G20 ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại
Tại diễn đàn G20 năm nay, các đại biểu tham dự tiếp tục thể hiện quyết tâm thúc đẩy hệ thống thương mại tự do toàn cầu dựa trên luật lệ quốc tế nhằm đối phó với những mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ.
Những lo ngại về sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ, có thể dẫn tới các cuộc chiến tranh thương mại gây thiệt hại cho nhiều nền kinh tế và đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đã trở thành chủ đề nổi cộm trong hai ngày họp của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại thủ đô Buenos Aires của Argentina.
Bởi vậy, tại diễn đàn G20 năm nay, các đại biểu tham dự một lần nữa thể hiện quyết tâm thúc đẩy hệ thống thương mại tự do toàn cầu dựa trên luật lệ quốc tế nhằm đối phó với những mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ.
Ngay trong phiên họp đầu tiên, các bên đã có những tranh cãi xung quanh quyết định mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu cao đối với các sản phẩm thép và nhôm, dẫn tới phản ứng gay gắt của nhiều nước trên thế giới. Thậm chí các đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, như Liên minh châu Âu (EU), từng đe dọa trả đũa nếu Mỹ tiếp tục áp đặt thuế nhập khẩu nhôm và thép.
Tại hội nghị, đích thân Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde khẳng định không có ai là người chiến thắng nếu chủ nghĩa bảo hộ “lên ngôi,” trong khi các đối tác thương mại chính của Mỹ đều cảnh báo về những hệ lụy đối với tăng trưởng kinh tế thế giới khi một cuộc chiến thương mại nổ ra.
Nhiều ý kiến cho rằng biện pháp của Mỹ có thể sẽ tạo một tiền lệ nguy hiểm gây cản trở tới quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Phản ứng trước những ý kiến trái chiều, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bảo vệ quan điểm rằng nền kinh tế số một thế giới vẫn giữ cam kết về thương mại tự do với điều kiện phải là sự “có đi có lại,” đem đến một mối quan hệ thương mại cân bằng chứ Mỹ sẽ không đánh đổi lợi ích quốc gia để hệ thống tự do thương mại hoạt động khi người lao động và các doanh nghiệp nước này bị ảnh hưởng.
Những tranh cãi tại hội nghị lần này một lần nữa cho thấy các nền kinh tế lớn trên thế giới đang đứng trước bài toán khó là làm sao dung hòa được lợi ích quốc gia và những cam kết hợp tác thúc đẩy tự do thương mại vì lợi ích chung.
Việc Mỹ đưa ra những rào cản thuế đối với nhập khẩu, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp chuyển địa điểm sản xuất về trong nước, trong khi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng tìm mọi cách tăng kim ngạch xuất khẩu song dựng lên những rào cản đối với hàng nhập khẩu, giữ thị phần trong nước cho các doanh nghiệp nội địa, là những minh chứng rõ nét về xu hướng theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Và chính những căng thẳng kinh tế và địa chính trị là mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng toàn cầu.
Làn sóng bảo hộ thương mại đang trỗi dậy khá mạnh trong thời gian gần đây trong bối cảnh kinh tế thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại kể từ năm 2013. Ngày càng nhiều nước quay trở lại chính sách thúc đẩy sản xuất hàng hóa công nghiệp để thế chân hàng nhập khẩu, thắt chặt quy định về tỷ lệ nội địa hóa và trợ giá hàng xuất khẩu, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Trong khi đó, thành quả của toàn cầu hóa không được phân chia đồng đều giữa các khu vực, các nền kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới xu hướng phản đối tự do hóa thương mại gia tăng mạnh ở nhiều khu vực trên thế giới, nhất là tại các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ và châu Âu.
Trong thời gian qua, số lượng biện pháp bảo hộ thương mại mà các nền kinh tế lớn thực hiện ngày càng tăng lên. Đặc biệt, tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump, với chính sách “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại,” đã áp dụng nhiều biện pháp, từ rút khỏi các thỏa thuận thương mại mà ông coi là “gây thiệt hại” cho nền kinh tế đất nước, tới kêu gọi các doanh nghiệp lớn quay trở lại kinh doanh ở Mỹ để mang lại việc làm cho người dân Mỹ.
Mặc dù vậy, việc áp đặt một biện pháp đơn phương mang tính rào cản đối với thương mại tự do được đánh giá không phải là giải pháp tối ưu, bởi nó đi ngược lại xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, cản trở hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời có thể dẫn tới lên các cuộc chiến thương mại, ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của các nước, khu vực và thế giới.
Theo kết quả nghiên cứu công bố của Viện Bertelsmann, có trụ sở tại Đức, các biện pháp bảo hộ mậu dịch do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất có thể gây thiệt hại nặng nề cho chính nền kinh tế Mỹ. Theo kịch bản xấu nhất, chính sách “Nước Mỹ trước tiên” có thể làm giảm 2,3% (tương đương 415 tỷ USD) Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Mỹ trong dài hạn.
IMF từng cảnh báo việc quay lưng lại với thương mại tự do đồng nghĩa với việc sẽ mất đi một động lực chính của tăng trưởng kinh tế thế giới và có thể đe dọa xóa bỏ những nỗ lực tăng trưởng thời gian qua. Trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ đơn phương là một nguy cơ đối với sự phát triển thịnh vượng.
Theo chuyên gia kinh tế Guillermo Valles Gamés, cựu Giám đốc Cơ quan Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), các nước có trách nhiệm cần phải tìm biện pháp cân bằng để tránh chủ nghĩa bảo hộ đơn phương lên ngôi và có nguy cơ gây bùng nổ một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Ông khẳng định, chủ nghĩa bảo hộ không phải là biện pháp giải quyết những khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu trong thời đại hiện nay.
Tuyên bố chung của hội nghị G20 khẳng định cam kết tiếp tục đối thoại để đạt được sự đồng thuận về vai trò của thương mại tự do, đồng thời nhấn mạnh thương mại và đầu tư quốc tế là những động lực quan trọng đối với tăng trưởng toàn cầu, năng suất, tạo việc làm và sự phát triển chung.
Ngoài ra, các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các thỏa thuận song phương, nội khối, đa phương phải là những cam kết mở, minh bạch và phù hợp với những qui tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), qua đó ngăn chặn các nguy cơ chiến tranh thương mại.
Mặc dù vậy, tại hội nghị, các nước cũng đã thống nhất sẽ không đưa khái niệm “chủ nghĩa bảo hộ” vào trong tuyên bố chung mà sử dụng cụm từ “chính sách hướng nội” để bày tỏ quan điểm về những vấn đề tranh cãi trên. Thay vào đó, hội nghị G20 nhấn mạnh đã tới lúc phải hành động để hạn chế những rào cản đối với tăng trưởng, giảm thiểu sự bất bình đẳng toàn cầu và đẩy lùi những nguy cơ đối với kinh tế thế giới.
Hội nghị G20 lần này một lần nữa cho thấy thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế vẫn được coi là xu hướng chủ đạo giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.