Gần 40% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang thiếu hụt lao động
Một trong những nguyên nhân chính là do lao động Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật của các doanh nghiệp FDI.
Khu vực FDI đã tạo việc làm cho gần 10 triệu lao động
Trong khuôn khổ các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị tổng kết 30 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, sáng ngày 19/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo chuyên đề “Lao động trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Thực trạng và giải pháp”.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành vào tháng 12/1987, sau 30 năm, khu vực kinh tế FDI đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế đất nước.
Tính đến tháng 5/2018, Việt Nam thu hút được 25.691 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 323 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 179,12 tỷ USD, bằng 55,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Đã có 127 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan...
Có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố, khu vực FDI đã và đang giúp Việt Nam hội nhập với thế giới. Đây là nguồn bổ sung vốn quan trọng, tạo nên giá trị xuất khẩu lớn, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, nâng cao trình độ công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế...
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực doanh nghiệp có vốn FDI đang tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp. Từ đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận không nhỏ lao động.
Đồng thời, khu vực FDI cũng góp phần cải thiện nguồn nhân lực.Thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp FDI, một đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao, cao tay nghề, từng bước được hình thành và dần tiếp cận được với khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao và có tác phong công nghiệp hiện đại, có kỷ luật lao động tốt, học hỏi được các phương thức, kinh nghiệm quản lý tiên tiến.
Một bộ phận lao động địa phương được tiếp nhận vào làm việc trong các doanh nghiệp FDI được bồi dưỡng, đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước thay thế được các vị trí quan trọng, chủ chốt của doanh nghiệp.
Bổ sung thực trạng năng suất lao động tại các doanh nghiệp FDI, theo TS. Lê Văn Hùng – Viện Kinh tế Việt Nam, giữa các thành phần kinh tế, khu vực FDI luôn có năng suất lao động tuyệt đối cao nhất so với khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Yếu tố chính dẫn tới kết quả này là do khu vực FDI tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, trong khi ở khu vực nội địa, lao động vẫn chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức, những ngành có năng suất lao động tuyệt đối rất thấp.
TS. Lê Văn Hùng cho rằng, khoảng cách về năng suất lao động tuyệt đối giữa khu vực FDI và ngoài nhà nước dần được thu hẹp từ mức 10,2 lần năm 2005 xuống 7,8 lần năm 2015. Tương tự, khoảng cách giữa khu vực FDI và khu vực nhà nước giảm từ 1,9 lần xuống còn 1,4 lần trong giai đoạn này. Tuy nhiên, dù có sự thu hẹp về năng suất lao động, nhưng khoảng cách tuyệt đối giữa các thành phần kinh tế vẫn rất lớn.
Hơn nữa, dù tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực FDI chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số lao động của cả nước, nhưng kết quả đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng năng suất lao động là khá cao.
Sự hiện diện của khu vực FDI cũng giúp tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng lớn buộc các doanh nghiệp nội địa phải đổi mới, từ đó cải thiện năng suất.
Song, thiếu hụt vẫn rất lớn
Bên cạnh những tác động tích cực, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, FDI cũng làm mất đi nhiều việc làm truyền thống, tạo thêm áp lực xã hội cho các địa phương có liên quan. Đặc biệt, thu hút lao động của các doanh nghiệp FDI còn thiên về khai thác nguồn lao động có giá nhân công rẻ, ít đào tạo, thậm chí dùng cơ chế thử việc để liên tục thay lao động.
Nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ lao động nữ rất cao, nhưng giá nhân công thấp. Việc di cư ồ ạt giữa các vùng, địa phương cũng làm nảy sinh vấn đề an sinh xã hội, như: Công tác tái định cư, đảm bảo cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu…
Qua điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện 39,86% doanh nghiệp FDI đang thiếu hụt lao động và giải pháp được đưa ra chủ yếu là tuyển lao động mới. Song họ cũng lại gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động, do không có lao động đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật.
Hạn chế trên xuất phát từ việc hệ thống giáo dục, hướng nghiệp và đào tạo của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là đối với lao động yêu cầu kỹ năng cao. Mặt khác, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, chưa có sự kết nối về thông tin trên phạm vi vùng, cả nước…
Một nguyên nhân khác xuất phát từ liên kết yếu giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Theo TS. Lê Văn Hùng, khu vực nội địa nhận hiệu ứng tràn từ doanh nghiệp FDI về công nghệ, kỹ năng quản lý, quản trị. Thông qua liên kết với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội địa có cơ hội học hỏi và nhận chuyển giao về công nghệ, kỹ năng quản lý, kỹ năng làm việc.
Tuy nhiên, để nhận hiệu ứng tràn về công nghệ và kỹ năng lao động từ khu vực FDI, liên kết giữa khu vực FDI với khu vực nội địa trong sản xuất là yếu tố quan trọng nhất. Kết quả tính toán số liệu ngành công nghiệp chế biến cho thấy, liên kết ngược và liên kết xuôi giữa 2 khu vực này vẫn rất yếu. Trong khi chỉ số liên kết ngược và liên kết xuôi bình quân của các ngành công nghiệp chế biến của Indonesia giai đoạn 2000-2008 dao động ở mức khá cao (từ 35%-50%), thì của Việt Nam thường chỉ ở mức 10%-20%. Quan trọng hơn, xu hướng liên kết rất chậm được cải thiện theo thời gian. Do đó, tác động của vốn FDI tới năng suất lao động thông qua kênh gián tiếp chưa thực sự đạt được như kỳ vọng.
Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách
Ông Ngọ Duy Hiểu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trưởng ban Quan hệ Lao động – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gợi ý, để cải thiện lao động cả về chất và lượng trong các doanh nghiệp FDI, Nhà nước cần hình thành các định hướng và chính sách trong lựa chọn, thu hút đối tác đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài; chú trọng các đối tác có công nghệ hiện đại, quản trị tốt, ý thức tuân thủ pháp luật cao; ưu tiên thu hút các đối tác đầu tư vào một số ngành, sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị lớn.
Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp thuộc lĩnh vực lao động, việc làm. Hoàn thiện và phát triển thị trường lao động trong nước. Kết nối cung - cầu lao động hiệu quả. Tổ chức tốt hệ thống thông tin thị trường lao động để giới thiệu và chắp nối việc làm ở thị trường trong nước với thị trường lao động ngoài nước. Đặc biệt, tăng cường và nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu lao động, nhất là dự báo về xu hướng “sa thải” lao động, xu hướng việc làm của lao động sau khi kết thúc quan hệ việc làm trong khu công nghiệp.
Tăng cường gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển thị trường lao động, hỗ trợ khu vực phi chính thức, nông nghiệp, nông thôn, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa... để nâng cao khả năng thu hút lao động, tăng cơ hội cho lao động sau khi kết thúc quan hệ việc làm trong khu công nghiệp có được việc làm mới tại địa phương, hạn chế các dòng di chuyển lao động không mong muốn; bảo vệ tốt hơn các nhóm lao động, nhất là lao động yếu thế trong thị trường lao động.
Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hoàng Huy cũng đề xuất, để nâng cao hiệu quả sử dụng lao động trong các doanh nghiệp FDI, Chính phủ cần chú trọng cải thiện môi trường đầu tư; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương và bảo hiểm xã hội.
Quan trọng không kém là, cần có những đột phá trong giáo dục nghề nghiệp, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra, bảo đảm việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về pháp luật lao động.