FED sẽ tung ra 600 tỷ USD thúc đẩy nền kinh tế

Theo Stox.vn

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ , trong một động thái được thị trường mong chờ nhất, đã đồng ý mua thêm 600 tỷ USD nợ công nhằm hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

FED đưa ra quyết định giữa bầu không khí quan ngại của thị trường về động thái mới của FED có thể đem tới những nguy cơ đáng kể cho đồng USD cũng như thị trường tài chính.

Trong thông báo của mình, FED cho rằng tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức cao và tỷ lệ lạm phát còn thấp. Ngoài ra, FED đánh giá sự phục hồi của nền kinh tế chậm chạp một cách đáng thất vọng.

Trong lần sử dụng biện pháp nới lỏng trước, FED đã chi ra 1,7 nghìn tỷ USD nhưng nền kinh tế vẫn trong tình trạng khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức cao.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bơm tiền vào thị trường thông qua việc mua lại trái phiếu chính phủ dài hạn cho tới cuối tháng 6/2011, nhớ đó các ngân hàng sẽ có lượng tiền mặt dồi dào để thực hiện hoạt động cho vay. Gói nới lỏng định lượng lần này tương đương với việc FED sẽ mua vào 75 tỷ USD trái phiếu/tháng. Việc thu mua trái phiếu của FED cũng làm hạ lãi suất do lực cầu trái phiếu chính phủ đẩy giá lên cao nhưng lại hạ lợi tức. Lãi suất giảm khuyến khích người dân thực hiện hoạt động đi vay.

Trong một tuyên bố riêng, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho biết Ủy ban Thị trường mở Liên bang FOMC chỉ đạo Open Market Trading Desk của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York  thực hiện chính sách mới của FED thông qua kế hoạch mua từ 850 – 900 tỷ USD trái phiếu chính phủ từ giờ cho tới cuối quý II/2011, bao gồm 600 tỷ USD trái phiếu mua mới. Ngoài ra, ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cũng cho biết sẽ tiếp tục chương trình sử dụng những khoản gốc được trả từ các chứng khoán của các tổ chức cho vay và cầm cố để tái đầu tư vào trái phiếu chính phủ và dự kiến giá trị tái đầu tư sẽ vào khoảng 250 – 300 tỷ USD.

Ủy ban FOMC cho biết sẽ thường xuyên đánh giá tốc độ thu mua chứng khoán của mình. Ủy ban sẽ điều chỉnh chương trình thu mua trái phiếu trong trường hợp cần thiết để khuyến khích tối đa thị trường việc làm cũng như sự ổn định của giá cả.

Đúng như dự đoán, FED duy trì mức lãi suất ngắn hạn – lãi suất tài trợ liên bang gần mức 0%.

Các nhà kinh tế còn có nhiều tranh cãi xung quanh khả năng giá trị của biện pháp nới lỏng định lượng lần này có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ca nhân và doanh nghiệp.

Trên lý thuyết, việc hạ lãi suất dài hạn sẽ tác động tới toàn thị trường và các lãi suất khác như lợi suất trái phiếu 30 năm hoặc lãi suất vay thế chấp cố định. Điều này sẽ khuyến khích các chủ sở hữu bất động sản tái tài trợ vào các khoản thế chấp rẻ hơn, mặc dù nó không giúp đỡ được cho hàng triệu người Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng tịch biên nhà.

Song song với đó là những rủi ro đáng kể. Động thái mới này của FED chắc chắn sẽ tiếp tục làm đồng USD mất giá. Đồng USD đã giảm 7,5% kể từ tháng 6 so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới. Điều này có thể làm trầm trọng thêm những căng thẳng thương mại và tỷ giá, vốn đã đe dọa sự hợp tác giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

 

Bên cạnh đó, FED cũng đưa mình vào nguy cơ tiềm tàng khi khối trái phiếu mà FED đã mua vào, như các chứng khoán có liên quan tới hoạt động cho vay thế chấp trị giá 1 nghìn tỷ USD, có thể mất giá một khi lãi suất tăng. Điều này có thể làm giảm doanh thu hàng năm của FED cũng như đẩy FED đối mặt với làn sóng chỉ trích của thị trường.  

 

Không chỉ có vậy, những chính sách của FED có thể vấp phải sự phản đối từ Quốc hội. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ đã chứng kiến chiến thắng áp đảo của Đảng Cộng Hòa. Và Đảng này tuyên bố sẽ phản đối các chương trình chi tiêu của chính phủ.

Leonard J.Santow, chuyên viên tư vấn kinh tế phát biểu ông e ngại FED đã đối phó với sự thất bại của chính sách tài khóa bằng cách tạo ra một sai lầm nữa. “Chính sách tiền tệ là một sự nới lỏng thiếu bền vững và việc FED tiếp tục hào phóng sử dụng biện pháp nới lỏng định lượng sẽ không có tác dụng kích thích nền kinh  tế.”