FED thận trọng trước kế hoạch tăng lãi suất
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang hướng tới việc tăng lãi suất trong năm nay, song ngày 29.7 vừa qua, cơ quan này đã phát đi tín hiệu cho thấy họ muốn chờ nền kinh tế có thêm nhiều tiến triển trước khi tiến hành lộ trình này.
Cả 10 thành viên Ủy ban Thị trường Mở liên bang của FED (FOMC) đã nhất trí với việc giữ lãi suất gần mức 0%. Thông báo của FED sau cuộc họp chính thức kéo dài 2 ngày này cũng không nêu rõ thời gian cụ thể của kế hoạch tăng lãi suất. FED đánh giá thị trường việc làm, nhà ở và chi tiêu cá nhân đều đã có những tiến triển nhất định nhưng FED vẫn muốn chỉ số lạm phát tăng tới mục tiêu 2%.
Mặc dù Chủ tịch FED Janet Yellen khẳng định mọi quyết định còn phụ thuộc vào các số liệu kinh tế, nhiều nhà phân tích vẫn dự đoán quyết định tăng lãi suất rất có thể được FED đưa ra ngay trong cuộc họp lần tới vào giữa tháng 9. Thông báo ngày 29.7 của FED cho thấy, FED có thể không cần nền kinh tế tiến triển hơn trước khi bắt đầu tăng lãi suất mà họ đã giữ ở mức gần 0% từ tháng 12.2008.
Trong cuộc họp hồi tháng 6, FED cho biết, muốn thấy thị trường lao động “tiếp tục cải thiện”, song trong cuộc họp vừa qua, họ lại khẳng định “chỉ cần cải thiện đôi chút”. Sự thay đổi câu từ cho thấy, thực tế FED đánh giá nền kinh tế và thị trường việc làm đã tươi sáng hơn. Nhà kinh tế học Michael Hanson tại Ngân hàng America Merrill Lynch cho rằng, ngôn ngữ tích cực hơn mà FED dành cho thị trường việc làm cho thấy các nhà hoạch định chính sách sẽ sớm tăng lãi suất.
Theo giới quan sát, FED đang tiến gần tới mục tiêu chính là đạt giới hạn về tỷ lệ việc làm. Hiện tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây, và trong 3 tháng qua, trung bình mỗi tháng có thêm 221.000 việc làm mới được tạo ra. Cũng có không ít người cho rằng, việc duy trì lãi suất thấp quá lâu có thể tạo ra bong bóng lớn trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu và nhiều tài sản khác...
Tuy nhiên hiện nay, nền kinh tế vẫn đối mặt với hàng loạt mối đe dọa, từ hoạt động sản xuất trì trệ, đầu tư sụt giảm tại Mỹ cho đến nhiều vấn đề tại châu Âu, châu Á, những vết thương đang hủy hoại thị trường tài chính. Bên cạnh đó, lạm phát vẫn ở mức thấp hơn so với mục tiêu và FED đề ra. Dù tỷ lệ thất nghiệp ở mức gần được cho là bình thường, các khía cạnh khác của thị trường việc làm vẫn khá u ám. Mức lương nhìn chung vẫn ở mức thấp và nhiều người hiện chỉ có thể tìm được công việc bán thời gian. Vì vậy, một số nhà phân tích lại dự đoán có thể ban lãnh đạo FED sẽ đợi đến tháng 12 mới ra quyết định.
Hồi đầu tháng 7, trong phiên điều trần trước Quốc hội, Chủ tịch Janet Yellen cho rằng, nền kinh tế sẽ phục hồi và tăng lãi suất là việc làm cần thiết. Khi đó, một số nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ đã yêu cầu FED cân nhắc trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát vẫn chưa đạt mục tiêu 2%. Về cơ bản, FED thường tăng lãi suất khi họ cho là đã đến lúc cần có biện pháp kiểm soát lạm phát. Thời gian qua, lạm phát có xu hướng chững lại một phần do giá dầu sụt giảm.
Chủ tịch FED Janet Yallen nhấn mạnh, khi bắt đầu tăng lãi suất, FED sẽ triển khai từng bước một để tránh tạo ra cú sốc đối với nền kinh tế vốn đang được hưởng lợi từ mức lãi suất đi vay thấp. Theo bà Yellen, việc tăng lãi suất chậm đi cùng với những quãng nghỉ cố định sẽ giúp FED đánh giá được tác động kéo theo, đồng thời không tạo ra những cú sốc có nguy cơ gây rắc rối cho nền kinh tế toàn cầu, ở cả Trung Quốc hay châu Âu. Sau khi FED tăng lãi suất ngắn hạn, các loại lãi suất khác như vay thế chấp, vay nợ tự động và vay nợ doanh nghiệp cũng có thể tăng theo.
Trong khi đó, một số nhà kinh tế nhận định, thông báo vừa qua của FED mang tính trung lập, nhằm tạo ra sự linh hoạt cho cuộc họp vào tháng 9. Điều này cho phép các nhà hoạch định cân nhắc các diễn biến sắp tới, trong đó có các báo cáo việc làm định kỳ theo tháng của Mỹ, các cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc và Hy Lạp.