Gần 490 dự án bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã được gỡ vướng
Để thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, thời gian qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS trên toàn quốc; trong đó, riêng TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã tháo gỡ vướng mắc cho 486 dự án BĐS.
Kịp thời gỡ vướng cho hàng trăm dự án BĐS tại các địa phương
Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương để rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã hướng dẫn, giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền Chính phủ và các Bộ, ngành; các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh cũng đã được Tổ công tác, Bộ Xây dựng hướng dẫn để UBND cấp tỉnh thực hiện.
Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổ công tác đã tiếp nhận và chuyển 37 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp và người dân đến UBND TP. Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS trên địa bàn theo thẩm quyền.
Đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu). Trong đó, có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác, 39 dự án qua rà soát của địa phương.
Tại Hà Nội, Tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 712 dự án nhà ở, khu đô thị.
Hiện tại, Hà Nội đã chỉ đạo, giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu) và đang tiếp tục giải quyết cho 293 dự án.
Tại TP. Hải Phòng, Tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 15 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 65 dự án nhà ở, khu đô thị về các nội dung như: Lập, phê duyệt quy hoạch; giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất các dự án; nhận chuyển nhượng, thu hồi đất; chuyển nhượng dự án BĐS; dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư; xác định giá bán, cơ chế ưu đãi nhà ở xã hội...
Hiện UBND TP. Hải Phòng đang triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành.
Tại TP. Đà Nẵng, Tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 16 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 75 dự án nhà ở, khu đô thị về các nội dung như: Thực hiện kết luận thanh tra, bản án của các dự án BĐS; vấn đề sử dụng đất ở - đất khác để phát triển nhà ở thương mại.
Tại TP. Cần Thơ, Tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng trên 10 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 79 dự án nhà ở, khu đô thị về các nội dung như: Giao đất, cho thuê đất, tính tiền sử dụng đất; chính sách phát triển nhà ở xã hội; thẩm định dự án BĐS; thẩm định năng lực chủ đầu tư khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án BĐS…
Tại Đồng Nai, Tổ công tác đã làm việc trực tiếp đối với 7 dự án BĐS lớn, trong đó có các dự án của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh... Qua đó đã giải đáp, hướng dẫn UBND tỉnh và các Sở địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đánh giá về tác động của Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ đến thị trường BĐS, ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho hay, Nghị quyết số 33/NQ-CP được ban hành kịp thời, đã tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS một cách đồng bộ, toàn diện.
"Ngoài Nghị quyết số 33/NQ-CP, thời gian qua, các cấp có thẩm quyền đã ban hành nhiều chính sách gỡ “nút thắt” cho thị trường BĐS trong thời gian qua. Nếu như các chính sách này đi vào thực tiễn cuộc sống ngay, thì thị trường BĐS phục hồi rất nhanh“, ông Nguyễn Thế Điệp nói.
Chung tay tháo gỡ vướng mắc cho thị trường BĐS
Để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển minh bạch, ổn định, lành mạnh, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chung tay tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS và các vấn đề phát sinh khác theo thẩm quyền.
Cụ thể, Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn về pháp lý; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS đối với những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.
Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.
UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực, thời gian hợp lý để rà soát, lập danh mục các dự án BĐS có khó khăn, vướng mắc; đánh giá cụ thể, lý do, nguyên nhân khó khăn, vướng mắc; trên cơ sở đó, khẩn trương chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rút ngắn thời gian và đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo thẩm quyền; quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, thẩm định, phê duyệt dự án nhà ở, trong đó có dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
Đưa ra khuyến nghị đối với cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thế Điệp cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế, chính sách đồng bộ, kịp thời trong giai đoạn hiện nay khi đại bộ phận doanh nghiệp BĐS đang rất “đuối sức” hoặc không tiếp cận được với tín dụng, do không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.
“Rõ ràng, trong giai đoạn này phải có cơ chế mang tính cởi mở như nới tín dụng phải đi vào thực tế cuộc sống. Cùng với đó, các cấp chính quyền địa phương phải chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách; tín dụng; đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia thị trường”, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho biết.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến ngày 1/8/2023, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được 112 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 174 dự án bất động sản. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã xem xét, xử lý 112 văn bản.