G7 chia rẽ về chính sách kinh tế
Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe cho rằng kinh tế toàn cầu hiện ảm đạm như thời điểm sau khi Lehman Brothers sụp đổ trong khủng hoảng tài chính 2008.
Mong muốn tìm kiếm sự ủng hộ cho kế hoạch kích thích tài khóa toàn cầu tại Hội nghị Thượng đỉnh Các nước Công nghiệp Phát triển (G7) đang diễn ra tại Nhật Bản, ông Abe đã đưa ra hàng loạt biểu đồ mang tính báo động, so sánh tình hình kinh tế hiện tại với thời điểm 2008.
Ông Abe cho rằng giá hàng hóa đang giảm và tăng trưởng yếu tại các thị trường mới nổi cũng tương tự 8 năm trước. Tuy nhiên, Financial Times trích lời một nguồn tin thân cận cho biết ông Abe vẫn chưa thuyết phục được Thủ tướng Đức - Angela Merkel và Thủ tướng Anh - David Cameron. Họ cho rằng kinh tế thế giới đang tăng trưởng ổn định, hơn là đang đi xuống.
Giới phân tích thì cho rằng ông Abe đang cố vẽ ra bức tranh bi quan, để lấy cớ hoãn tăng thuế tiêu dùng tại Nhật Bản, từ 8% hiện tại lên 10%.
Trước đó, ông đã liên tục khẳng định chỉ khi có thảm họa thiên nhiên, hoặc một cú sốc kinh tế quy mô như vụ Lehman Brothers thì mới hoãn tăng thuế. Trận động đất tháng trước ở Kyushu chính là trường hợp một. Và hiện tại là trường hợp hai.
Động thái này cũng có nghĩa Nhật Bản sẽ tiến vào năm 2017 với triển vọng tăng kích thích tài khóa. Ông Abe được dự báo công bố hoãn tăng thuế vào ngày 1/6 này.
Một người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết ông Cameron không đồng tình với ông Abe. "Thủ tướng khá lạc quan về kinh tế toàn cầu", người này cho biết.
Ông Cameron đồng ý rằng nên có chính sách "linh hoạt" để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, nhưng lại ủng hộ quan điểm của bà Merkel rằng mỗi nước G7 nên có chính sách kinh tế riêng, phù hợp từng nhu cầu.
Trước khi Hội nghị G7 diễn ra, Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Jean-Claude Juncker cũng đã cảnh báo Trung Quốc rằng EU sẽ bảo vệ ngành thép trong khu vực. "Nếu có ai đó muốn bóp méo thị trường, châu Âu không thể không phòng bị", ông nói. Các lãnh đạo EU và Nhật Bản cũng đã đồng ý sẽ hoàn tất một hiệp định thương mại tự do (FTA) "vào năm 2016".