FDI tháng 7: Tăng tốc và hậu kiểm

Hồng Minh

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong tháng 7 đã có dấu hiệu khởi sắc hơn các tháng trước đó và có nhiều khả năng đưa kết quả thu hút FDI tháng 7/2015 trở lại quỹ đạo tăng trưởng ở cả hai chỉ tiêu: vốn đăng ký và vốn thực hiện.

Ngành sản xuất vẫn thu hút nhiều vốn FDI vào Việt Nam nhất. Nguồn: internet
Ngành sản xuất vẫn thu hút nhiều vốn FDI vào Việt Nam nhất. Nguồn: internet

Còn khoảng 10 ngày nữa mới đến thời điểm Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra con số thống kê chính thức về kết quả thu hút nguồn vốn FDI trong tháng 7/2015, nhưng tình hình cấp phép và quản lý FDI của một số địa phương trong những ngày vừa qua cho thấy FDI tháng 7/2015 đã có dấu hiệu khởi sắc hơn các tháng trước đó.

Tiềm năng tăng mạnh

Vốn FDI thực hiện 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,3 tỷ USD tăng 9,6% so cùng kỳ 2014. Tuy vốn thực hiện là một chỉ tiêu quan trọng nhất trong thu hút FDI, do có vốn thì mới có hoạt động sản xuất, mới có sản phẩm, mới tạo ra việc làm, mới có thu ngân sách,... nhưng tình hình FDI 6 tháng đầu năm 2015 vẫn tạo ra các lo ngại thực tế từ giới truyền thông về sự suy giảm của dòng vốn này dưới góc độ còn thiếu vắng các dự án có quy mô “Khủng - Tỷ đô” như trước đây và năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, khi vốn FDI đăng ký (cả cấp mới và tăng thêm) chỉ đạt 5,49 tỷ USD bằng 80,2% so cùng kỳ 2014.

Một số chuyên gia FDI đã phân tích sâu hơn về đặc thù của dòng vốn này: nó không phải là dòng nước êm ả trôi đều đến các vùng, miền hàng tháng, mà nó giống như một dòng suối dữ lúc hiền hòa đầy nước, lúc ào ào dữ dội khi lũ về, lúc khô cạn,... Để hiểu đầy đủ về dòng vốn này, và ngăn chặn được các tác hại của nó cần có quan sát, trắc nghiệm trong một chu kỳ đủ dài một số năm mới thấy hết được và mới có được giải pháp thu hút, quản lý hữu hiệu.

Dự báo của các chuyên gia về tăng trưởng FDI trong những tháng cuối năm đã không phải chờ đợi lâu: ngày cuối cùng tháng 6/2015, UBND Tp.HCM đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho công ty Liên doanh Empire City đầu tư vào dự án có quy mô 1,2 tỷ USD tại khu đô thị mới Thủ Thiêm để thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản: đầu tư, xây dựng, vận hành và khai thác một tổ hợp nhà ở, khách sạn, trung tâm thương mại, khu văn phòng, khu vui chơi giải trí và khu Tháp quan sát phức hợp.

Chỉ với riêng dự án này đã cho thấy FDI trong nửa đầu tháng 7/2015 đã tăng cao hơn so với mức bình quân khoảng 900 triệu USD/tháng trong 6 tháng trước đó, chưa kể một số dự án khác có quy mô vài chục triệu USD và lớn hơn đã được cấp phép.

Về vốn FDI thực hiện cũng có tin vui: khi dự án xây dựng Tổ hợp du lịch, dịch vụ tại Tuy Hòa, Phú Yên có quy mô khủng 4,3 tỷ USD với diện tích chiếm đất đến 565 ha ven biển, sau một thời gian chờ vốn, thuộc loại dự án “Treo” được cấp phép từ năm 2008, đã khởi công xây dựng sau khi được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận điều chỉnh quy mô vốn xuống còn 1 tỷ USD và diện tích đất xây dựng rút xuống còn 357 ha với tên gọi mới “dự án New City Việt Nam”.

Trong kết quả sơ bộ về thu hút FDI tháng 7/2015, còn phải kể đến tên của các nhà đầu tư lớn đã có mặt tại Việt Nam nhiều năm qua như: Tập đoàn Sammsung với dự án Samsung Display có qui mô 3 tỷ USD sẽ tiếp tục đầu tư tại KCN Yên Phong 1 tỉnh Bắc Ninh, mới đây được chấp thuận về một số ưu đãi do Tập đoàn đề xuất và chuẩn bị được cấp phép trong thời gian tới;

Tập đoàn Sembcop Development (Singapore) trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với công ty Becamex (Bình Dương) đã thành lập mới khu công nghiệp VSIP Nghệ An với tổng diện tích được chấp thuận 750 ha (giai đoạn I: 198ha đã được cấp phép), sau khi VSIP đã có mặt tại Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hải Dương.

Riêng tại VSIP Hải Dương, Tập đoàn Regina Miracle cũng đã đầu tư nhà máy sản xuất giày thể thao với tổng vốn đầu tư 88 triệu USD trên diện tích 13,6 ha - đây là dự án thứ hai của tập đoàn này sau dự án thứ nhất tại VSIP Hải Phòng với quy mô vốn đầu tư 150 triệu USD được cấp phép đầu năm 2014 và sẽ đi vào sản xuất trong tháng 9/2015 sắp tới.

Hoạt động tích cực của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) để triển khai các bước tiếp theo sau khi đã chính thức ký biên bản ghi nhớ vào cuối tháng 5/2015 với UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc đầu tư cơ sở hạ tầng dự án KCN Thăng Long III tại huyện Bình Xuyên. Đây là dự án KCN thứ 3 của Tập đoàn Sumitomo, sau thành công của hai dự án KCN Thăng Long I tại Hà Nội và KCN Thăng Long II tại Hưng Yên.

Và mới nhất ngày 14/7, Jabil, Tập đoàn điện tử lớn thứ ba thế giới của Mỹ đã được UBND Tp.HCM chấp thuận cho đầu tư thêm 500 triệu USD để mở rộng sản xuất ở Khu công nghệ cao Tp.HCM với một cơ sở hơn 93.000 m2. Ông Alessandro Parimbelli, Giám đốc điều hành khối sản xuất điện tử toàn cầu của Tập đoàn Jabil cho biết trọng tâm của công ty là sản xuất máy tính, lưu trữ, mạng và viễn thông ứng dụng.

Thách thức hiệu quả

Bên cạnh các kết quả nêu trên, cũng cần đề cập đến các mặt trái có thể có của các thành tích đã đạt được, khi đã có bài học “xả thải” ra sông Đồng Nai của Tập Đoàn Vedan trước đây với một dự án công nghiệp có quy mô diện tích đất lớn như một số KCN mới được cấp phép gần đây, hay việc kiểm tra các điều kiện để được hưởng ưu đãi của các dự án FDI có quy mô lớn (như của Samsung) chưa thấy tiến hành việc công bố kết quả kiểm tra, giám sát.

Thời gian qua, hiện tượng dự án đầu tư bánh vẽ vài trăm triệu đến cả tỷ đô của các nhà đầu tư nước ngoài chỉ đăng ký, chiếm đất rồi bỏ đó ngày một nhiều. Ngày 7/7, dự án thép 4,5 tỷ USD, xây dựng nhà máy thép Quảng Liên tại Quảng Ngãi cũng đã chính thức bị “khai tử” do chủ đầu tư không thể lo được vốn sau 5 lần điều chỉnh giấy chứng nhận và vốn đầu tư. Ngày 8/7, Vĩnh Phúc đã quyết định rút giấy phép đầu tư của dự án xây dựng nhà máy sản xuất đồ điện tử, máy tính, điện thoại của tập đoàn Foxconn (Đài Loan) tại Khu công nghiệp Bình Xuyên 2 sau nhiều lần nhắc nhở về tiến độ, dự án vẫn án binh bất động.

 FDI tháng 7: Tăng tốc và hậu kiểm  - Ảnh 1

Tình hình thu hút vốn FDI vào Việt Nam 6 tháng đầu năm và cả năm từ 2012-2015

Gần đây, dư luận cũng phản ánh việc người dân bị mất không gian biển tại các địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu..., nơi có nhiều các khu khách sạn, nghỉ dưỡng, resort cao cấp mọc lên ven biển. Một số địa phương đang tìm giải pháp cho vấn đề này.

Được biết, ngày 2/7/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án đầu tư bãi biển Phoenix (Phoenix Beach) của công ty TNHH Dewan International Việt Nam trên diện tích 74,16 ha phía đông đường Trần Phú, Nha Trang với tổng vốn đầu tư tương đương 1,25 tỷ USD nhưng gần như độc chiếm bãi biển.

Dự án này được cấp phép trong tháng 8/2014 nhưng ngay sau đó đã gặp phải sự phản đối của người dân tỉnh Khánh Hòa. Động tác thu hồi ngay dự án có quy mô lớn này sau một thời gian ngắn cấp phép cho thấy, công tác hậu kiểm của UBND cấp tỉnh, thành phố Trung ương đã có những chuyển biến tích cực.

Ts. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư


Mục tiêu quan trọng nhất trong thu hút FDI là số lượng vốn giải ngân thực tế được bao nhiêu, hàm lượng công nghệ của nguồn vốn này đạt được ở mức độ nào... chứ không phải chỉ đơn thuần nằm ở số vốn thu hút được.Còn về tổng thể, thực tế đầu tư nhiều năm cho thấy, mức thu hút FDI trong các tháng đầu năm không cao bằng các tháng cuối năm (đặc biệt trong 2 quý cuối năm).