G7 có kế hoạch thiết lập nhiều mức giá trần với dầu mỏ Nga
Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang có kế hoạch thiết lập các mức giá trần khác nhau đối với sản phẩm dầu mỏ của Nga.
Theo đó, G7 muốn áp dụng 2 mức giá trần khác nhau cho các sản phẩm dầu mỏ của Nga kể từ tháng 2 tới, một cho các sản phẩm được giao dịch ở mức cao và một cho những sản phẩm được giảm giá.
Trước đó, Australia, Canada, Nhật Bản và Mỹ cùng 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã công bố áp dụng mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ xuất khẩu bằng đường biển của Nga kể từ ngày 5/12/2022.
Lệnh trừng phạt cũng cấm các công ty cung cấp bảo hiểm và các dịch vụ khác cho dầu mỏ của Nga trừ khi dầu được bán với mức giá không cao hơn mức trần do G7 và các nước đồng minh đặt ra.
Kể từ ngày 5/2/2023, G7 sẽ được áp dụng đối với các sản phẩm dầu diesel, dầu hỏa và dầu nhiên liệu của Nga. Động thái này được cho là nhằm tiếp tục làm giảm doanh thu của Moskva từ xuất khẩu năng lượng.
Tuy nhiên, việc áp giá trần đối với các sản phẩm từ dầu của Nga phức tạp hơn nhiều so với việc áp giá trần đối với riêng dầu thô do Nga có nhiều sản phẩm từ dầu và giá của các sản phẩm này thường phụ thuộc vào nơi bán.
Lý giải nguyên nhân xem xét áp đặt 2 mức giá trần, G7 cho hay dầu diesel và dầu hỏa có xu hướng giao dịch cao hơn dầu thô, trong khi dầu nhiên liệu thường được bán ở mức chiết khấu.
Trong khi đó, Bộ Năng lượng Nga đang nghiên cứu các biện pháp bổ sung để hạn chế tình trạng giảm giá dầu của Nga so với giá quốc tế, sau khi EU áp đặt giá trần với dầu mỏ nước này.
Tháng 12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ trong vòng 5 tháng kể từ 1/2/2023 đối với các quốc gia áp đặt giá trần với dầu mỏ nước này.
Sắc lệnh còn bao gồm điều khoản cho phép Tổng thống đưa ra các quyết định về việc cung cấp dầu và các sản phẩm dầu mỏ, cũng như được quyền bãi bỏ lệnh cấm trong những trường hợp đặc biệt./.