Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 và những dấu ấn mới của hợp tác tài chính khu vực
Năm 2017 đánh dấu những bước tiến quan trọng trong công tác đối ngoại quốc gia của Việt Nam nói chung và của ngành Tài chính nói riêng. Việc Việt Nam lần thứ hai đứng ra đăng cai chủ nhà Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế, khẳng định vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam trong khu vực, đồng thời mở ra những vận hội mới cho quốc gia và những cơ hội phát triển mới cho các lĩnh vực tài chính.
Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017
APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Tăng trưởng kinh tế, dù đã có sự phục hồi ấn tượng trong nửa đầu 2017, song đà phục hồi chưa thực sự vững chắc. Nhiều nền tảng của hợp tác quốc tế bị lung lay khi Hoa Kỳ đơn phương tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Thoả thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cùng với những sự kiện trước đó như Anh đàm phán rút khỏi Liên minh châu Âu và chủ nghĩa dân tộc nổi lên như một động lực cho phát triển trong nước, việc chính phủ Hoa Kỳ thay đổi quan điểm trong nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến thương mại quốc tế đang tạo ra một làn sóng mới về bảo hộ thương mại trên toàn cầu.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác để đối phó với những thách thức và bất ổn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam với vai trò chủ nhà APEC 2017 đã lựa chọn chủ đề “Tạo động lực mới, chia sẻ tương lai chung” là chủ đề trọng tâm cho năm APEC 2017 với những ưu tiên tập trung vào tăng trưởng bền vững sáng tạo và bao trùm; Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở chủ đề quốc gia, cân nhắc các lĩnh vực ưu tiên hợp tác tài chính của Việt Nam, các lĩnh vực quan tâm chung của khu vực APEC và kế thừa kết quả của các Hội nghị Bộ trưởng Tài chính trước đây, đặc biệt là Kế hoạch hành động Cebu, Bộ Tài chính Việt Nam với vai trò chủ trì Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 đã đề xuất 4 chủ đề ưu tiên hợp tác tài chính cho Năm APEC 2017, bao gồm: (i) Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; (ii) Xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận; (iii) Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai; (iv) Tài chính toàn diện.
Đây là những chủ đề được các nền kinh tế thành viên APEC đặc biệt quan tâm, nhằm đối phó với những thách thức và rủi ro ngày càng gia tăng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương như: Sự yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng, sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực tài chính cho phát triển, sự bất cập của những quy định quản lý tài chính trong cả lĩnh vực tài khoá và tiền tệ, những nguy cơ và tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới sự ổn định và tăng trưởng của các nền kinh tế.
Thông qua chuỗi hoạt động trong Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, đặc biệt là các hội nghị quan trọng như Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó thống đốc Ngân hàng trung ương APEC tháng 2/2017 tại Nha Trang, Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp APEC tháng 5/2017 tại Ninh Bình, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC tháng 10/2017 tại Hội An, cùng với nhiều hội nghị, hội thảo kỹ thuật, Bộ Tài chính Việt Nam cùng với Bộ Tài chính các nền kinh tế thành viên APEC, các chuyên gia của 4 tổ chức đối tác của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 (bao gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á) đã thảo luận các vấn đề thách thức trong khu vực, trao đổi các kinh nghiệm tốt trong giải quyết các vấn đề phát sinh ở các nền kinh tế thành viên và đề xuất các khuyến nghị chính sách cho các nền kinh tế thành viên cũng như các giải pháp tăng cường hợp tác khu vực.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 24 được tổ chức tại Hội An, Quảng Nam ngày 21/10/2017 là sự kiện quan trọng ở cấp Bộ trưởng Tài chính trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng là dấu ấn quan trọng nhất trong Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC trong năm 2017.
Nguồn: Bộ Ngoại giao |
Với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tài chính 21 nền kinh tế trong khu vực, trong đó có những nền kinh tế lớn nhất toàn cầu như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hội nghị đã thảo luận các vấn đề tài chính đang được quan tâm, đặc biệt là những diễn biến kinh tế tài chính vĩ mô toàn cầu và khu vực, các nội dung trọng tâm trong 4 chủ đề ưu tiên của năm và việc triển khai Kế hoạch hành động Cebu – khuôn khổ quan trọng về hợp tác dài hạn trong Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017.
Trên cơ sở đồng thuận giữa các Bộ trưởng Tài chính của 21 nền kinh tế thành viên tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã ra Tuyên bố chung thể hiện quan điểm về các vấn đề quan tâm và định hướng chỉ đạo cho các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC trong thời gian tới. Kết quả của Hội nghị và Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Tài chính đã được báo cáo lên các nhà lãnh đạo APEC tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng ngày 11/11/2017.
Dấu ấn của hợp tác tài chính khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Hợp tác tài chính APEC 2017 đã kế thừa và phát huy những kết quả hợp tác trong các năm trước, đồng thời đặt ra những nền tảng mới cho các hoạt động hợp tác tài chính trong khu vực. Những chủ đề Việt Nam đề xuất trong năm 2017 không hoàn toàn là những vấn đề mới, tuy nhiên đã được phát triển sâu sắc hơn qua các hoạt động hợp tác trong năm và được nhìn nhận dưới những góc độ sáng tạo.
Trong chủ đề phát triển cơ sở hạ tầng, vấn đề tìm kiếm và khai thác các nguồn lực tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực đã được các nền kinh tế đặc biệt quan tâm trong nhiều năm trước, với nhiều nỗ lực hợp tác, nhiều sáng kiến đã được đề xuất. Mô hình đối tác công – tư (PPP) được nhiều nền kinh tế trong khu vực coi là giải pháp hiệu quả để huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân.
Nguồn: Bộ Ngoại giao |
Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển các dự án PPP ở nhiều nền kinh tế trong khu vực vẫn gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ triển khai chậm. Một trong những vướng mắc quan trọng trong các dự án PPP, là việc nhà đầu tư tư nhân vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro khi tham gia vào các dự án PPP trong khi chưa có các cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý, giúp các nhà đầu tư tư nhân cảm thấy yên tâm để đầu tư.
Nhận thức được những vướng mắc trong việc triển khai các dự án PPP, trong năm 2017, Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Trung tâm Cơ sở hạ tầng Toàn cầu (GIH) và các nền kinh tế thành viên APEC đã triển khai các nghiên cứu, thu thập kinh nghiệm từ các nền kinh tế trong khu vực, tập trung vào vấn đề chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư, từ đó đề xuất các cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp với từng loại hình dự án.
Bên cạnh việc nghiên cứu các giải pháp chia sẻ rủi ro phù hợp nhằm tăng cường thu hút nguồn vốn tài chính từ các nhà đầu tư tư nhân, việc tiếp cận và khai thác các nguồn vốn từ các nhà đầu tư thể chế cũng được các nền kinh tế thành viên APEC chú trọng hơn trong năm 2017. Trong Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Tài chính APEC, một phụ lục riêng về Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng trong các nền kinh tế APEC đã được các Bộ trưởng thông qua, với nhiều khuyến nghị chính sách quan trọng đối với các nền kinh tế thành viên.
Việc thúc đẩy sự quan tâm của các nền kinh tế trong khu vực trong vấn đề chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (gọi tắt là BEPS) cũng là một dấu ấn riêng của hợp tác tài chính APEC 2017. Cùng với sự mở rộng thương mại đầu tư toàn cầu và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các hoạt động đầu tư kinh doanh ngày càng trở nên phức tạp, trong nhiều trường hợp đã vượt ra khỏi phạm vi các quy định quản lý hiện hành.
Các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, đã lợi dụng các kẽ hở quản lý nhằm né tránh việc thực hiện các nghĩa vụ thuế thông qua những hành vi gây xói mòn cơ sở tính thuế hoặc chuyển dịch lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp hơn. Theo ước tính của OECD, mỗi năm các hành vi BEPS gây thất thoát khoảng từ 100 – 240 tỷ USD trên toàn cầu, tương ứng với khoảng 4 - 10% tổng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nhằm đối phó với các hành vi BEPS, G20 phối hợp với OECD đã xây dựng và triển khai một dự án trên phạm vi toàn cầu với sự tham gia của toàn bộ các thành viên của G20 và OECD và mở rộng cho cả các nước không phải thành viên của các tổ chức trên. Mặc dù chưa tham gia vào Dự án BEPS, song nhận thức tầm quan trọng của vấn đề, Bộ Tài chính Việt Nam đã chủ động đưa vấn đề BEPS thành một trong 4 chủ đề ưu tiên của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, để thúc đẩy sự quan tâm và tham gia của các nền kinh tế thành viên APEC vào Dự án BEPS.
Một báo cáo cập nhật về Triển khai các hành động của Dự án Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (Dự án BEPS) trong các nền kinh tế APEC và Chương trình hợp tác APEC về BEPS do Việt Nam (chủ nhà APEC 2017) và Papua New Guinea (chủ nhà APEC 2018) đồng chủ trì, với sự hỗ trợ kỹ thuật của OECD và Ngân hàng Thế giới, đã được trình lên các Bộ trưởng Tài chính thông qua, làm nền tảng cho việc tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác về BEPS trong thời gian tới.
Động lực thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực tài chính quốc gia
Việc tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 không chỉ là dấu ấn quốc tế quan trọng mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực tài chính quốc gia. Kết quả thảo luận trong các chủ đề ưu tiên của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 đã đóng góp trực tiếp cũng như gián tiếp vào các nội dung thảo luận của Hội nghị Cấp cao APEC như: Nội dung thúc đẩy tài chính bao trùm đóng góp trực tiếp vào Chương trình nghị sự thúc đẩy bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; Nội dung về huy động các nguồn vốn đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng gắn với vấn đề phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng trong ưu tiên quốc gia về đẩy mạnh liên kết kinh tế và kết nối khu vực; Nội dung xây dựng các giải pháp tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai gắn với các mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác trong các chủ đề ưu tiên trong năm 2017 đã đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy hội nhập quốc tế và cải cách thể chế trong nước. Việc đưa chủ đề BEPS vào thành một trong các chủ đề ưu tiên trong năm 2017 cũng đã góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế về thuế, tạo động lực cho việc Việt Nam quyết tâm tham gia vào Diễn đàn hợp tác thực hiện BEPS và trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn, mở ra những cơ hội mới cho tiến trình cải cách thuế của Việt Nam.
Đối với chủ đề ưu tiên về Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai, song song với việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong APEC, Bộ Tài chính Việt Nam đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới phát triển chương trình nâng cao năng lực trong công tác ứng phó với rủi ro thiên tai, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý công sản, theo đó đã có những điều chỉnh tích cực trong Luật Quản lý sử dụng tài sản công được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 6/2017.
Hướng tới tương lai hợp tác tài chính khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Với chủ đề bao trùm “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, các kết quả hợp tác của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 có sự liên kết chặt chẽ với các trụ cột của Kế hoạch hành động Cebu 2015 và tạo nền tảng cho các hoạt động hợp tác trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Theo đó, Bộ Tài chính Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính Papua New Guinea trong cơ chế “ba chủ trì” của APEC trong các hoạt động chung của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2018.
Nguồn: Ủy ban APEC Quốc gia, Bộ Ngoại giao |
Về hợp tác trong lĩnh vực thuế quốc tế và ứng phó với các hành vi BEPS, Bộ Tài chính Việt Nam sẽ phối hợp với Papua New Guinea tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ lẫn nhau ứng phó với các hành vi BEPS nhằm mục tiêu cùng chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường năng lực cho các nền kinh tế APEC để thực hiện các tiêu chuẩn tối thiểu và các hành động BEPS có liên quan khác trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác thực hiện dự án BEPS. Đây cũng là một trong ba chủ đề ưu tiên mà Papua New Guinea sẽ triển khai trong năm 2018.
Chủ đề đầu tư cho cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục là nội dung được tăng cường hợp tác trong thời gian tới. Khi các nguồn lực đầu tư công cho cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, nhu cầu về cơ sở hạ tầng cho phát triển trong khu vực lại tiếp tục tăng cao, việc tìm kiếm các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trong mô hình PPP sẽ là một trong các ưu tiên trong thời gian tới và là một trong các trọng tâm mà Papua New Guinea hướng tới trong năm APEC 2018.
Trong Tuyên bố về Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng trong các nền kinh tế APEC đính kèm theo Tuyên bố chung, các Bộ trưởng Tài chính đã kêu gọi tiếp tục đánh giá và phân tích các thông lệ và cách tiếp cận tốt đối với các vấn đề huy động nguồn lực tài chính từ các nhà đầu tư tư nhân và nhà đầu tư thể chế; đồng thời, đề nghị OECD xây dựng báo cáo về những kinh nghiệm hữu ích để có thể báo cáo lên các Bộ trưởng Tài chính trong năm 2018 và 2019.
Trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, việc tiếp tục tăng cường hợp tác khu vực, trong đó bao gồm cả hợp tác tài chính, là nền tảng quan trọng giúp cho các nền kinh tế trong khu vực vượt qua các khó khăn thách thức.
Duy trì sự ổn định và bền vững của hệ thống tài chính khu vực, tìm kiếm và khai thác các nguồn lực tài chính tiềm năng cho phát triển, mở rộng tiếp cận tài chính để thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, sẽ tiếp tục là những định hướng quan trọng trong hợp tác tài chính APEC trong thời gian tới, phù hợp với các mục tiêu của Kế hoạch hành động Cebu; đồng thời, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại đa phương trong khu vực, hướng tới một tương lai chung thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tài liệu tham khảo:
1. Tài liệu phục vụ Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó thống đốc Ngân hàng trung ương APEC tháng 2/2017 tại Nha Trang;
2. Tài liệu phục vụ Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp APEC tháng 5/2017 tại Ninh Bình;
3. Tài liệu phục vụ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC tháng 10/2017 tại Hội An;
4. Kế hoạch hành động Cebu;
5. Các website: mof.gov.vn, tapchitaichinh.vn, thoibaotaichinhvietnam.vn…