện gió, tiềm năng này đạt khoảng 50 - 100 KW/m2/năm; tiềm năng kỹ thuật (có thể khai thác được) là 30.000 MW/năm. Còn với điện mặt trời, cường độ bức xạ mặt trời lớn nhất là 2056 kWh/năm.
Tiềm năng kỹ thuật đạt tới 20.000MW và nếu khai thác tốt sẽ giảm bớt nhu cầu điện than ở phía Nam. Việc phát triển điện mặt trời cũng tiêu tốn ít tài nguyên. Theo đó, để làm 1MW điện mặt trời cần khoảng 1 - 1,5ha. Pin mặt trời cũng có thể lắp đặt trên các mái nhà, mặt hồ nước. Việc sử dụng nước chỉ cần khoảng 100m3/tháng cho công suất 20MW…
Khuyến khích người dân tham gia đầu tư
Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều thách thức. Theo GS. TS. Nguyễn Thế Mịch, ĐH Bách khoa Hà Nội, riêng với điện gió đang phải đối diện với những rào cản như giá đầu tư cao, nhưng giá bán hiện vẫn “loanh quanh” ở mức 2.000 đồng/kWh; tiếp cận vốn vay khó; hạ tầng kỹ thuật thiếu; thiếu nhân lực có chuyên môn kỹ thuật.
“Để triển khai một dự án điện gió, chỉ riêng việc đo gió đã cần tối thiểu một năm, chưa kể đến việc xin phép, đàm phán về đất đai. Đồng thời, phải dùng các phần mềm mà giá của mỗi phần mềm chừng 1 triệu USD. Cột đo gió cũng cần vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng”, ông Mịch cho hay.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, nếu phát triển năng lượng tái tạo sẽ gặp khó khăn trong việc lưu trữ, đặc biệt với điện mặt trời vào những ngày không có nắng. Ngoài ra, nguồn phân tán năng lượng tái tạo cũng không ổn định, không phải nơi nào cũng phát triển được...
Từ những khó khăn, thách thức trên, theo các chuyên gia, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như ban hành chính sách hỗ trợ phát triển; sớm hướng dẫn đấu nối điện tái tạo lên hệ thống lưới điện; có cơ chế thúc đẩy ứng dụng điện tái tạo trong các ngành kinh tế.
Đặc biệt, cần chú ý tới việc đào tạo nguồn nhân lực vốn đang thiếu và yếu hiện nay; có chính sách khuyến khích người dân tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm bớt phụ thuộc vào điện lưới sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.
Nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật, Bộ Công thương Ngô Đức Lâm bổ sung, hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, giá điện tái tạo vẫn còn cao hơn so với nhiệt điện than. Nguyên nhân là vì chúng ta chưa đánh thuế carbon và thuế môi trường với điện than như các nước.
“Nếu việc đánh thuế này được thực hiện thì chắc chắn, giá của điện than sẽ tăng lên khoảng 12 - 13 cent/kWh thay vì 7 - 8 cent/kWh như hiện nay. Khi đó giá của năng lượng tái tạo sẽ cạnh tranh được mà không cần đến chính sách hỗ trợ nào của Nhà nước để thúc đẩy phát triển”, ông Lâm tin tưởng.