Chính sách kinh tế Nhật Bản: Lãi suất âm có lợi hay có hại?

Theo ncseif.gov.vn

Những số liệu kém khả quan của Nhật Bản cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới khó có thể trở lại con đường tăng trưởng bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo số liệu điều chỉnh của Văn phòng nội các Nhật Bản ngày 8/3/2016, GDP Quý 4/2016 của nước này giảm 1,1% so với quý trước. Theo Bộ tài chính Nhật Bản ngày 20/4/2016, kim ngạch xuất khẩu danh nghĩa của nước này đã giảm liên tiếp trong 3 tháng đầu năm lần lượt là -12,9%; -4,0% và -6,8% so với cùng kỳ năm 2015. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Nhật Bản sau khi giảm xuống mức thấp nhất từ tháng 1/2015 xuống 40,1 điểm trong tháng 2/2016 đã tăng 1,6 điểm lên mức 41,7 điểm trong tháng 3/2016 phản ánh sự suy giảm trên diện rộng của tất cả các yếu tố như suy giảm việc làm, thu nhập.

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 15/4/2016, sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 2/2016 giảm 5,2% - mức giảm mạnh nhất về sản lượng công nghiệp của Nhật Bản kể hồi tháng 3/2011, khi thảm họa động đất sóng thần tàn phá khu vực Đông Bắc Nhật Bản.

Trước tình hình đó, Nhật Bản đang nỗ lực chống lạm phát thông qua những chính sách nới lỏng mới. Ngày 29/1/2016, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) công bố sẽ áp dụng mức lãi suất -0,1% như một biện pháp nới lỏng tiền tệ mới, nhằm nỗ lực khắc phục tình trạng giảm phát trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đang đối mặt với suy thoái và nền kinh tế toàn cầu bất ổn. Đây là lần đầu tiên BOJ áp dụng mức lãi suất âm, biện pháp này có hiệu lực chính thức vào ngày 16/2/2016.

Chính sách lãi suất âm này dành cho các tài khoản tiền gửi của các định chế tài chính tại BOJ. Điều này có nghĩa là các ngân hàng khác gửi lượng tiền dư thừa ở BOJ sẽ phải trả lãi thay vì nhận được lãi. Bằng cách đẩy lãi suất tiền gửi vào mức âm, BOJ hy vọng các ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay để kích thích các hoạt động trong nền kinh tế đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường chi tiêu hoặc tái đầu tư.

Trước BOJ, đã có một số ngân hàng Trung ương ở châu Âu từng áp dụng mức lãi suất tương tự như Ngân hàng Quốc Gia Thụy Sỹ, Ngân Hàng Quốc gia Đan Mạch, hay gần đây nhất là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Nhận định về động thái trên, hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor của Mỹ cho rằng việc áp dụng lãi suất âm có thểm làm giảm 15% lợi nhuận hoạt động của các ngân hàng khu vực và 8% lợi nhuận của các ngân hàng lớn trong tài khóa 2016.

Lãi suất âm về lý thuyết là điều kiện gần như hoàn hảo để các doanh nghiệp và cá nhân trong nền kinh tế thực hiện các khoản vay, khi họ gần như hoàn toàn không phải trả lãi suất cho các khoản vay của mình.Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa hoàn toàn phục hồi, thậm chí nguy cơ giảm phát vẫn rình rập rất nhiều nền kinh tế, ngay cả tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới thì lãi suất âm gần như trở thành một giải pháp thời thượng được tất cả ngân hàng Trung ương hướng đến. Tại Nhật Bản, Chính phủ hi vọng mức lãi suất âm sẽ kích thích người dân chi tiêu, đầu tư, vay vốn mua và xây dựng nhà, điều đã xảy từng xảy ra khi châu Âu áp dụng mức lãi suất âm cách đây năm năm.

Theo Bộ Trưởng Kinh tế Nhật Bản, chính sách lãi suất âm trước hết nhằm hướng đến mục tiêu đảm bảo dòng tiền trong nền kinh tế. Bộ trưởng Tài chính cho rằng chính sách mới sẽ tác động tích cực tới tiêu dùng và đầu tư, đem lại những thay đổi trong cách quản lý quỹ, vốn đang theo một chiều là tiền gửi và tiết kiệm, sang hướng sử dụng tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, trong thời gian đầu, khoảng 10.000 tỷ Yên (88 tỷ USD) bị áp dụng lãi suất trên, chiếm khoảng 4% tổng số tiền trong các tài khoản ngân hàng và BOJ có kế hoạch giữ con số này ở mức từ 10.000 - 30.000 tỷ Yên.

Trong khi đó, BOJ sẽ tiếp tục áp dụng mức lãi suất 0,1% đối với 210.000 tỷ Yên tiền gửi trong năm 2015 thông qua việc mua trái phiếu chính phủ theo chính sách nới lỏng tiền tệ. Ngoài ra, mức lãi suất 0% được áp dụng với 40.000 tỷ Yên tiền dự trữ bắt buộc cũng như các khoản tiền cung cấp cho các thể chế tài chính theo chương trình của BOJ thúc đẩy cho vay đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng và các dự án phục hồi sau thiên tai. Hàng tháng, BOJ sẽ tăng lượng tiền được hưởng lãi suất 0% nhằm tránh các tác động ngược thái quá lên các ngân hàng khi áp dụng lãi suất âm quy mô lớn.

Đây là lần thứ ba trong vòng chưa đầy 3 năm qua, BOJ nới lỏng chính sách tiền tệ một cách khá quyết liệt nhằm cứu vãn tăng trưởng kinh tế. Động thái của BOJ được đưa ra trong bối cảnh mục tiêu lạm phát ở mức 2% mà Chính phủ Nhật đề ra khó có khả năng đạt được, một phần do giá dầu thế giới giảm sâu và trong bối cảnh tiền lương tăng chậm.

Tuy nhiên, chính sách lãi suất âm mà BOJ gần đây áp dụng cũng gây nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng việc BOJ áp dụng rộng rãi mức lãi suất này đồng nghĩa với việc người dân buộc phải trả lãi khi họ muốn cất trữ tiền tại ngân hàng. Tính đến đầu năm 2016, ước tính có khoảng 90 tỷ Yên tiền gửi tài khoản vãng lai của các ngân hàng thương mại tại BOJ hưởng mức lãi suất 0,1%. Ngay sau khi BOJ công bố mức lãi suất tiêu cực, khoảng 1/3 số tiền này đã ồ ạt được rút ra. Và như một lẽ tất yếu, các ngân hàng thương mại gấp rút đẩy mạnh hoạt động cho vay vốn tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất thấp.

Bên cạnh đó, Nhật Bản đang có một hệ thống thanh toán vô cùng phức tạp dẫn đến hệ lụy người tiêu dùng có xu hướng quay trở lại sử dụng tiền giấy. Vào giữa những năm 1990, giao dịch tiền mặt ở nước này chỉ chiếm khoảng 10% GDP danh nghĩa. Tới năm 2013, con số này đã tăng lên mức 19%, đồng nghĩa với tỷ lệ tiêu dùng tiền mặt tại Nhật Bản nhiều gấp đôi so với các nước phát triển trên thế giới và gấp ba lần so với Mỹ lý do chính cho việc cất trữ tiền mặt tại nhà có lẽ là sự mất lòng tin vào các tổ chức tài chính, đặc biệt là kể từ sau Thế Chiến thứ II, khi Chính phủ Nhật Bản chỉ thị khóa toàn bộ tài khoản ngân hàng với lý do ngăn chặn lạm phát nhưng thực chất là kiểm kê và đánh thuế tài sản nhằm trả lãi cho những trái phiếu chiến tranh mà chính phủ đã bán ra trước đó.

Cuối cùng, các tài khoản tiết kiệm đã bị khóa trong suốt hai năm và 40 tỷ Yên là con số mà chính phủ thu về. Kể từ đó, người dân Nhật Bản dần trở nên dè dặt hơn khi gửi tiền vào các ngân hàng. Năm 2011, sau thảm họa kép động đất và sóng thần gây thiệt hại nặng nề, người ta tìm được một lượng rất lớn két sắt tích trữ tiền mặt và tài sản của người dân và các công ty bị sóng dữ đánh dạt vào bờ cũng như dưới các đống đổ nát. Các két sắt đầu tiên được tập trung tại trụ sở cảnh sát Ofunato, thuộc tỉnh Iwate. Tuy nhiên, số lượng két sắt vô chủ quá nhiều và buộc phải di dời đi vì không có chỗ cất chứa. Ước tính, mỗi năm Nhật Bản có khoảng 350 tỉ USD không được mang ra lưu thông.

Thậm chí, ở Nhật Bản còn có cả một thuật ngữ dùng để gọi số tiền này, đó là "tansuyokin", hay "tiền tiết kiệm trong tủ”. Xu hướng cất trữ tiền mặt ở Nhật Bản cho đến nay vẫn không hề thuyên giảm. Hiện nay, có hai lý do chính thúc đẩy người dân Nhật Bản cất trữ tiền bạc tại nhà. Một là việc thực hiện hệ thống mã số thuế và an sinh xã hội mới có tên là “My Number” và hai là chính sách lãi suất mới (NIRP) của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Do vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cũng e ngại lãi suất âm sẽ không hiệu quả mà còn gây “tác dụng phụ” cho nền kinh tế. Thứ nhất, người tiêu dùng trong trường hợp có lãi suất âm, sẽ rút tiền và giữ tiền ở nhà, như thế, không thể kích cầu cho nền kinh tế. Thứ hai, khi người dân cất tiền ở nhà, ngân hàng sẽ thiếu tiền để cho vay. Do đó, họ sẽ phải “chủ động” tăng lãi suất huy động. Nên cho dù ngân hàng Trung ương đưa lãi suất về âm, các ngân hàng thương mại sẽ không làm vậy vì sợ mất khách hàng. Thứ 3, cắt giảm lãi suất khó có thể thúc đẩy tiêu dùng khi niềm tin của người dân về tương lai chưa rõ ràng. Thứ 4, tiếp tục đẩy mạnh xu hướng cất trữ tiền mặt tại nhà.

Theo các nguồn tin từ Nhật bản, kể từ khi chính sách lãi suất mới của BOJ được công bố và áp dụng, số lượng người dân mua các két sắt an toàn để cất giữ tiền mặt tại nhà tặng mạnh. Đối với người dân Nhật Bản, có lẽ đây là cách tốt nhất để cất trữ tiền tiết kiệm cá nhân mà không bị các ngân hàng khấu trừ cũng như tránh sự kiểm soát tài sản từ phía các nhà chức trách. Tại các cửa hiệu chuyên dụng trong cả thủ đô Tokyo các két sắt cá nhân loại $700 một chiếc đã được bán hết từ mấy ngày trước và những khách mua còn lại bắt buột phải đợi sau đó một tháng mới có hàng mới.

Bên cạnh đó, người dân Nhật Bản còn đối phó với chính sách lãi suất mới bằng cách là mua các loại ngoại tệ an toàn với số lượng lớn, chẳng hạn như mua giấy bạc 1000 Franc của Thụy sĩ (tỷ giá hối đoái của CHF&JPY hiện nay là 113.003, và 1000 Franc tương đương với hơn 100,000 Yen Nhật). Trong khi đó tại Thụy sĩ nhu cầu về tờ 1000 Franc đã tăng 17% kể từ lúc Ngân hàng trung ương nước này (Swiss National Bank - SNB) áp dụng chính sách lãi suất âm.

Tóm lại, chính phủ Nhật Bản cần có nhiều thời gian hơn để phân tích tác động của lãi suất âm tới nền kinh tế.